MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đời khác biệt của người chăm chỉ vận động và người lười biếng không chịu vận động

14-02-2020 - 20:31 PM | Sống

Nếu dùng một câu để tổng kết thì, vận động có thể giúp chúng ta hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn hơn. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ đưa chúng ta đến với nhiều điều mới mẻ, đến với thế giới phong phú, rực rỡ, đầy màu sắc bên ngoài kia; một tinh thần tích cực giúp chúng ta đón nhận và dũng cảm đối mặt với thử thách hơn.

Vận động là phương thuốc chữa trị tuyệt vời không mang một chút tác dụng phụ nào cho cuộc sống.

Có câu, sinh mệnh ở tại vận động.

Rất nhiều người, càng trưởng thành càng không hiểu được tầm quan trọng của việc vận động. Có thể đi xe thì nhất định không đi bộ, có thể nằm ườn ra thì nhất định không đi chạy bộ.

Hậu quả của sự an nhàn, lười biếng trước mắt đó là chất lượng cuộc sống của bản thân ngày một kém xa so với người khác.

Bởi lẽ, người vận động và người không vận động, sống hai cuộc đời cũng sẽ khác nhau.

Người vận động, cơ thể khỏe mạnh

Vận động có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, thiết nghĩ ai cũng biết điều này.

Sự khác biệt lớn nhất giữa người kiên trì vận động trong thời gian dài và người không vận động đó là tố chất cơ thể, sự khác biệt này sẽ tiếp tục được mở rộng theo sự gia tăng của tuổi tác.

Có những người mới chỉ bước vào độ tuổi tứ tuần đã ì ạch một cái bụng bia, chạy được vài bước lại phải dừng lại thở hổn hển, nhưng có những người, dù đã gần trăm tuổi, vẫn có thể tham gia các giải chạy điền kinh.

Tháng 7/2019, trong Giải vô địch ngoài trời của Hiệp hội điền kinh Hoa Kỳ, Roy Englert, một cụ ông 96 tuổi, đã phá kỷ lục thế giới ở đường chạy 5 km (độ tuổi 95-99 tuổi) với thành tích 42 phút 30 giây 23.

Ngoài hạng mục 5000m ra, cụ ông còn tham gia các hạng mục 800m, 1500m và 3000m, hơn nữa còn phá kỉ lục thế giới trong nhóm tuổi đó tại mỗi chặng thi.

Khi tin tức được đưa ra, rất nhiều người tỏ ra vô cùng kinh ngạc và thán phục. Phần lớn cư dân mạng đều phản ứng rằng: đừng nói là chạy thi, có sống được đến 96 tuổi không còn khó nói.

Cuộc đời khác biệt của người chăm chỉ vận động và người lười biếng không chịu vận động - Ảnh 1.

Cụ ông Roy Englert, 96 tuổi, phá kỷ lục thế giới ở đường chạy 5 km (độ tuổi 95-99 tuổi) với thành tích 42 phút 30 giây 23.

Cụ ông Roy Englert có thể làm được điều này không phải nhờ ngẫu nhiên hay may mắn, mà đó là kết quả của quá trình kiên trì vận động ngay từ khi còn trẻ, ngay cả khi về già rồi, cụ vẫn giữ cho mình thói quen tốt này. Cụ thường đến phòng tập thể dục cách nhà nửa dãy phố để tập chạy bộ ít nhất ba lần một tuần, mỗi lần 3-5 km.

Cường độ tập luyện này thậm chí còn cao hơn nhiều người trẻ tuổi.

Sống lâu, vóc dáng thon gọn, khỏe khoắn, đầu óc minh mẫn, sáng suốt khi về già... đây là món quà thời gian dành tặng bạn sau những tháng ngày kiên trì tập thể dục mỗi ngày.

Một nghiên cứu năm 2006 trên "Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada" cho biết:

Với sự gia tăng của tuổi tác, hệ thống cơ xương của con người sẽ ngày càng yếu đi, và khi đạt tới một điểm cực trị, ta sẽ mất khả năng sinh hoạt bình thường.

Đây là một quy luật tự nhiên và chúng ta không thể thay đổi nó. Tuy nhiên, tập thể dục thường xuyên có thể giúp chúng ta làm chậm lại quá trình đó.

Giống như có người từng nói: tích cực vận động sớm hơn một chút, vậy thì khi bạn 80 tuổi, bạn vẫn có thể sở hữu một cơ thể 40 tuổi.

Người vận động, trông trẻ hơn tuổi thật rất nhiều

Vài ngày trước, trong lúc đợi xe buýt, tôi bắt gặp một cậu thanh niên đang giới thiệu về phòng tập thể dục của mình với một người phụ nữ.

Người phụ nữ đại khái là từ chối, nói vận động có ích gì, cậu thanh niên nói với người phụ nữ rằng "sao lại không có ích? Nếu chị kiên trì tập thể dục, năm nay bạn chị 30, chị 30, 10 năm nữa bạn chị 40, chị vẫn 30, 20 năm nữa bạn chị 50, chị trông vẫn như 30, đợi đến khi đó, ra ngoài đi chơi với con gái, người khác nhìn vào còn tưởng là hai chị em ấy chứ!"

Dù chỉ là những lời quảng cáo ngon ngọt, nhưng cũng không phải là không có lý.

Diễn viên nổi tiếng của Hồng Kông, Trịnh Thiếu Thu, mỗi ngày đều kiên trì tập thể dục từ 30 tơi 40 phút, dù đã 72 tuổi nhưng trông vẫn rất trẻ trung, có thể nhảy không ngừng hơn 10 phút trên sân khấu, đến cả thở cũng không bị hụt hơi.

Ảnh đế Hồng Kông Quách Phú Thành, mười mấy năm như một, bất kể công việc có bận rộn tới đâu, ngày nào cũng sẽ dành ra 30 phút để chạy bộ. Ở độ tuổi 54, Quách Phú Thành luôn duy trì cho mình cân nặng ở mức 63kg, da dẻ và tinh thần hoàn toàn có thể so sánh được với anh của hơn 20 năm trước.

Cuộc đời khác biệt của người chăm chỉ vận động và người lười biếng không chịu vận động - Ảnh 2.

Quách Phú Thành dù đã ở độ tuổi ngũ tuần nhưng phong độ vẫn có thể so với những năm 20,30 tuổi

Tục ngữ nói, trước 30 tuổi, vẻ ngoài là cha mẹ cho, sau 30 tuổi, vẻ ngoài là tự mình "nặn" mà ra.

Kiên trì vận động, có lẽ ngày một ngày hai sẽ không thấy được hiệu quả, nhưng sau một vài tháng, mỡ sẽ ít đi; sau 1,2 năm, da dẻ sẽ trở nên đẹp hơn; sau 10, 20 năm, bạn sẽ phát hiện ra mình trông trẻ trung hơn nhiều so với bạn đồng trang lứa lười vận động.

Đợi tới ngày đó, chúng ta nhất định sẽ cảm ơn mình khi xưa đã kiên trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày.

Người vận động, cuộc sống sẽ rực rỡ hơn

Trên mạng có một câu hỏi rằng: kiên trì vận động mang lại lợi ích gì?

Có một người đã chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau.

3 năm trước, anh ấy vì chịu đả kích trong chuyện tình yêu mà dẫn đến bệnh trầm cảm. Khi đó, anh ấy ngày nào cũng sống cùng cảm xúc tiêu cực, phủ nhận bản thân, cảm thấy mình vô dụng, không ai yêu thương....

Sau này, một người bạn vì không muốn thấy anh ấy mãi như vậy nên đã bắt anh ấy ra ngoài vận động, tìm việc gì đó để làm.

Khi mới bắt đầu, anh ấy không can tâm tình nguyện, nhưng dần dần, sau mỗi một lần vận động, tinh thần tự nhiên cảm thấy được thả lỏng, giống như những cảm xúc tiêu cực được thoát ra ngoài theo những giọt mồ hôi vậy.

Kể từ đó, vận động trở thành một phần trong cuộc sống của anh ấy.

Trong quá trình vận động, cơ thể sẽ dần dần chuyển từ lười biếng sang chăm chỉ, giúp anh ấy từ bỏ nhiều thói quen xấu như chần chừ, ì ạch và toàn bộ con người cũng trở nên năng động hơn.

Cuộc đời khác biệt của người chăm chỉ vận động và người lười biếng không chịu vận động - Ảnh 3.

Vận động tất nhiên không phải là việc dễ dàng, kiên trì nó không chỉ đòi hỏi sức mạnh thể chất mà còn cả nghị lực và sự tự giác cao.

Cổ ngữ Hi Lạp nói: "Bác sỹ tốt nhất của loài người là không khí, ánh mặt trời và vận động. Thứ chúng chữa được không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn cả "tâm".

Vận động trông có vẻ chỉ là một việc cỏn con, nhưng lợi ích mà chúng đem lại cho chúng ta lại ở mọi khía cạnh.

Nếu dùng một câu để tổng kết thì, vận động có thể giúp chúng ta hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

Một cơ thể khỏe mạnh sẽ đưa chúng ta đến với nhiều điều mới mẻ, đến với thế giới phong phú, rực rỡ, đầy màu sắc bên ngoài kia; một tinh thần tích cực giúp chúng ta đón nhận và dũng cảm đối mặt với thử thách hơn.

Khi chúng ta có thể khắc phục được tính ì, xem vận động là một thói quen, một loại thuốc quý chữa được bách bệnh, rồi sẽ có một ngày, chúng ta sẽ thu hoạch được một bản thân tốt đẹp hơn, sống một cuộc sống rực rỡ hơn hiện tại gấp 10 lần.

Theo Kim Hạ

Trí thức trẻ

Trở lên trên