Cựu Chủ tịch Trần Anh sẽ làm gì sau khi bán doanh nghiệp cho Thế Giới Di Động?
Chia sẻ với ICTnews, ông Trần Xuân Kiên, cựu CEO hệ thống điện máy Trần Anh bày tỏ sau khi Trần Anh "về một nhà" với Thế Giới Di Động, trước mắt ông sẽ cùng với những cán bộ chủ chốt của Trần Anh trước đây khởi nghiệp mảng kinh doanh mới là Coworking Space (không gian làm việc chung).
- 02-01-2018Thế Giới Di Động mua hơn 95% vốn Trần Anh, chưa hé lộ giá trị chuyển nhượng
- 31-12-2017Lãnh đạo Trần Anh đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu trước thời điểm Thế Giới Di Động chính thức tiếp quản
- 28-12-2017Tổng giám đốc Thế giới Di động Trần Kinh Doanh sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT Trần Anh
Rời xa Trần Anh sau hành trình hơn 16 năm cạnh tranh ở thị trường điện máy, cảm giác của ông giờ đây như thế nào?
Đó là một cảm giác rất khó tả, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều khi ra quyết định này. Tôi không cảm thấy quá buồn, nhưng cũng không thực sự cảm thấy vui. Có lẽ do tôi bận suy nghĩ nhiều hơn về công ăn việc làm cho hơn 2.000 cán bộ, nhân viên của Trần Anh hơn là cảm xúc của bản thân mình.
Vì sao ông lại đi đến quyết định bán Trần Anh, rút khỏi thị trường điện máy?
Vì tôi nhìn thấy cơ hội của thị trường điện máy không còn nhiều. Ngay như ở một số quốc gia, sức tiêu thụ mặt hàng điện máy đã đi vào ngưỡng bão hòa, mật độ mở siêu thị của các doanh nghiệp quá dày nên doanh thu giảm sút. Ngoài ra, còn chưa kể sự xuất hiện của các công ty thương mại điện tử lớn từ nước ngoài nhảy vào Việt Nam, sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng gây khó khăn cho các siêu thị truyền thống.
Tôi nghĩ việc này cũng giống như cha mẹ có con cái lớn đến ngày phải dựng vợ gả chồng cho các con thôi, cha mẹ nào cũng luôn muốn chọn điều tốt nhất cho con cái của mình. Và đó là điều nên làm.
Từng điều hành Trần Anh vượt qua nhiều sóng gió và bứt phá trong khi rất nhiều doanh nghiệp “ngã ngựa” bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, ông đánh giá như thế nào về câu chuyện kinh doanh điện máy tại Việt Nam?
Kinh doanh bán lẻ nói chung là một lĩnh vực rất thú vị nhưng cũng đầy bận rộn mà chúng tôi hay gọi vui là như chăm con mọn.
Còn với bán lẻ điện máy nói riêng cũng tương tự như vậy nhưng ngành này có đặc thù là các sản phẩm công nghệ có giá trị cao và giá bán hàng hóa giảm rất nhanh. Nếu doanh nghiệp kiểm soát không tốt vòng quay của sản phẩm và hàng tồn kho thì chắc chắn thiệt hại rất lớn.
Quãng đường gần 16 năm kinh doanh trong lĩnh vực điện máy, máy tính đã giúp tôi có rất nhiều bài học và kinh nghiệm trong việc quản trị bán lẻ cũng như có sự hiểu biết tâm lý khách hàng. Thực tế là nó đã giúp cho tôi tự tin hơn khi khởi nghiệp trong những lĩnh vực mới liên quan đến phục vụ khách hàng.
Thế Giới Di Động mua Trần Anh - một trong những thương vụ M&A đình đám trong năm 2017
Trong khoảng 4 năm trở lại đây, sự thanh lọc của thị trường điện máy Việt Nam luôn diễn ra rất gay gắt. Vậy sự thanh lọc trong thời gian tới sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
Cá nhân tôi nghĩ rằng những năm trước đây quá trình thanh lọc của thị trường điện máy vẫn chưa thực sự diễn ra. Khi đó miếng bánh thị trường vẫn còn rất lớn và là cơ hội cho tất cả những người cùng tham gia.
Nếu nhìn lại sẽ thấy, doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất vào khoảng 8%, đứng thứ 2 vào khoảng 3%, còn lại là các doanh nghiệp nắm 1-2%. Tuy nhiên, hiện nay thì rất khác. Top 2 đã chiếm 50% và top 3 chiếm khoảng gần 60% tổng thị trường.
Nhưng theo tôi thì kể từ năm 2018 trở đi, quá trình thanh lọc mới thực sự bắt đầu và mọi diễn biến sẽ rất nhanh, nhất là sau khi Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động hoàn tất M&A với Trần Anh.
Trong một thị trường mà top 2 người dẫn đầu nắm giữ trên 50% thị phần thì cuộc chiến cơ bản đã được an bài.
Tức là ông cho rằng sau cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của thị trường điện máy, trong thời gian tới chỉ còn “đơn độc” một vài doanh nghiệp làm chủ thị trường?
Đúng như thế, thực tế ở nhiều nước đã phát triển, thị trường bán lẻ điện máy chỉ còn 1-2 người chơi và làm chủ hoàn toàn thị trường (không tính những công ty bán lẻ điện máy chỉ tập trung kinh doanh trong 1 ngách nhỏ của thị trường).
Tôi dự đoán trong vòng 3 năm tới, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam cũng giống như thị trường bán lẻ điện máy ở các nước khác: Top 3 người dẫn đầu sẽ nắm giữ trên 70% thị phần, những công ty không nằm trong Top 3 sẽ rất khó khăn và dần dần phải rời bỏ thị trường.
Sau khi bán Trần Anh, thời gian tiếp theo ông có còn gắn bó với ngành điện máy nữa hay không ?
Tôi sẽ không tham gia trong lĩnh vực điện máy trong một khoảng thời gian, theo như cam kết thông thường trong các thương vụ M&A. Vì vậy ít nhất là cho đến khi hết thời gian cam kết này, tôi không có ý định tham gia thị trường điện máy.
Nhưng lĩnh vực này đã gắn bó với tôi gần 16 năm nên chắc chắn là tôi vẫn luôn quan tâm và theo dõi sự phát triển của nó.
Sau thời gian cam kết đó, liệu ông có khởi nghiệp với một doanh nghiệp giống như Trần Anh hoặc nhảy sang lĩnh vực khác?
Tính tôi ưa thích sự thử thách, vì vậy tôi sẽ cùng với những cán bộ chủ chốt của Trần Anh trước đây cùng nhau khởi nghiệp mảng kinh doanh mới là Coworking Space (không gian làm việc chung - PV).
Đây là lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đang có sự tăng trưởng rất nhanh trên thế giới.
Dự kiến thời điểm nào ông và cộng sự sẽ cho ra mắt dự án khởi nghiệp hoàn toàn mới Coworking Space?
Dự kiến đầu quý II/2018 chúng tôi sẽ khai trương 5 điểm kinh doanh với tổng diện tích sàn văn phòng Coworking Space lên đến gần 10.000m2 tại những tòa nhà văn phòng hạng A,B có thương hiệu trên thị trường.
Chúng tôi lại được tiếp tục làm việc cùng nhau như những người đồng sáng lập công ty, cùng theo đuổi những đam mê và khát vọng mới, đó là điều mà chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn sau khi chia tay Trần Anh.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 3/1/2018, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động chính thức công bố hoàn tất thương vụ mua lại điện máy Trần Anh (HNX: TAG) và trở thành đơn vị sở hữu chi phối hơn 90% đối với Trần Anh.
Đây là một trong những thương vụ M&A đình đám trong năm 2017.
Sau thương vụ, ông Trần Xuân Kiên và các thành viên khác trong HĐQT đã thoái sạch vốn tại Trần Anh. Trong đó, số giao dịch cổ phiếu của ông Trần Xuân Kiên là 5,6 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, Trần Anh có bộ máy lãnh đạo mới là ông Trần Kinh Doanh – Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022, ông Võ Hà Trung Tín được bầu làm Tổng Giám đốc mới của Trần Anh.
Cùng với việc thay đổi bộ máy lãnh đạo sau thương vụ sáp nhập mua bán, Trần Anh cũng sẽ thêm mới một số ngành kinh doanh mới như bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn ghế, sản xuất linh kiện điện tử, sửa chữa thiết bị liên lạc, thiết bị nghe nhìn điện tử gia dụng, các hoạt động viễn thông, thiết bị nghe nhìn…
ICTnews