Cuộc đua Marathon trở thành "đường đua tử thần" khiến 21 người thiệt mạng ở Trung Quốc: Lời cảnh tỉnh cho việc coi thường những trang thiết bị đơn giản nhất
Đối với giải Marathon, đây được xem là một bộ môn được nhiều người nhiệt liệt hưởng ứng trong những năm gần đây trên khắp thế giới. Vì vậy, thảm kịch này chính là lời nhắc nhở dành cho mọi người cẩn thận hơn với môn thể thao này trong tương lai.
- 24-05-2021Nguyên nhân 21 tuyển thủ Trung Quốc chết thảm: Đơn giản nhưng khó ngờ, càng khỏe càng dễ gục
- 24-05-2021Lời kể của nhân chứng về đường chạy marathon "tử thần" ở Trung Quốc: Dốc núi hiểm nguy, thời tiết băng giá đột ngột khiến con người ngã quỵ
- 22-05-2021Chuyện về người lái tàu đi vệ sinh lúc tàu chạy với tốc độ 150km/h và tranh cãi xung quanh văn hóa xin lỗi gây ám ảnh của người Nhật
Vào lúc 9 giờ ngày 22/5 (giờ địa phương), cuộc đua Marathon xuyên quốc gia 100km tại công viên địa chất rừng đá sông Hoàng Hà, thuộc thành phố Bạch Ngân, Cam Túc đã thu hút tổng cộng 172 người tham gia.
Tuy nhiên, vì tình hình thời tiết xấu, nhiều vận động viên đã bị hạ nhiệt khi đang ở đường đua trên cao, và không may có 21 người thiệt mạng, trong số đó có những người từng là vận động viên chuyên nghiệp. Thảm kịch xảy ra khiến công chúng vô cùng hoang mang trước “đường đua tử thần” này.
Đội cứu hộ thành phố Bạch Ngân tìm kiếm người bị nạn vào tối ngày 22/5.
Hiện tại, chính quyền tỉnh Cam Túc đã thành lập đội điều tra sự cố để tiến hành điều tra sâu hơn về nguyên nhân của vụ việc. Đối với giải Marathon, đây được xem là một bộ môn được nhiều người nhiệt liệt hưởng ứng trong những năm gần đây trên khắp thế giới. Vì vậy, thảm kịch này chính là lời nhắc nhở dành cho mọi người cẩn thận hơn với môn thể thao này trong tương lai.
Theo Tân Hoa Xã, vào khoảng 13h ngày 22/5 (giờ địa phương), đoạn đường đua trên cao bị ảnh hưởng thời tiết xấu, mưa đá, gió giật mạnh, nhiệt độ giảm mạnh đã gây trở ngại cho các vận động viên, khiến họ phải trải qua cảm giác khó chịu về thể chất, bị hạ thân nhiệt và một số người đã bị mất liên lạc.
Trước tình hình này, ban tổ chức đã cho dừng cuộc thi và tổ chức nhiều lực lượng để tìm kiếm cứu nạn những người mất tích. Do địa hình tại đây khá phức tạp, cộng thêm nhiệt độ giảm nhanh càng gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Đến khoảng 9h30 sáng ngày 23/5 (giờ địa phương), đội cứu hộ xác nhận có 21 người bị thiệt mạng và 8 người được điều trị tại bệnh viện địa phương.
Theo chia sẻ của một vận động viên, buổi sáng hôm đó thời tiết có nắng, khi xe đưa đón đến điểm xuất phát thì trời bắt đầu chuyển âm u và gió cũng bắt đầu nổi lên. “Tôi đã chạy 2km để khởi động, điều mà tôi chưa từng làm trước đây. Tuy nhiên, điều không ngờ rằng sau khi chạy 2km này, cơ thể của tôi vẫn chưa thể nóng lên”, vận động viên này chia sẻ.
Người này cho biết, trong quá trình chạy, anh liên tục phải hứng chịu những cơn mưa đá và gió lớn, anh cảm thấy như “mười đầu ngón tay không hề có cảm giác gì, và lạnh luôn cả lưỡi”. Trước tình hình này, anh quyết định xuống núi một cách dứt khoát.
“Tôi quay về lại sườn núi và một nhân viên của đội cứu hộ đã hướng dẫn tôi đến cabin. Trước đó đã có khoảng 10 vận động viên được sơ tán. Trong cabin, mọi người đều đang chờ được cứu hộ, khoảng hơn 1 tiếng sau, số người được sơ tán lên đến 50 người”, anh nói.
Các quan chức đã phân tích đây là “một sự cố xảy ra do thời tiết thay đổi đột ngột”, và các cuộc điều tra đang được tiến hành. Những chuyên gia trong ngành đánh giá rằng, bộ môn thể thao này là một trong những bộ môn mạo hiểm và đòi hỏi vận động viên phải có sự chuẩn bị đầy đủ.
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận nghi ngờ rằng ban tổ chức cuộc đua đã không dự báo thời tiết đầy đủ đến vận động viên, không đưa áo chống gió, áo giữ ấm, những trang phục bắt buộc cần phải có cho một cuộc thi marathon, khiến các vận động viên tham gia gặp phải thảm kịch đáng tiếc sau sự cố mưa đá và gió giật.
Trên thực tế, Hiệp hội điền kinh Trung Quốc đã từng công bố trên trang web chính thức về việc đưa ra các yêu cầu bắt buộc về thiết bị đối với những vận động viên chạy marathon. Tiêu chuẩn quy định vận động viên phải bắt buộc mang theo áo khoác chống gió, áo ấm…
Tuy nhiên, trong danh sách những vật dụng bắt buộc được công bố cho cuộc đua Marathon ở Cam Túc lần này chỉ yêu cầu mang thiết bị theo dõi GPS, thiết bị chiếu sáng (đèn pha), nước, chăn, điện thoại di động,... lại không bắt buộc họ mang theo áo khoác chống gió hay áo ấm mà chỉ là khuyến khích.
Phóng viên của Pháp Trị Nhật Báo cho hay, theo tìm hiểu các thông tin trước đó, có nhiều vận động viên chỉ mặc áo mỏng hoặc quần đùi ngắn cũn cỡn để tham gia cuộc đua, có người trước khi khởi hành cuộc đua, ban tổ chức cũng không kiểm tra lại những vật dụng bắt buộc, sau cùng dẫn đến thảm kịch không ai ngờ tới.
(Nguồn: Tân Hoa Xã)
Pháp luật và Bạn đọc