Cuộc chơi mới của CII
CII đang ấp ủ thêm loạt dự án mới có tổng đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và lấn sân lĩnh vực hạ tầng y tế, bất động sản hưu trí. Ảnh: Internet
Mới hoàn tất giai đoạn đầu tư nhiều dự án BOT và có dòng thu phí khoảng 7 tỷ đồng mỗi ngày kể từ 2022, CII đang ấp ủ thêm loạt dự án mới có tổng đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và lấn sân lĩnh vực hạ tầng y tế, bất động sản hưu trí.
Ngày 9/8/2022, dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án lớn và được tập trung nhiều nguồn lực nhất của Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) chính thức đi vào vận hành. Sau dự án này, lãnh đạo CII khẳng định đã hoàn tất giai đoạn đầu tư và bước vào giai đoạn hái quả ngọt. Doanh nghiệp không còn áp lực dòng tiền để đầu tư nữa mà tập trung vào cải thiện, tối ưu hóa những gì đang có.
Sau giai đoạn đầu tư, CII có danh mục 7 dự án BOT lớn đang vận hành thu phí mỗi ngày đem về 7 tỷ đồng. Đa phần các dự án đều có thời hạn thu phí đến 2034 và 2036 nên sẽ đem lại dòng tiền đều đặn và lâu dài. Doanh nghiệp dự phóng tổng dòng thu từ 7 dự án giai đoạn 2023 – 2032 vào khoảng 35.121 tỷ đồng. Trong đó, 16.536 tỷ để trả lãi, hoàn gốc và chi phí hoạt động, còn lại thu ròng 18.585 tỷ đồng (dòng thu tổng, chưa xét đến tỷ lệ sở hữu của CII).
Không dừng ở đó, theo tài liệu họp ĐHCĐ bất thường tổ chức ngày 19/9 tới đây, ban lãnh đạo CII hé lộ tham vọng lớn với tổng giá trị đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng lấn sân lĩnh vực mới là đầu tư hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.
Lãnh đạo CII cho biết dựa trên việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 – 2025 với tổng vốn khoảng 94.161 tỷ đồng, cao hơn năm 2022 và 2021 lần lượt 1,7 lần và 2,1 lần. Đây là động lực lớn nhằm thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội về đầu tư hạ tầng khi giải quyết những khó khăn về giải phóng mặt bằng, đánh giá khả năng hoàn vốn và huy động vốn tín dụng cho dự án.
Do vậy, định hướng phát triển giai đoạn 2024 – 2030, CII đẩy mạnh nghiên cứu danh mục dự án BOT tổng đầu tư lên đến 113.000 tỷ đồng. Bao gồm những dự án lớn quy mô chục nghìn tỷ đồng như đường trên cao Bắc – Nam (38.000 tỷ đồng), dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 (22.000 tỷ đồng), dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.HCM (19.059 tỷ đồng)…
Ngoài ra, CII mở rộng lĩnh vực đầu tư ra dự án hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế. Doanh nghiệp cho biết đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện lớn tại TP.HCM trong xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, giảm tải cho khu vực khám nội thành; hay phát triển mô hình hạ tầng y tế, phòng khám chữa bệnh trong dự án khu chung cư của CII.
Đánh giá Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, CII nhắm tới phát triển mô hình bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế. Loại hình sản phẩm này sẽ hướng đến tệp khách hàng trung niên, sắp về hưu, các gia đình có người cao tuổi, cũng như Việt kiều và người nước ngoài có mong muốn lựa chọn Việt Nam làm nơi nghỉ hưu, an dưỡng điền viên cùng con cháu. Doanh nghiệp dự định lựa chọn những vị trí có khả năng kết nối với các tuyến cao tốc đã và đang hình thành để phát triển loại hình bất động sản này nhằm rút ngắn thời gian di chuyển tới TP.HCM.
Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2023, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII tiết lộ sẽ rót tiền vào một doanh nghiệp niêm yết HNX có ngành nghề bổ trợ cho hoạt động đầu tư hạ tầng của CII.
BCTC hợp nhất soát xét bán niên của CII ghi nhận khoản đầu tư 335 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Tasco (HNX: HUT) để sở hữu 17,3 triệu cổ phiếu. Tasco được xem là trùm BOT và là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thu phí điện tử (ETC). Các năm gần đây, Tasco mở rộng ra lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản và nghỉ dưỡng.
Để có nguồn vốn cho các kế hoạch đầu tư tương lai, lãnh đạo CII cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu nguồn vốn với tổng giá trị gần 7.000 tỷ đồng. CII dự kiến phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu với thời hạn trên 10 năm. Doanh nghiệp cũng đang làm các thủ tục để phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng thời hạn 10 năm chia làm 2 đợt, đợt 1 trị giá 2.840 tỷ đồng.
Trước đó, CII công bố đã làm việc với Vietcombank để được cấp hạn mức tín dụng 9.340 tỷ đồng cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông. Việc tái cấu trúc này cho phép doanh nghiệp bổ sung các khoản tín dụng mới với thời hạn dài hơn (tương đương với thời gian vận hành thu phí của các dự án BOT), điều phối một cách hợp lý dòng tiền thu ròng từ các dự án (hiện nay đa phần dòng tiền thu ròng từ thu phí BOT đều ưu tiên trả lãi và nợ ngân hàng, chủ đầu tư chưa được thụ hưởng trong thời gian đầu thu phí).
Tính đến 30/6, CII có quy mô tổng tài sản 26.649 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.106 tỷ đồng và vốn điều lệ 2.840 tỷ đồng. Các năm trước, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn và có sự giảm dần cho đến nay. Tổng nợ ở mức 13.237 tỷ đồng, giảm 1.345 tỷ đồng so với đầu năm và giảm 3.802 tỷ đồng so với 2021. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,2 lần và tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,6 lần.
Về kết quả kinh doanh, CII ghi nhận doanh thu thuần 1.591 tỷ đồng nửa đầu năm, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Song, lãi ròng giảm 94% xuống 43 tỷ đồng do hụt thu từ hoạt động tài chính. Cùng kỳ năm trước, CII thoái vốn Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) ghi nhận lãi tài chính lớn.
Nhà Đầu Tư