Cựu Cố vấn của Tổng thống Mỹ chia sẻ ‘bí kíp” phản ứng nhanh với COVID-19 của Anh, Mỹ, Israel
"Chúng ta muốn hái quả, nhưng quả ngọt phải là kết quả của những hạt giống đã được gieo trồng từ nhiều thập kỷ trước. Phải qua rất nhiều thế hệ, chúng ta mới có thể thu về "nguyên liệu" cần thiết để tạo ra những phát minh khoa học đột phá nhằm kiểm soát COVID-19 hay những bệnh nguy hiểm khác", GS Ezekiel Emanuel chia sẻ.
Thành quả khoa học chỉ đến khi có nền tảng nghiên cứu lâu dài
Quỹ VinFuture vừa chính thức khởi động chuỗi chương trình Đối thoại Khoa học hàng tháng, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2021 trên quy mô toàn cầu. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm đưa khoa học – công nghệ đến gần hơn với đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu, sáng kiến đột phá trong cộng đồng.
Buổi đối thoại đầu tiên có chủ đề "Khoa học đang thay đổi sức khỏe toàn cầu như thế nào?" với sự có mặt của các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý y tế như GS Ezekiel Emanuel (Hiệu phó chuyên trách về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ), GS Alta Schutte (Trưởng nhóm nghiên cứu về Tim mạch, Mạch máu và Chuyển hóa tại Khoa Y học và Sức khỏe, Đại học New South Wales, Úc)... Thảo luận đã đưa ra rất nhiều ý tưởng quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe toàn dân trong và sau đại dịch COVID-19.
Theo GS Emanuel, kinh nghiệm từ các nước phát triển mang tới nhiều bài học trong vấn đề này. Mỹ và Anh là hai ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của khoa học cơ bản trong việc nghiên cứu và nhanh chóng đưa vào sản xuất vắc-xin phòng chống Covid.
Vị GS hiện là Cố vấn đặc biệt cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới và từng là thành viên của đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, lấy ví dụ, ở Mỹ, những nghiên cứu đầu tiên về vắc xin mRNA có nguồn gốc từ ít nhất hơn ba thập kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ đến khi COVID-19 bùng phát, nó mới có thể được phát triển trong thời gian kỷ lục trong khoảng 10 tháng. Những đổi mới này không tự nhiên mà có mà dựa trên nền tảng của cả một hệ sinh thái bao gồm các học viện, các nhà nghiên cứu, các công ty, các nhà đầu tư mạo hiểm, các cơ quan quản lý. Hệ sinh thái đó đã lớn lên trong nhiều thập kỷ và có thể nhanh chóng đạt được tiến bộ khi tình huống xảy ra.
Tương tự, ông cũng chỉ ra những thành công của nước Anh khi có thể đưa ra các bằng chứng khoa học và pháp đồ điều trị hiệu quả chỉ trong vòng 100 ngày kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại quốc gia này.
"Chúng ta muốn hái quả, nhưng quả ngọt phải là kết quả của những hạt giống đã được gieo trồng từ nhiều thập kỷ trước. Phải qua rất nhiều thế hệ, chúng ta mới có thể thu về tất cả những nguyên liệu cần thiết để tạo ra những phát minh khoa học đột phá nhằm kiểm soát COVID-19 hay những bệnh nguy hiểm khác", ông nói.
Tuy nhiên, GS. Emanuel cũng chia sẻ, mặc dù đi nhanh trong việc sản xuất vắc xin phòng COVID-19 nhờ thành quả từ nền tảng nghiên cứu, nhưng chính ngành y tế Mỹ lại tỏ ra lúng túng, thiếu hợp tác đồng bộ trong cuộc chiến chống đại dịch. "Năng lực thực chiến là tối quan trọng. Chúng ta cần một chiến lược bài bản, không chỉ với những khủng hoảng lâm thời như COVID, mà cả các vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Hệ thống quản lý y tế của tất cả các quốc gia đều cần phải được chuẩn bị tốt hơn, bất kể là nước giàu hay các nước ít nguồn lực", ông nhận định.
Vấn đề mấu chốt, theo ông, chính là một hệ thống giám sát bệnh tật chủ động, chặt chẽ ở cấp quốc gia cũng như quy mô toàn cầu.
"Israel có lẽ là ví dụ điển hình nhất của việc quản lý dữ liệu của công dân một cách có hệ thống. Còn gì có thể tốt hơn thế? Anh sẽ nắm được từng người dân đang phản ứng với vắc-xin như thế nào, điều gì xảy ra khi họ không được tiêm, ai đang bị bệnh, v.v", ông nói.
Khoa học dữ liệu sẽ giúp đánh bại những nguy cơ như COVID trong tương lai
Đồng quan điểm, GS Alta Schutte khẳng định, việc nghiên cứu và phát triển khoa học dữ liệu sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt ở các nước nghèo, đồng thời giúp họ nâng cao kiến thức để bảo vệ chính mình. Nguồn dữ liệu có thể tới từ các thiết bị đeo tay đang được sử dụng phổ biến, tạo ra một lượng lớn dữ liệu như nhiệt độ và các phản ứng của cơ thể cho phép phát hiện các cơn sốt.
"Vai trò của khoa học dữ liệu sẽ vô cùng to lớn, kể cả là dữ liệu có sẵn, để Chính phủ và Bộ Y tế có thể đưa ra quyết định do dữ liệu thay đổi liên tục", vị GS thành viên của Viện Sức khỏe Toàn cầu George, đồng thời là thành viên của Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, nhận xét.
"Chúng ta đang ở thời đại không gian mới, thời đại không gian thứ hai, và con người đang chạy đua để đặt bước chân đầu tiên lên sao Hỏa. Tôi hy vọng rằng, cũng như việc chinh phục Mặt Trăng, chúng ta sẽ chứng kiến những 'tia lửa' tương tự để cho ra đời những công nghệ và đổi mới y tế trong tương lai", giáo sư Schutte đã đưa ra kết luận trong buổi Đối thoại khoa học đầu tiên do Quỹ VinFuture tổ chức.
Tiếp nối sự thành công của cuộc Đối thoại đầu tiên với chủ đề sức khỏe, trong những kỳ tới, chuỗi sự kiện đối thoại khoa học trực tuyến của VinFuture sẽ tiếp tục bàn luận về vai trò của khoa học gắn với các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác của Liên Hợp Quốc như môi trường bền vững, thành phố thông minh, bình đẳng giới và giáo dục chất lượng.
Thông qua hoạt động này, VinFuture kỳ vọng các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu có tầm ảnh hưởng trên thế giới truyền cảm hứng cho mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ - thế hệ lãnh đạo tương lai của nhân loại, theo đuổi những nghiên cứu, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu. Đồng thời, chuỗi sự kiện này cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học chia sẻ những đóng góp, cống hiến vĩ đại với đại chúng bằng ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu, giúp khoa học trở nên gần gũi và trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của khoa học phụng sự nhân loại trong cộng đồng.