MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc tìm kiếm tàu thám hiểm xác Titanic kết thúc: Chi phí tốn bao nhiêu? Người nhà các tỷ phú liệu có phải thanh toán?

24-06-2023 - 09:15 AM | Lifestyle

Cuộc tìm kiếm con tàu Titan, chở theo 5 người thám hiểm xác Titanic dưới đáy đại dương đã chính thức kết thúc vào ngày 23/6.

Vừa qua, thông tin về con tàu ngầm Titan, chở theo 5 người lặn xuống độ sâu gần 4.000m dưới đáy đại dương để khám phá xác tàu đắm huyền thoại Titanic, bị mất tích đã nhận được nhiều sự quan tâm. Theo đó, chuyến đi khởi hành lúc 4h sáng ngày 18/6 (theo giờ địa phương). Dự kiến, tàu sẽ mất khoảng 2 tiếng để tiếp cận được xác tàu Titanic và cần khoảng thời gian tương tự để ngoi lên mặt nước trở về. 

Tuy nhiên, khi chuyến đi diễn ra được 1 giờ 45 phút, tàu lặn Titan gặp sự cố và mất liên lạc. Ngay sau đó, OceanGate - đơn vị tổ chức chuyến thám hiểm đặc biệt này thông báo đến Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ để triển khai quá trình cứu hộ.

Sau nhiều ngày, đến ngày 22/6, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ được cho là thuộc về con tàu ở gần khu vực xác tàu Titanic. Với phạm vi lan rộng của các mảnh vỡ được tìm thấy dưới đáy đại dương, các chuyên gia cho rằng chiếc tàu ngầm rất có thể đã phát nổ ngay sau khi nó mất liên lạc với tàu mẹ trên cạn.

Từ đó, họ đưa ra suy đoán rằng con tàu Titan đã phải trải qua một vụ nổ thảm khốc, khiến toàn bộ 5 thành viên trên tàu thiệt mạng. Có thể kết luận sơ bộ rằng, cuộc tìm kiếm, cứ hộ, cứu nạn con tàu ngầm và 5 nạn nhân về cơ bản đã kết thúc.

photo-1

Tàu ngầm Titan được cho là đã nổ và toàn bộ thành viên trên tàu được cho là đã chết

Quá trình cứu hộ tàu ngầm Titan

Ngay từ khi nhận thông tin về tàu ngầm Titan mất tích, lực lượng cứu hộ được huy động nhanh chóng và làm việc liên tục 24/24. Trong 2 ngày 19-20/6, có nhiều máy bay đã tham gia tìm kiếm tàu ngầm Titan trên phạm vi lên tới 13000km2, thậm chí còn được cho là đã mở rộng lên 22000km2. Ngoài ra, chính quyền Mỹ và Canada cũng đã triển khai ít nhất một tàu ngầm để tìm kiếm thêm tại khu vực dưới đại dương. Bởi chỉ tìm kiếm bằng máy bay thôi là chưa đủ. 

Truyền thông Anh mô tả đây là cuộc cứu hộ ở độ sâu nhất lịch sử và rất ít tàu có khả năng tiếp cận xác tàu Titanic để tiến hành tìm kiếm. "Tôi lo ngại rằng chúng ta không có nhiều khả năng thành công. Có 2 vấn đề phải đối mặt: đầu tiên là tìm chiếc tàu và thứ 2 phải đưa được chiếc tàu lên mặt nước. Đây là điều chưa từng thực hiện trong quá khứ", Chris Parry - cựu Đô đốc của Hải quân Anh - chia sẻ.

Các hệ thống trục vớt đại dương sâu Flyaway của Hải quân Hoa Kỳ (FADOSS) hay robot lặn sâu của Pháp cũng đã được huy động, chuẩn bị cho việc sẵn sàng đưa con tàu cùng các nạn nhân lên mặt nước một cách an toàn. 

img6493c35565b9ce0018a46220

Nhiều trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ đông đảo các thành viên đã cùng tham gia cuộc tìm kiếm tàu ngầm Titan trong suốt 3 ngày

Tàu ngầm Titan được thiết kế có đủ lượng oxy cho toàn bộ số người trong tàu lên tới 96 giờ. Ước tính từ lúc khởi hành, oxy trong tàu sẽ cạn kiệt vào lúc 7h08 phút sáng 22/6 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, dù cột mốc 96 giờ đã trôi qua, các công tác tìm kiếm và cứu nạn, cứu hộ vẫn tiếp tục dù cho hi vọng còn rất mong manh. 

Chi phí cho cuộc tìm kiếm lên tới hàng triệu đô

Như đã đề cập ở trên, mọi trang thiết bị gần như tối tân nhất đã được huy động triệt để, nhằm tìm ra con tàu ngầm mất tích cùng những hành khách xấu số. Chris Boyer, giám đốc điều hành của Hiệp hội Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia nói với The New York Times rằng, nhiệm vụ này có thể tiêu tốn hàng triệu đô la, tương đương với hàng chục tỷ tiền Việt. Vậy với con số khủng này, ai sẽ là người chi trả?

Đô đốc Paul Zukunft, người trước đây từng lãnh đạo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ chia sẻ với The Washington Post: "Đơn vị tổ chức OceanGate Expedition có thể sẽ không phải chi trả chi phí cuộc tìm kiếm này cho chính phủ Hoa Kỳ".

"Nó không khác gì việc một công dân ra khơi nhưng thuyền của anh ta bị chìm. Chúng tôi chỉ cố gắng hết sức để cứu lấy anh ta. Và sau tất cả, chúng tôi sẽ không đưa cho anh ta một tờ hóa đơn", ông nói thêm. 

Vì vậy có thể tạm nhận định, không chắc là đơn vị tổ chức chuyến thám hiểm đặc biệt hay kể cả những nạn nhân sẽ phải chi trả chi phí cho cuộc tìm kiếm. 

img6492824f65b9ce0018a4401c

Tàu lặn Titan trên một bệ nổi cùng với các thành viên phi hành đoàn, đang trên đường đến địa điểm lặn

Chuyến đi giúp du khách tận mắt chiêm ngưỡng xác con tàu đắm Titanic từ hơn 100 năm trước, nằm ở độ sâu gần 4000m dưới đại dương, được khai thác bởi OceanGate và có mức giá là 250.000 đô la/người, tương đương với khoảng 6 tỷ đồng tiền Việt. 

Con tàu lặn Titan được làm từ sợi carbon và bắt đầu đưa vào chạy từ năm 2021. Chuyến đi gặp tai nạn lần này mới chỉ là hành trình thứ 3 của nó. Mike Reiss, một cựu hành khách đã từng thực hiện chuyến đi với OceanGate cho biết, các chuyến tàu lặn đôi khi sẽ bị hủy do điều kiện thời tiết nguy hiểm, đồng thời tàu lặn cũng thường xuyên mất liên lạc với tàu mẹ. 

Cho đến nay, không rõ liệu OceanGate có yêu cầu khách hàng của mình mua bảo hiểm trước chuyến đi hay không, nhưng các hành khách có thể đã nhận thức được những rủi ro khi bắt đầu cuộc hành trình đặc biệt này. 

img6493d9a21465b60019989023

Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush và một phi công vận hành một tàu lặn khác vào năm 2013

David Pogue, một phóng viên của CBS, người đã thử tàu lặn vào năm ngoái, cho biết anh ấy đã phải ký vào giấy từ bỏ trước khi tham gia lặn, thừa nhận rằng Titan giống như một "con tàu thử nghiệm".

Reiss, biên kịch kiêm nhà sản xuất của "The Simpsons", nói với CNN rằng ông biết mình có thể chết khi đến thăm xác tàu Titanic cùng OceanGate vào năm ngoái: "Đây không phải là một kỳ nghỉ. Đó không phải là du lịch. Đó là sự khám phá. Và bạn đang ở trên một con tàu tốt nhất có thể". 

Reiss cho biết thêm, 5 người trong tàu lặn có thể đều biết những rủi ro sẽ xảy ra trong chuyến đi. Reiss nói: "Họ đã làm cho nó an toàn nhất có thể. Họ tin tưởng giao cuộc sống của mình cho nó". "Nhưng họ biết nó có thể kết thúc theo cách này".


Theo Thu Phương

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên