Cuộc khủng hoảng nợ đang 'bùng lên' ở một quốc gia châu Á: Lời cảnh tỉnh cho cả thế giới về những gì xảy ra khi thời kỳ tiền rẻ kết thúc
Vụ vỡ nợ của một nhà phát triển đã khiến thị trường tín dụng từng là ổn định nhất nhì thế giới gặp biến động mạnh.
Toạ lạc ở gần một hồ nước có nhiều động vật hoang dã, cách Seoul vài giờ đi tàu, Legoland Hàn Quốc là một doanh nghiệp mà không ai nghĩ rằng sẽ trở thành “nạn nhân” của những biện pháp chống lại lạm phát của chính phủ.
Cuộc khủng hoảng tín dụng tồi tệ nhất ở Hàn Quốc
Nhà phát triển công viên giải trí này không thể thanh toán khoản nợ 205 tỷ won (155 triệu USD) và gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên thị trường tín dụng trị giá 1.690 nghìn tỷ won của Hàn Quốc kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đến khi những đợt tăng lãi suất mạnh tay của NHTW gây thiệt hại cho thị trường bất động sản trên thế giới, thì trường hợp của Legoland trở thành “lời nhắc nhở” rằng ngay cả một hệ thống tài chính tương đối ổn định như Hàn Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Từ tháng 8 năm ngoái, NHTW Hàn Quốc (BoK) đã thực hiện một trong những đợt tăng lãi suất sớm nhất thế giới. Song, họ vẫn đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát có thời điểm đạt mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ.
William White - cựu nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đã nhiều lần nhấn mạnh về mối nguy của lãi suất siêu thấp. Ông nhận định: “Những gì đang xảy ra ở Hàn Quốc là một lời cảnh tỉnh cho thế giới.” Các quốc gia đã thắt chặt chính sách sau thời gian dài nới lỏng cho vay và nhiều doanh nghiệp có những hành vi thiếu trận trọng, từ đó tạo ra rủi ro khủng hoảng.
Quay trở lại thời điểm tháng 5, Legoland vẫn là một doanh nghiệp có thành tích vượt trội. Họ xây dựng những bản sao của các địa danh nổi tiếng nhất Hàn Quốc bằng tấm ghép Lego và là công viên giải trí lớn mang thương hiệu này lần đầu tiên đến với xứ sở kim chi. Đối với tỉnh Gangwon, một khu vực miền núi và tương đối kém phát triển đã chật vật nhiều năm với núi nợ kể từ khi đăng cai Olympics mùa đông 2018, thì việc ra mắt dịch vụ trên là cơ hội lớn giúp họ tái khởi động ngành du lịch vốn đang bị ảnh hưởng bởi Covid.
Công viên Legoland Hàn Quốc tại tỉnh Gangwon.
Tuy nhiên, vào ngày 29/9, tân Thống đốc tỉnh Gangwon - ông Kim Jin-tae, đã không thanh toán khoản nợ cho dự án Legoland mà họ đi vay của công ty có mục đích đặc biệt Gangwon Jungdo-Development Corp. Công ty này là cổ đông lớn nhất của nhà phát triển Legoland ở thoả thuận được ký kết dưới thời người tiền nhiệm của ông Jin-Tae. Việc một chính quyền địa phương từ chối thanh toán khoản nợ đã gây sốc cho thị trường tiền tệ vốn đã chịu áp lực từ việc lãi suất tăng cao.
Khi lãi suất tín dụng ngắn hạn tăng vọt, các nhà chức trách ở Seoul đã cam kết hỗ trợ hàng tỷ USD cho thị trường tài chính. Dù động thái này đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng, nhưng lãi suất trên thị trường tiền tệ ngắn hạn vẫn ở gần mức cao nhất trong gần 14 năm.
Nhưng ngay cả trước khi Legoland vỡ nợ, thì Hàn Quốc đã đối mặt với rủi ro của một cuộc khủng hoảng toàn diện: tỷ lệ nợ của các hộ gia đình tăng cao và giá nhà sụt giảm. Những diễn biến tương tự đã xảy ra trước cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ năm 2008. Ngành bất động sản của Trung Quốc cũng vừa trải qua một khoảng thời gian đầy khó khăn khi tỷ lệ vỡ nợ tăng liên tục trong 2 năm vừa qua.
Ma Tieying - nhà kinh tế tại DBS Group Holdings Ltd., cho hay: “Họ là 2 nền kinh tế lớn của châu Á đã chứng kiến tỷ lệ nợ doanh nghiệp so với sản lượng kinh tế tăng nhanh đáng chú ý. Điều này cho thấy họ dễ chịu ảnh hưởng trước những cú sốc về lãi suất hay thu nhập có thể xuất phát từ việc thắt chặt thanh khoản trên toàn cầu và hoạt động xuất khẩu sụt giảm.”
Còn ở Legoland, loại tài sản vỡ nợ là thương phiếu được bảo lãnh bởi tài sản tài chính dự án (PF-ABCP). Thị trường PF-ABCP của Hàn Quốc có giá trị ước tính khoảng 35 nghìn tỷ won và là nguồn vốn cho cả lĩnh vực bất động sản của Hàn Quốc.
Các PF-ABCP chưa thanh toán của các doanh nghiệp Hàn Quốc (nghìn tỷ won).
Theo dữ liệu của BoK, các công ty môi giới mua lại một số loại chứng khoán này và ở thời điểm cuối tháng 6, trung bình mức độ “phơi nhiễm rủi ro” với tài chính dự án bất động sản lên tới 39% vốn chủ sở hữu của họ. Số liệu BoK công bố ngày 2/12 cho thấy, khoảng 11,3 nghìn tỷ won PF-ABCP sẽ đáo hạn vào cuối năm 2022.
Merlin Entertainments - công ty điều hành công viên Hàn Quốc cùng 9 khu nghỉ dưỡng Legoland khác trên khắp thế giới cho biết: “Legoland Korea Resort vẫn mở cửa và hoạt động như bình thường. Các khoản nợ không ảnh hưởng đến Legoland Hàn Quốc, khả năng tài chính của họ hay bất kỳ hoạt động nào đang diễn ra.”
Rủi ro lan rộng ra cả châu Á
Trong bối cảnh hiện tại, Thống đốc BoK Rhee Chang-yong khẳng định rằng tình hình căng thẳng chỉ xảy ra ở thị trường nợ ngắn hạn và hệ thống tài chính nước này vẫn ở trạng thái ổn định.
Song, những ảnh hưởng của vụ vỡ nợ vẫn diễn ra. Tại thành phố Chuncheon (Gangwon) - nơi có công viên Legoland, một chủ nhà hàng - Han Man-jae, đang chuẩn bị tinh thần hứng chịu tác động khi lãi suất tăng. Ông cho biết: “Như bạn đã thấy, mức lãi vay đã tăng gấp đôi nên tôi hơi lo ngại về điều đó.”
Ông Han trả lời khi được hỏi rằng ông nghĩ gì về tình trạng vỡ nợ bắt nguồn từ thành phố mà ông sinh sống: “Tôi cho rằng tất cả các khoản nợ phải được thanh toán. Thống đốc đã nói rằng vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến cả các công ty khác.”
Những gì Hàn Quốc từng trải qua trong vài thập kỷ qua đã khiến nước này đặc biệt nhạy cảm với nguy cơ vỡ nợ doanh nghiệp. Sau một loạt vụ phá sản, IMF vào năm 1997 đã tung một gói cứu trợ cho Hàn Quốc. Khi đó, nền kinh tế nước này chìm trong sự mờ mịt, những khoản nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đã khiến hàng loạt tổ chức nhận tiền gửi phi ngân hàng sụp đổ vào năm 2011.
Lãi suất thương phiếu kỳ hạn 3 tháng theo lãi suất tham chiếu của BoK.
Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc sẵn sàng thực hiện những biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn, khi họ đang nỗ lực hỗ trợ một thị trường tín dụng từ vị thế an toàn nhất thế giới đi tới vực thẳm một cách nhanh chóng.
Sau vụ vỡ nợ ở Gangwon, giới chức nước này đã tung ra các biện pháp bao gồm gói viện trợ hơn 50 nghìn tỷ won cho thị trường nợ, thay đổi các quy định về tài sản thế chấp nhằm thúc đẩy thanh khoản và việc mua thương phiếu của các ngân hàng cũng như bảo lãnh thêm tài chính dự án. Nhờ đó, thị trường tín dụng đã hồi phục trong những ngày gần đây, khi chênh lệch giá trái phiếu giảm và lợi suất của các khoản nợ ngắn hạn ổn định.
Thống đốc tỉnh Gangwon sau đó cũng thông báo địa phương này sẽ thanh toán các khoản vay trước ngày 15/12.
Dẫu vậy, lãi suất thương phiếu - được các doanh nghiệp sử dụng để huy động vốn cho các khoản thanh toán ngắn hạn như trả lương, vẫn ở gần mức cao sau khi Legoland vỡ nợ.
Hơn nữa, nguy cơ rủi ro lan ra khắp châu Á đã trở thành mối lo ngại mới, khi một công ty bảo hiểm ít tên tuổi là Heungkuk Life Insurance Co. cho biết sẽ không đáp ứng quyền chọn mua đối với trái phiếu vĩnh viễn, khiến tình trạng bán tháo xảy ra trên khắp Hàn Quốc. Và sau đó, công ty này phải thay đổi quyết định.
Tỷ lệ nợ/GDP của các doanh nghiệp phi tài chính của nhóm G20 cùng Hàn Quốc và Trung Quốc.
Dù giới chức Hàn Quốc cho biết họ đã ngăn chặn được rủi ro lan rộng, song những diễn biến này lại cho thấy chính quyền trên khắp thế giới gặp thách thức lớn như thế nào khi phải cân bằng mọi thứ trong bối cảnh suy thoái kinh tế, mâu thuẫn địa chính trị, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Theo số liệu của BIS, với tỷ lệ nợ/GDP của các tập đoàn phi tài chính lên tới 96,9%, thì nhóm G20 đang nợ nhiều hơn so với năm 2008. Còn với Hàn Quốc, con số này đã tăng từ 95% lên 116,5%.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường