Cuộc ‘giải cứu’ hàng trăm dự án BĐS tại TP.HCM-Bài 1: Hai năm giải cứu và sự kỳ vọng của doanh nghiệp địa ốc
Năm 2019 và đầu năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có nhiều cuộc họp với doanh nghiệp địa ốc cùng lãnh đạo các sở, ngành của thành phố để giải cứu hàng trăm dự án bất động sản ‘đắp chiếu’ vì pháp lý. Cũng từ đây các doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng vào việc giải cứu của lãnh đạo TP.HCM.
- 25-06-20206 "điểm nghẽn" trong đầu tư xây dựng làm ách tắc hàng trăm dự án nhà ở sẽ được tháo gỡ
- 14-06-2020Chuyên gia địa ốc: Ách tắc pháp lý dự án khiến giá BĐS còn tiếp tục tăng
- 08-06-2020Hàng trăm dự án BĐS ách tắc, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành “quy trình chuẩn” về đầu tư xây dựng
Năm 2018, Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP.HCM từng có văn bản báo cáo với UBND TP.HCM rằng TP.HCM hiện có ít nhất 160 dự án BĐS đã có chủ trương đầu tư từ thành phố nhưng đang "đắp chiếu" không thể triển khai vì vướng thủ tục pháp lý như đền bù giải tỏa, đóng tiền sử dụng đất cổ phần hóa… Với việc các dự án không thể triển khai nên từ năm 2018 tới nay thị trường BĐS sụt giảm mạnh nguồn cung mới, tạo ra giá nhà tăng cao.
Chính vì khó khăn này, liên tục hai năm 2019 và 2020 đích thân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn cách giải cứu các dự án này thoát cảnh "đắp chiếu".
Tại cuộc họp tháng 2/2020 người đứng đầu UBND TP.HCM hứa tới ngày 30/4/2020 sẽ thông tắc cho các dự án được triển khai. Tuy nhiên, tới nay đã gần hết năm 2020 mà hầu hết các dự án vẫn phải "đắp chiếu" chưa thể triển khai.
Hàng trăm dự án "đắp chiếu"
Năm 2014, được cho là năm đánh dấu sự trở lại của thị trường BĐS tại TP.HCM sau cuộc khủng hoảng thị trường năm 2009 làm thị trường và các doanh nghiệp địa ốc lao đao. Để đánh dấu sự trở lại này, nhiều dự án mới đã được doanh nghiệp tái khởi động xây dựng cũng như việc TP.HCM cấp phép cho nhiều dự án mới được triển khai. Và cũng từ đây lượng dự án mới được bán ra khá nhiều, tuy nhiên, cuộc vui này không được bao lâu thì thị trường đã gặp khó khăn khi mà các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thể hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vì nguyên nhân cho việc dự án "đắp chiếu" này đến từ câu chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư tài chính yếu và quan trọng là việc thanh tra các dự án có quỹ đất thuộc đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và dùng đất sản xuất biến thành đất dự án BĐS.
Đơn cử như Tập đoàn Hà Đô xuất hiện tại TP.HCM, năm 2018 doanh nghiệp này đã hoàn thành việc mua một lô đất tại quận 8 từ doanh nghiệp nhà nước để xây dựng dự án chung cư với quy mô hơn 1.000 căn chung cư, lô đất thứ 2 tại quận Thủ Đức với diện tích hơn 2ha. Ngay sau khi có quỹ đất tại quận 8, Hà Đô đã tiến hành làm thủ tục pháp lý và làm nhà mẫu năm 2018, nhưng tới nay, dự án dù đã xong nhà mẫu mà chưa thể triển khai, bởi vướng pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án. Lô đất tại quận Thủ Đức cũng chung số phận, nên doanh nghiệp này chưa có dự án nào triển khai tiếp từ năm 2016 tới nay.
CTCP Địa ốc Himlamland cũng đang vướng ở dự án Khu đô thị Him Lam City tại quận 2, TP.HCM sau gần 10 năm vướng thủ tục, hiện dự án đã có quy hoạch 1/500. Vì vướng quá lâu mà Himlamland đã cầu cứu UBND TP.HCM vì vướng thủ tục chuyển đổi khi quỹ đất dự án này là dự án sân golf.
Hay như dự án Greenview Garden tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức do Công ty TNHH Bất động sản Ladona làm chủ đầu tư. Dự án có tiến độ xây dựng chia làm hai giai đoạn từ năm 2013 tới 2017 phải hoàn thành. Thế nhưng, tới nay, dự án này vẫn chưa được xây dựng. Lý do chậm triển khai được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là bởi doanh nghiệp xin điều chỉnh tiến độ thực hiện của dự án từ tháng 6/2017 tới tháng 12/2024.
Tập đoàn Phúc Khang Corp cho biết, sau 4 năm dừng triển khai dự án Diamond Lotus Lake View vì pháp lý liên quan tới đấu giá đất nên tới nay dù đang triển khai móng dự án nhưng vẫn phải dừng lại chờ được TP.HCM "giải cứu". Được biết, dự án nằm tại số 96 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, với tổng diện tích 11.458m2, bao gồm 3 tòa tháp cao 21 tầng với khoảng 1.000 căn hộ.
Phía Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP cho biết đang mắc kẹt ở dự án mang tên Charmington Iris. Dự án nằm tại số 76 Tôn Thất Thuyết, Phường 16, quận 4, TP.HCM, có tổng diện tích 16.654 m2, gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng và 1 tầng hầm và được chấp thuận chủ trương cũng như giấy phép xây dựng, sau đó doanh nghiệp này đã xây xong hầm móng và bán cho khách hàng thì UBND TP.HCM thu hồi lại giấy phép năm 2019 và tới nay vẫn chưa thể triển khai lại.
Hay Khu đô thị mới Nam TP.HCM do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư dù đã xây dựng từ hàng chục năm trước nhưng tơi nay vẫn còn những dự án thành phần như khu B, C, D, E của Khu đô thị chưa thể triển khai vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh corp, Phú Long, Quốc Cường Gia Lai, Vạn Phúc Group… cũng đều có số lượng lớn dự án "đắp chiếu" vì vướng đủ thứ thủ tục pháp lý.
Lên "bàn giải cứu" và kỳ vọng của doanh nghiệp
Trước những khó khăn trên của doanh nghiệp địa ốc TP.HCM, HoREA và UBND TP.HCM đã có những biện pháp để giải quyết khó khăn này cho doanh nghiệp với mục tiêu chung tay làm "thông tắc" cho các dự án bất động sản "đắp chiếu".
Câu chuyện phải kể đến là từ thời điểm cuối tháng 3/2019, khi HoREA có văn bản gửi đến Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng TP.HCM kiến nghị xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang "đóng băng" trên địa bàn thành phố.
Tại văn bản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang hết sức lo ngại trước thực trạng 3 tháng đầu năm 2019 hàng loạt dự án vẫn đang ách tắc, không được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Thậm chí nhiều dự án bị xem xét hồi tố khiến rủi ro cho doanh nghiệp tăng lên.
Dự án mới ách tắc khiến nguồn cung nhà ở bị sụt giảm, giá cả leo thang, gây khó khăn cho người có nhu cầu mua nhà thực sự. Chưa kể, quá trình rà soát, thanh tra dự án càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì tăng chi phí vốn, lãi vay ngân hàng cũng tăng theo.
Để giải quyết những bất cập nêu trên, trong năm 2019, UBND TP.HCM đã liên tục tổ chức các cuộc họp nhằm bàn cách giải cứu các dự án bất động sản tại TP.HCM bị "đắp chiếu" trong thời gian dài.
Điển hình là tại Hội nghị gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp BĐS với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, diễn ra ngày 10/4/2019, nội dung hội nghị có đề cập đến việc "cởi trói" cho 124 dự án đang bị dừng triển khai và giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý dự án và thủ tục hành chính.
Tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện UBND thành phố đã làm việc với Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, thống nhất sai ở đâu thì xử lý gốc vấn đề ở đó, còn những vấn đề TP.HCM thực hiện kế thừa, tiếp nối thì nếu chưa phát hiện vấn đề gì thì vẫn làm bình thường…
Đối với những dự án Thanh tra kết luận có sai thì phải dừng lại để thực hiện theo đúng quy định. Những dự án cơ quan công an đang thụ lý thì dừng lại. Còn những dự án không thuộc 2 trường hợp này, UBND TP.HCM làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ, cơ quan Kiểm toán… thì được thống nhất tháo gỡ 124 dự án và TP.HCM sẽ thúc đẩy việc này.
Các dự án này sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục hành chính bình thường, nhưng phải đúng quy định pháp luật; còn trong quá trình triển khai, nếu phát hiện sai pháp luật thì phải dừng lại.
Đồng thời, ông Tuyến cũng thông tin, UBND TP.HCM đã có kết luận số 183, giao Sở TN&MT mời doanh nghiệp lên để công khai đầy đủ, hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục, triển khai nhanh các dự án, không để lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
"Chúng tôi cam kết rằng, những dự án thành phố phải tạm dừng để rà soát lại đều có lý do khách quan. Không cho phép bất cứ một sở, ngành nào tự đặt ra lý do để rà soát lại quyết định cũng như các chỉ đạo trước đây của UBND TP.HCM", ông Tuyến khẳng định.
Đến ngày 22/10/2019, tại buổi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2019, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, tính đến tháng 10/2019, đã có 60 dự án hoàn tất các thủ tục; 12 dự án đã được cấp phép xây dựng; 17 khu đất đang cấp giấy chứng nhận đầu tư; 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch và làm các thủ tục liên quan, một số dự án còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Tuy nhiên, đến ngày 7/11/2019, HoREA tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và UBND TP.HCM nêu thực trạng của thị trường BĐS TPHCM thời gian qua cũng như kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho những dự án bị ách tắc.
Tại văn bản này HoREA cho biết, từ ngày 1/7/2015 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) đến tháng 8/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị dừng các thủ tục đầu tư, dù đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, kể từ sau ngày 7/3/2017 (ngày ban hành Văn bản 342/TTg-V.I) đã có khoảng 150 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công, đã bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây.
Đáng chú ý, HoREA có đề cập đến 124 dự vào hồi tháng 3/2019, Lãnh đạo cơ quan trung ương và UBND TP.HCM đã công bố được tiếp tục hoạt động bình thường nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cuộc bàn luận giải cứu vẫn chưa đi tới đâu ở năm 2019 và bước vào đầu năm 2020 TP.HCM lại tiếp tục có cuộc họp với hơn 100 doanh nghiệp bất động sản và lãnh đạo các sở ngành của TP.HCM để bàn cách giải cứu dự án.
Tại cuộc họp giải cứu này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hy vọng thông qua hội nghị lần này, doanh nghiệp có thể nêu ra những khó khăn, vướng mắc của mình và vướng mắc chung của toàn thị trường.
Từ đó, các bên tìm ra giải pháp mang tính căn cơ để tháo gỡ những nút thắt của lĩnh vực BĐS, nhất là quy trình thực hiện chủ trương đầu tư, cải cách hành chính, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng khẳng định việc đẩy nhanh triển khai thực hiện dự án là có lợi cho doanh nghiệp cũng như cho thành phố, không thể kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của thành phố, ảnh hưởng đến nguồn lực kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hướng đến uy tín của phía cơ quan chức năng đối với sự phát triển của thành phố nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Và hứa tới ngày 30/4/2020 sẽ giải quyết dứt điểm những khó khăn để các dự án được phát triển trở lại. Với những khẳng định này, các doanh nghiệp địa ốc liên tục kỳ vọng sẽ thoát khó khăn.
(Còn nữa)
Nhà đầu tư