MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống chỉ có thao trường và hiện trường của người lính cứu hỏa - Những anh hùng chống 'giặc lửa' giữa thời bình

24-03-2018 - 16:03 PM | Sống

Khi chúng ta sôi nổi, thênh thang với tuổi trẻ của mình, khi chúng ta có mạng xã hội với những quán trà sữa, cà phê, những chuyến đi... thì cuộc sống của những người lính cứu hỏa trẻ chỉ có thao trường và hiện trường.

Sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại chung cư Carina rạng sang ngày 23/4, không chỉ có nỗi đau và sự tang thương, người ta còn xúc động với những hình ảnh đẹp về tấm lòng của những người dân và sự hy sinh thầm lặng của những người lính cứu hỏa. Họ là những người hùng giữa thời bình. Họ được tôi luyện để trở thành chiến sĩ chiến đấu trong khói lửa, lao vào những nơi hiểm nguy, khi người ta cháy thoát ra thì mình phải liều mình lao vào.

Cuộc sống chỉ có thao trường và hiện trường của người lính cứu hỏa - Những anh hùng chống giặc lửa giữa thời bình - Ảnh 1.

Hình ảnh người lính cứu hỏa bị bỏng đến tuột cả da tay trong vụ cháy chung cư Carina. Ảnh: VTV24.

Hình ảnh những người lính cứu hỏa mệt mỏi, rã rời sau một đêm kinh hoàng của hôm qua đã khiến bao người cảm động. Anh lính cứu hỏa lấm lem khói bụi với bàn tay bỏng đến tuột cả da nhưng ánh mắt vẫn hướng về đám cháy, về đám cháy nơi những đồng đội của anh đang cố hết sức để cứu người vẫn ám ảnh biết bao người. Anh ấy chỉ ngồi đó, không kêu la, chỉ để mọi người tập trung xử lý hỏa hoạn và cứu người.

Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Minh Trí đã chia sẻ một video về buổi luyện tập của các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Anh Trí kể lại: "Cách đây mấy tháng mình được thăm một đơn vị cảnh sát PCCC, các em đều rất trẻ, sung sức, chạy theo quay với chỉ với 1 cái điện thoại mà mình còn thở không ra hơi, trong khi các em tập hùng hục nặng như thế này đều đặn ngày mấy tiếng đồng hồ, bất kể nắng hay mưa. Chúng ta có Facebook, Starbulk, A Ha, CGV... họ chỉ có thao trường và hiện trường".

Một buổi luyện tập của các chiến sĩ PCCC trên thao trường. Nguồn: Facebook Trí Minh Hoàng.

Nói về nghề chữa cháy, các cán bộ chiến sĩ chữa cháy thường nói vui: Đây là cái nghề người ta chạy ra (khi có cháy) để tránh khỏi lưỡi lửa, còn mình thì chạy vô, "giáp lá cà" với "giặc lửa" để cứu người, cứu tài sản.

Cao Phan Trung Hiếu, một tân chiến sĩ PCCC mới nhận công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH TP.HCM tâm sự về cuộc sống hàng ngày: "Đơn vị chúng tôi làm việc có kế hoạch rõ ràng, khoa học. Ngày nào cũng vậy, buổi sáng lúc 5h30 khi trời còn trong màn sương đã reng chuông dậy tập thể dục chạy bộ rèn thân thể, vì có sức khỏe chiến sĩ mới làm tốt vai trò chiến đấu của mình. Chúng tôi ai cũng nhận thức được điều ấy nên tập thể dục nghiêm túc, đúng động tác thật đều, đúng và nhịp nhàng rồi chạy bộ để rèn sự nhanh nhẹn phục vụ công tác chữa cháy của chúng tôi".

Cuộc sống chỉ có thao trường và hiện trường của người lính cứu hỏa - Những anh hùng chống giặc lửa giữa thời bình - Ảnh 3.

Những người lính cứu hỏa tại hiện trường một vụ cháy. Ảnh: Tạp chí cảnh sát nhân dân.

Những ai từng tham gia tập huấn chữa cháy mới biết phòng cháy là công việc đầu tiên để tránh ngọn lửa lan tỏa ra rộng hơn. Sau khi cô lập ngọn lửa chúng tôi mới phun nước chữa dập tắt ngọn lửa. Nội dung bài học tập được phân rõ ràng khoa học có sự logic gắn chặt nhau. Công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đòi hỏi sự làm việc phối hợp nhịp nhàng, cẩn thận vì tình huống vô cùng nguy cấp và những mối nguy hiểm bất ngờ luôn thường trực.

Những người lính cứu hỏa bất chấp cái nắng như đổ lửa hay trời mưa như trút nước vẫn say sưa luyện tập. Các anh đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện để nắm vững, nắm chắc chắn từng thao tác kỹ thuật để khi tiếp cận thực tế sẽ nhanh chóng khống chế ngọn lửa nhanh và hiệu quả nhất. Sự luyện tập kỹ càng của các anh sẽ có ý nghĩa đối với hàng trăm mạng sống của những con người trong cơn hỏa hoạn.

Làm nghề lính cứu hỏa nghĩa là cứ có cháy là phải chạy. Việc lên ca trực 24/24 là điều thường xuyên xảy ra. Bởi một trung tâm cảnh sát PCCC có bao nhiêu xe thì hàng ngày phải bố trí tương ứng bấy nhiêu số cán bộ công nhân viên trực đủ trên số đầu xe để lúc nào cũng có thể… hoạt động hết công suất!

Cuộc sống, công việc của các anh đối diện với hiểm nguy hàng ngày. Trong những hình ảnh được ghi lại tại những đám cháy, có khi xung quanh tối đen vì điện đã bị ngắt, ánh đèn pha của chiếc xe cảnh sát chiếu vào họ khiến cảnh tượng giống như trên sân khấu và những người lính như những anh chàng diễn viên trong vai người hùng với gương mặt lem luốc và mướt mồ hồi vì khói và lửa... Nhưng rõ ràng ở đó không có ai đang đóng kịch cả, mọi người đang làm hết sức mình vì mạng sống, tài sản của người khác đang nằm trong tay họ, mọi thứ chỉ được tính bằng giây...

Chứng kiến cuộc sống và công việc của những người 'chiến đấu với lửa", nhà báo Hoàng Minh trí xúc động: "Cũng là tuổi trẻ tưởng là thênh thang đấy, nhưng các bạn PCCC nói thật là có nhiều thiệt thòi và hi sinh quá lớn".

Trong chuyến đi, anh gặp một anh lính cứu hỏa trẻ, chỉ mới hơn 20 tuổi đã tàn phế cả hai bàn tay trong một lần cứu nạn. Không thể trực tiếp tham gia công tác chữa cháy, cứu hộ nữa, giờ đây anh lính trẻ làm việc nhẹ hơn là nghe điện thoại trực ban. Anh lính tâm sự, cũng có những người bạn khác cũng tuổi ấy, từng tham gia cứu nạn trên sống, mò người chết đuối giữa đêm đông lạnh và cứu được hàng chục người trong những vụ hỏa hoạn lớn dù mới chỉ 2 năm trong nghề.

"Bố mẹ có biết công việc thực sự nguy hiểm của em không?"

"Chắc không biết đâu ạ. Vì em không bao giờ kể cho bố mẹ biết công việc cụ thể, sợ mọi người lo lắng. Bố mẹ chỉ biết em là lính cứu hỏa thôi", anh lính trẻ cười hiền.

Nhưng ai mà chẳng có những nỗi sợ, với những người lính cứu hỏa, họ sợ nỗi đau của sự chết chóc. Cái chết ấy có thể không đến với họ nhưng rất có thể là đồng đội, những nạn nhân xa lạ họ chưa từng quen biết.

Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ, những người lính cứu hỏa cũng vậy. Nhưng nỗi sợ của họ không chỉ là sự mất mát của cá nhân, nỗi đau của thể xác, nỗi sợ của họ còn bao gồm cả sự mất mát, đau thương của những nạn nhân trong thảm họa. Họ là những người anh hùng thầm lặng giữa thời bình, hy sinh cả tuổi trẻ thênh thang để gìn giữa sự an toàn cho xã hội, cộng đồng.

Sau những thảm họa đau thương như vụ cháy chung cư Carina, tất cả chúng ta đều nên gửi một lời cảm ơn, một lời chia sẻ tới những người lính giữa thời bình ấy.

Minh An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên