Cựu chủ tịch huyện liên quan dự án lọc dầu Vũng Rô bị bắt
Trước đó, năm 2016 ông Tài đã bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt 12 năm tù giam về tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận và tuyên hủy án để điều tra lại vì có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.
Sáng 11/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Tài (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) tại nhà riêng ở số 59 Trần Phú (phường 7, TP Tuy Hòa, Phú Yên), để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo làm trái quy định của Nhà nước” trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư Dự án tại xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) gây hậu quả nghiêm trọng (theo khoản 3, Điều 165 BLHS năm 1999).
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014, trong quá trình thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tại xã Hòa Tâm để thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, Nguyễn Tài đã chỉ đạo cho một số cán bộ ở Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa đã thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trong việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Bị can Nguyễn Tài chấp hành lệnh bắt giam - ảnh V.T
Cụ thể như: Bồi thường về đất không đủ mật độ, đất lấn chiếm, nhà xây trái phép; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương; hợp thức hóa hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức… Việc cố ý làm trái của Nguyễn Tài và các thuộc cấp đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỷ đồng..
Ngày 14/9/2016, TAND tỉnh Phú Yên đã đưa vụ án ra xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Tài 12 năm tù (sau khi khởi tố ông Tài được cho tại ngoại), Nguyễn Kích (nguyên GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa) 10 năm tù, Huỳnh Ngọc Thắng (nguyên PGĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa) 4 năm và 13 đồng phạm khác được tòa cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau khi án sơ thẩm đã tuyên, Viện KSND Tối cao tại Đà Nẵng có kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với 14/16 bị cáo của vụ án, trong số đó có 13 người được tòa sơ thẩm cho hưởng án treo.
Tháng 1/2017, tại phiên xử phúc thẩm, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã rút kháng nghị phúc thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt, với lý do là sau khi gây án, các bị cáo đã khắc phục phần lớn hậu quả xảy ra (hơn 7,5 tỷ đồng trong số gần 9,3 tỷ đồng gây thiệt hại). Mặt khác, mức hình phạt ở phiên sơ thẩm đã được dư luận địa phương đồng tình nên không cần thiết kháng nghị phúc thẩm.
Tiền Phong