Cuối năm thêm khổ vì bị nợ lương
TP - Không chỉ gặp khó vì thiếu việc làm, phải nghỉ việc luân phiên, thu nhập giảm mà nhiều công nhân, người lao động còn bị doanh nghiệp (DN) nợ lương dài ngày khiến cuộc sống thêm khó khăn trong những ngày cuối năm.
- 30-10-2023Bệnh viện Da liễu Nghệ An nợ lương toàn thể cán bộ nhân viên 3 tháng liền
- 24-07-2023Trung tâm ứng dụng KHCN xin tạm đóng cửa vì nợ lương nhân viên 4 năm
- 27-05-2023Bệnh viện Bình An Quảng Nam nợ lương, bảo hiểm, người lao động kêu cứu
Mất Tết vì làm việc không lương
Trò chuyện cùng PV Tiền Phong, chị V.T.P có thâm niên hơn 16 năm làm nhân viên công ty du lịch lữ hành (quận 1, TPHCM) chia sẻ, hơn 5 tháng qua chưa nhận được bất cứ đồng lương nào khiến cuộc sống của chị rất chật vật.
“Lĩnh vực du lịch gặp khó khăn từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến giờ. Hiện tại, ngành du lịch đã hồi phục đôi chút, công ty có tua tuyến trở lại nhưng không nhiều như trước, doanh thu chỉ đủ để công ty duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, đối tác của công ty vẫn chưa thanh toán nợ. Từ đó, công ty tôi đang làm việc không có tiền trả cho nhân viên, người lao động trong nhiều tháng qua” - chị P nói.
Không có lương, chị P gần như phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng, trong khi phải nuôi 2 con ăn học. Chị P cho biết, làm việc mà không có lương, nhân viên gần như nghỉ hết. Những người còn trụ lại đều đã làm rất lâu năm tại công ty. Mới đây, công ty của chị P. tạm chi trả một tháng lương, nhưng chưa thể giải quyết những tháng nợ trước đó.
Anh C.V.D (48 tuổi, quê Quảng Bình) có thâm niên gần 10 năm làm thợ xây cho Công ty Xây dựng A.B. Anh cho biết, chưa năm nào công việc lại khó khăn như năm nay.
Từ sau dịch bệnh đến nay, các DN bất động sản, xây dựng gặp khó khăn khiến nhiều công trình đang xây dang dở phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng do chủ đầu tư hết tiền. Bản thân anh D đang bị chủ thầu nợ tiền công hơn 20 triệu đồng, do chủ đầu tư chậm thanh toán tiền công cho nhà thầu.
“Nhóm thợ xây chúng tôi làm được 5 ngày thì phải nghỉ liên tục hơn 10 ngày, chủ thầu cũng đang nợ tiền công nhân hàng trăm triệu đồng, nhưng do chủ đầu tư chậm trả tiền nên chúng tôi cũng không biết phải làm gì hơn” - anh D nói.
Nhiều người lao động bị nợ lương dài ngày, không trụ được nên phải đi làm nơi khác. Vì vậy, khả năng đòi được tiền lương bị nợ là rất thấp. Ông T là nhân viên bảo vệ ở Trung tâm thương mại tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) thuộc Công ty CP Đầu tư LDG. Từ hơn hai tháng nay, ông T. bị công ty “xù” lương.
Liên hệ khắp nơi cũng không ai đứng ra giải quyết, bí bách, ông nghỉ việc để tìm công việc khác. “Còn ở lại ngày nào thì cũng như làm việc không lương ngày đó” - ông T nói.
Vì khó khăn, có DN còn tìm cớ sa thải công nhân để không phải trả lương.
Giám sát để hỗ trợ
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh này hiện có 3 doanh nghiệp nợ lương người lao động gồm Công ty CP Đầu tư LDG, Công ty CP Du lịch Giang Điền, Công ty Gỗ An Thịnh với tổng số 159 lao động và số tiền nợ 4,85 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, cho biết: “Phần nhiều là các DN nợ BHXH. Đối với các DN nợ lương người lao động, chúng tôi đã mời đến làm việc, yêu cầu phải giải quyết các quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, đối với các trường hợp lao động gặp khó khăn, sẽ có các chính sách của Nhà nước, tổ chức chăm lo, hỗ trợ trong dịp Tết”.
Chiều 28/12, trả lời PV Tiền Phong, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng phòng Lao động tiền lương và BHXH, Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, nhằm tăng cường quản lý nhà nước về lao động, việc làm, quan hệ lao động trong thời gian tới, đặc biệt là chăm lo đời sống người lao động dịp Tết, Sở đang tập trung phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, tìm hiểu, hỗ trợ các DN, người sử dụng lao động, nhất là các DN chậm trả lương, nợ bảo hiểm xã hội, gặp khó khăn về đơn hàng, phải cắt, giảm việc làm của người lao động.
Sở sẽ rà soát và đề nghị các đơn vị thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động, các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.
“Trong trường hợp phát hiện vi phạm quy định pháp luật lao động, các cơ quan kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm, không khắc phục”, bà Hà nói.
Bà Hà cũng cho hay, Sở LĐ-TB&XH sẽ theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các DN, trao đổi với các địa phương trong việc chủ động nắm bắt cơ sở về tình hình trả lương, trả thưởng, lao động, việc làm, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ, phương án sử dụng lao động đối với các DN.
Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, việc DN cho người lao động thôi việc vào thời điểm cuối năm sẽ khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm sẽ tư vấn, hỗ trợ nhằm giúp quyền lợi của người lao động được đảm bảo.
Tiền phong