Cựu Bộ trưởng Tài chính cảnh báo tình trạng sốt đất ở Mỹ: "Đáng sợ"
Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers mô tả tình trạng tăng giá nhà ở Mỹ hiện nay là "đáng sợ" đồng thời cũng đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của FED khi cơ quan này tiếp tục mua Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) như một phần của chiến dịch kích cầu.
- 07-06-2021Sốt đất điên cuồng ở Mỹ: Nhà ở ngoại ô cũng "nóng bỏng", chủ nhà không rao bán nhưng nhận được 100 lời chào mua
- 01-06-2021Sốt đất lan tới Sydney, tăng giá theo quý phá kỷ lục 33 năm
- 20-05-2021Giải mã cơn sốt "ngôi nhà mơ ước" khiến quốc gia rộng thứ 2 thế giới rơi vào cảnh "khát đất"
- 26-04-2021Trong khi cả thế giới đang quay cuồng vì sốt đất, lại thêm một thị trấn ở Italia bán nhà giá 1 Euro
- 15-04-2021Giải mã cơn sốt đất đang nổ ra khắp nơi trên thế giới
Ba ngày sau khi dữ liệu cho thấy giá nhà ở Mỹ tăng cao nhất trong 30 năm vào tháng 4, ông Summers nói với Bloomberg rằng mức tăng như vậy là lạm phát và có thể đẩy các mức giá khác lên cao hơn. "Điều này thật đáng sợ. Theo quan niệm chung của nhiều người trên khắp thế giới, giá nhà tăng thường báo hiệu lạm phát", ông Summers nhấn mạnh.
Theo số liệu được thu thập từ những năm 1980 tới nay, giá nhà của Mỹ trong tháng 4 đã đạt mức cao kỷ lục. Cựu Bộ trưởng Tài chính Summers dự đoán rằng giá bất động sản có thể sẽ tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, ông Summers cũng không quên cảnh báo rủi ro lạm phát "cần được xem xét rất, rất nghiêm túc".
Giá bất động sản là một phần trong những lo lắng của ông Summers. Bên cạnh đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn bày tỏ quan ngại với chương trình mua MBS trị giá 40 tỷ USD của FED mỗi tháng như một phần trong kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ. Cùng với đó là chính sách tiền tệ lỏng lẻo với mức lãi suất gần như bằng 0.
Một số quan chức của FED đã bắt đầu đề xuất giảm tốc độ mua MBS trước khi chính thức thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng định lượng tổng thể của mình. Ông Summers có vẻ đồng quan điểm với họ.
"Tôi không thể hiểu tại sao FED vẫn tiếp tục mua MBS hàng tháng. Đó là điều tối kỵ", ông Summers nhấn mạnh.
Trên toàn nước Mỹ, chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller về giá trị tài sản đã tăng lên 14,9% so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ khi dữ liệu này được thu thập vào năm 1988.
Ngoài ra, ông Summers cũng bày tỏ lo ngại về việc định giá trên thị trường chứng khoán. Chúng có thể phản ánh các nhà đầu tư đang đánh giá sai lầm vì những lợi nhuận đạt được trong quá khứ. Do đó, họ có thể tiếp tục cược rằng thị trường sẽ còn tăng trong khi các số liệu cho thấy một góc nhìn khác.
"Thị trường trở nên dễ tổn thương nhất khi không ai nhìn nó dưới góc nhìn bi quan. Đó là mối quan ngại của tôi về thị trường ngay lúc này", cựu Bộ trưởng Tài chính Summers nhấn mạnh.
Rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ thấy cổ phiếu tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Họ học được rằng cái cây sẽ tiếp tục vươn lên trên. "Tuy nhiên, tôi nghĩ họ quên mất bài học rằng cái cây đó đã quá cao để có thể đứng một cách ổn định. Đó là điều khiến tôi lo lắng", ông Summers cho biết.
Ông Lawrence Summers, sinh năm 1954, là một học giả kinh tế kiêm nhà chính trị của Mỹ. Ông từng là Thư ký Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ dưới Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Trước đó, ông là Bộ trưởng Tài chính trong nội các của Tổng thống Bill Clinton. Ông Summers là người ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa.
Ông Summer cũng từng nhận giải John Bates Clark vì những đóng góp của ông cho lý luận kinh tế học, từng là nhà kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là hiệu trưởng Đại học Harvard và hiện vẫn là giáo sư kinh tế của Đại học Harvard.