MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Cựu CEO FPT kể chuyện khởi nghiệp bán mỹ phẩm ở tuổi tứ tuần, sau 1 năm doanh số tăng 1.600%

23-02-2017 - 11:38 AM | Doanh nghiệp

“Năm đầu tiên chúng tôi chỉ bán được 5 tỷ đồng vì sản phẩm chưa có thương hiệu. Năm sau bán hàng đa cấp thì bán được 80 tỷ đồng... Đừng bao giờ coi thường các công cụ, miễn là không làm sai pháp luật”, cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Cách đây vài năm, một anh bạn của tôi hồ hởi khoe đã tham gia một công ty bán mỹ phẩm đa cấp, nhưng là đa cấp theo đúng luật pháp quy định, vì nhóm sáng lập công ty có cựu CEO FPT – ông Nguyễn Thành Nam.

Đó là CTy cổ phần Tái tạo Sinh học, ra đời năm 2007, khi ấy ông Nam đang ở tuổi 46 và còn giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Phần mềm FPT (tiền thân của FPT Software ngày nay). Công ty ấy chuyên về mỹ phẩm sử dụng công nghệ tế bào gốc – công nghệ do PGS. BS Phan Toàn Thắng, giảng viên tại ĐH Quốc gia Singapore, nghiên cứu ra.

“Chúng tôi pha tế bào gốc trong dung dịch để thoa lên da. Làm kinh doanh mặt hàng này khác hẳn cái tôi đang làm là phần mềm”.

“Đi hỏi ý kiến anh em marketing thì họ nói kinh doanh mỹ phẩm quan trọng nhất là thương hiệu. Có thương hiệu thì bán rất dễ, như Shiseido chẳng hạn, nhưng chúng tôi chưa có thương hiệu, chả lẽ lại lấy thương hiệu của FPT?”, ông Nam chia sẻ tại Tọa đàm Khởi nghiệp là khởi cái gì tổ chức vào tối 21/2.

Sản phẩm chưa có thương hiệu thì phải tự tạo ra một cái tên, và nhóm sáng lập gọi tạm là Juvi (nay là JuviSkincare). Sau đó, ông Nam được tư vấn thêm rằng: Mỹ phẩm không có thương hiệu thì cách bán tốt nhất là bán hàng theo mô hình đa cấp.

Bán hàng đa cấp, doanh số thu về tăng vọt lên 16 lần


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời điểm ấy, đa cấp vẫn bị người ta lên án nhiều, dù không sai về mặt pháp luật. Bản chất của bán hàng đa cấp không hề xấu mà chỉ là một cách bán hàng trực tiếp khác với các mô hình kinh doanh thông thường mà trong đó người bán sẽ dựa trên các mối quan hệ và tiếp thị truyền miệng.

Và ông Nam đã rất bất ngờ khi giá trị của đa cấp khi doanh số bán hàng tăng tới 1.600% chỉ sau 1 năm.

“Thời điểm ban đầu, chúng tôi đơn giản là đem sản phẩm rải ra ở các spa, tất nhiên các chủ spa không mấy hào hứng vì sản phẩm không có thương hiệu. Năm đầu tiên, sản phẩm Juvi bán được 5 tỷ đồng, nhưng khi áp dụng mô hình đa cấp thì năm tiếp theo đã bán được tới 80 tỷ đồng. Lời rất nhiều!”, ông Nam chia sẻ.

Vốn cổ đông huy động ban đầu chỉ có 500 triệu đồng, thời điểm tạm dừng để “chia chác”, ông Nam kể lại rằng các cổ đông đều “cảm động vì không ngờ tiền nhiều thế”.

“Đừng coi thường các công cụ, xã hội có nói gì không hay hãy cứ kệ, miễn là không làm sai pháp luật. Đó là lần đầu tiên tôi thấy sức mạnh của đa cấp. Doanh thu từ 5 tỷ đồng lên tới 80 tỷ đồng chỉ sau 1 năm. Lời nhiều lắm”, ông Nam kể lại.

Dự án này không sống được lâu vì tham vọng của PGS. BS Thắng lớn hơn rất nhiều một công ty mỹ phẩm đa cấp.

Công nghệ tế bào gốc của ông Thắng hứa hẹn giúp điều trị nhiều căn bệnh như ung thư, tiểu đường… Và công ty riêng của ông Thắng mở tại Singapore, theo lời ông Nam, chỉ bán 9% cổ phần đã thu về hai mươi mấy triệu USD.

Bên cạnh đó, dự án khó đi đường dài bởi xét về lâu dài, vẫn phải làm thương hiệu, mà giải được bài toán xây dựng thương hiệu thì còn xa lắm.

Ngoài bài học về áp dụng mô hình đa cấp trong kinh doanh, ông còn hiểu được quy luật sinh tồn thích nghi. Ông bảo, nếu coi Việt Nam là “đầm lầy” thì bản thân mình phải là “cá sấu”, “cá vàng” có thể chết nhưng “cá sấu” vẫn sống tốt, sống khoẻ, quan trọng là bản thân phải biết tương thích.

Những bài học của quá khứ, theo ông Nam, dù thất bại hay thành công đều đã trở thành kinh nghiệp để thực hiện những dự án mới trong tương lai. Còn tương lai của những dự án này là như thế nào, không ai biết trước được, nhưng chắc chắn, không một cái gì bị bỏ phí.

Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên