Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình: Mối duyên đặc biệt từ các chuyến thăm của Thủ tướng Nhật và sự tôn trọng “bất ngờ” từ gần 40 năm trước
Chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2006 được xem là điểm khởi đầu cho sự “hợp duyên” giữa hai nước, thúc đẩy một mối quan hệ bắt nguồn từ niềm tin, bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau để đôi bên cùng hưởng lợi.
- 18-10-2020Chuyên gia Nhật nói về chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide: Việt Nam là cầu nối giữa Tokyo với ASEAN
- 16-09-2020Quốc hội Nhật Bản bầu ông Yoshihide Suga làm tân thủ tướng
- 15-09-2020Tiến sát ghế thủ tướng Nhật Bản, ông Suga tuyên bố "không nhượng bộ Trung Quốc"
- 14-09-2020Ông Yoshihide Suga lãnh đạo đảng cầm quyền, cầm chắc ghế thủ tướng Nhật Bản
- Ngày 19/10, Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thăm Việt Nam. Theo Đại sứ, chuyến thăm này nói lên điều gì về mối quan hệ Việt – Nhật ở thời điểm hiện tại?
- Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Từ năm 1992 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ổn định, ngày càng phát triển tốt và không có bất cứ trở ngại, thăng trầm gì. Mối quan hệ tốt và ổn định này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, không chỉ không có bất cứ mâu thuẫn gì mà còn phù hợp với nhau về lợi ích. Chuyến thăm này cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước đang ở đỉnh cao và sẽ ngày càng tốt hơn.
Dù quan hệ Việt – Nhật đang rất tốt nhưng thế giới có những thay đổi, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu. Đại dịch làm cho tất cả các quốc gia đều gặp thách thức. Nó làm tê liệt sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Không quốc gia nào tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, trở nên căng thẳng. Khi hai đầu tàu của kinh tế thế giới lâm vào cảnh đối nghịch, cả thế giới chịu ảnh hưởng. Nhật Bản không tránh được những tác động, thậm chí còn chịu ảnh hưởng nặng nề. Nền kinh tế thứ 3 thế giới phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, từ nguồn cung nguyên liệu, phụ phẩm, linh kiện và cả thị trường tiêu thụ hàng hóa. Nhật đang đối mặt suy thoái lớn, họ cần tìm lối ra, sắp xếp lại sản xuất và đầu tư.
Về phần Việt Nam, dù chúng ta đã có thắng lợi kép về kiểm soát dịch bệnh và kinh tế tăng trưởng dương nhưng không có nghĩa chúng ta không khó khăn. Hai bên gặp nhau sẽ bàn về những biện pháp khắc phục những vấn đề đó. Nhật tìm cách tái đầu tư. Khi họ rút bớt khỏi Trung Quốc, bài toán của Nhật là tìm nơi thay thế. Việt Nam là một điểm đến sáng giá. Việt Nam có cơ hội biến thách thức thành thời cơ.
- Ông đánh giá gì về việc lựa chọn điểm đến là Việt Nam, sau đó là Indonesia của tân Thủ tướng Nhật Bản (cả về địa chính trị và kinh tế)?
- Thông thường, lãnh đạo mới lên của các nước lớn thường chọn đi thăm các nước lớn. Trong quá khứ, Thủ tướng Nhật mới nhậm chức thường đi thăm Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu. Tuy nhiên, lần này ông Suga chọn công du 2 nước Đông Nam Á, chứng tỏ Nhật Bản coi trọng và đề cao ASEAN như một đối tác lớn, cả về kinh tế, hòa bình và an ninh. Nó thể hiện hướng mới của Nhật.
Indonesia là nền kinh tế lớn nhất ASEAN với dân số khoảng 260 triệu người trong khi Việt Nam cũng có 100 triệu dân. Hai nước đã chiếm một nửa trong 660 triệu dân ASEAN. Trong khi đó, Đông Nam Á vốn là thị trường lớn đồng thời cũng là nơi cung cấp nguyên liệu và nhân lực cho Nhật Bản trong khi là đối tác lớn về địa chính trị và kinh tế. Nó khẳng định quan điểm Việt Nam và Indonesia là những điểm đến không thể phù hợp hơn với Thủ tướng Suga.
Hiện tại, Indonesia nằm trong G20 cùng dân số lớn, nền kinh tế mạnh…. Việc Nhật Bản coi trọng Indonesia là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, Việt Nam là nhân tố mới nổi với uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong 2 năm 2020 và 2021. Việt Nam cũng kiểm soát rất tốt đại dịch Covid-19, mở ra những cơ hội lớn về phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Về mọi mặt, rõ ràng Nhật Bản đã chọn 2 nước lớn đại diện cho cả ASEAN.
- So sánh với hàng loạt những chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam trong những năm qua, chuyến thăm của ông Yoshihide có gì khác biệt không?
- Như tôi đã nói, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt. Dẫu vậy những thách thức lớn đang xuất hiện và khác hẳn với những gì từng xảy ra trong quá khứ. Trong vài thập niên qua, nước Nhật trải qua những biến cố, quan hệ Việt - Nhật vẫn ổn định. Bây giờ, thách thức không tới từ sự thay đổi chính sách của 1 trong 2 nước mà phải làm sao để tăng cường sự mật thiết dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.
Khi mới nhậm chức năm 2006, Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Sau đó, khi trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản năm 2012, ông Abe tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến sớm nhất. Tới Thủ tướng Suga, Việt Nam cũng được chọn là điểm đầu của chuyến công du. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Việt - Nhật không thay đổi mà đi theo hướng ngày càng tốt hơn.
Lợi ích của đôi bên hài hòa và bổ sung cho nhau, không có bất cứ mâu thuẫn nào. Điều đó cho thấy dù Covid-19 tạo ra tình huống mới nhưng hướng đi vẫn tiếp tục vững chắc và càng ngày càng tin cậy nhau hơn.
- Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2006, khi đại sứ đang đảm trách cương vị Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Bắc Á. Chuyến thăm này có vai trò như thế nào tới mối quan hệ Việt – Nhật mà khiến ông Abe trở lại thăm Việt Nam thêm 3 lần nữa và sau đó ông Suga, người từng là Chánh Văn phòng nội các của ông Abe, chọn làm điểm đến đầu tiên sau khi trở thành Thủ tướng?
- Tầm giữa năm 2006, ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Tầm tháng 9 cùng năm, Việt Nam bầu cử Quốc hội sau đó bầu ra Chính phủ mới. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đại sứ Nhật Bản đặt vấn đề là Thủ tướng Abe muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật. Khi đó, tôi là Thứ trưởng phụ trách khu vực Đông Bắc Á.
Giai đoạn này, Thủ tướng có kế hoạch dự Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở Phần Lan và tham gia cuộc gặp đa phương kỷ niệm 10 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Phía Nhật Bản mong muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang sớm để gặp Thủ tướng Abe, người sẽ quyết định tham dự APEC tại Việt Nam vào cuối năm.
Trước tình hình đó, tôi và các cán bộ ở Vụ Đông Bắc Á đưa ra kiến nghị nên đáp ứng các đề nghị của phía Nhật vì điều đó tốt cho mình. Chúng tôi nhận thấy khi phía Nhật đề nghị như vậy là họ coi trọng Việt Nam, muốn Thủ tướng Việt Nam thăm Nhật đầu tiên. Thủ tướng chấp nhận kiến nghị của chúng tôi và tới Nhật trong tháng 10 cùng năm. Sau đó, Thủ tướng Abe ngay lập tức tới Việt Nam dự APEC và thăm chính thức vào tháng sau.
Tôi cảm thấy hai vị Thủ tướng chọn nhau là vị khách đầu tiên như là "duyên số". Về cơ bản, lợi ích của 2 nước trùng hợp với nhau là rất rõ ràng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo cao nhất từ thời điểm đó đã được thắt chặt. Ông Abe nghỉ một thời gian trước khi trở lại cầm quyền năm 2012 và tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên, tôi nghĩ đây có lẽ là một sự "hợp duyên" như người Nhật vẫn nói.
Bản thân tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng là nhân vật chủ chốt trong nội các của ông Abe, người tuyên bố sẽ tiếp tục một vài chính sách của nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Ông Suga cũng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên. Có lẽ, chọn Việt Nam không chỉ đơn thuần tới thăm một đất nước mà là cả ASEAN, Hiệp hội mà Việt Nam đang đảm trách cương vị Chủ tịch luân phiên. Đó là hướng đi của Chính quyền ông Suga.
- Trong các chuyến công du của các nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Việt Nam và ngược lại, có kỷ niệm nào khiến Đại sứ nhớ mãi?
- Trong chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây cũng là lần đầu tiên một thủ tướng của Việt Nam được mời tới phát biểu tại cuộc họp chung của Lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản. Thông thường, vinh dự này thường chỉ được dành cho nguyên thủ một quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, vẫn được mời tới phát biểu trong sự hân hoan của 2 viện Quốc hội Nhật Bản.
Trong đàm phán, Thủ tướng của chúng ta muốn Nhật ủng hộ 3 dự án là Đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Đường sắt cao tốc Bắc – Nam và khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Khi đó, phía bạn chần chừ về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam vì họ chưa khảo sát. Họ muốn khảo sát xong mới khẳng định. Tuy nhiên, để đáp lại mong muốn của Việt Nam, họ hứa sẽ xem xét tích cực cả 3 dự án.
Tôi nhận thấy phía Nhật Bản rất sẵn sàng với phía Việt Nam. Các dự án về sau mà phía Việt Nam đưa ra, Nhật Bản không bao giờ nói ủng hộ ngay nhưng luôn xem xét tích cực và có phương án hỗ trợ chúng ta một cách hết sức cụ thể. Hạ tầng cơ sở của Việt Nam được như hiện nay dựa nhiều vào ODA của Nhật. Ngoài ra, những vấn đề về đổi mới thể chế, đổi mới quản lý nhà nước đối với kinh tế có sự thay đổi rất nhiều do hỗ trợ từ Nhật Bản.
Tôi nghĩ rằng những lĩnh vực quan trọng nhất của Việt Nam, từ cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính tới Hải quan điện tử hay các yếu tố làm cho thị trường Việt Nam thông thoáng hơn, Nhật Bản đều sẵn sàng tham gia và giúp đỡ chúng ta. Quan hệ giữa hai nước, về mọi mặt, nhìn chung là rất tốt đẹp.
- Xét trong suốt lịch sử quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, Đại sứ có cho rằng đây là lúc quan hệ giữa 2 nước đang ở mức tốt "chưa từng có" hay không? Quan hệ kinh tế đóng góp như thế nào cho thành tựu này?
- Có thể nói quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản đang ở mức tốt nhất trong lịch sử. Về mặt kinh tế, trong các nước phát triển, Nhật Bản đánh giá Việt Nam ở mức rất cao. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng bí thư Việt Nam sang thăm vào năm 1995 trong khi các nước khác vẫn coi đó là vấn đề chính trị nhạy cảm.
Năm 2009, Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Năm 2011, Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Năm 2016, Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên mời lãnh đạo Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng được họ tổ chức.
Có thể nói đây là sự tin cậy và mối quan hệ đang ở mức tốt nhất. Hiện nay, có nhiều cái Nhật chưa phải là số 1 với Việt Nam nhưng về góc độ kinh tế, tầm quan trọng của quốc gia này là số 1. Về ODA, Nhật là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam với 26,3%, tương đương 23,76 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài Nhật Bản đứng số 2 sau Hàn Quốc với hơn 60 tỷ USD. Nhật là đối tác du lịch thứ 3 của Việt Nam với gần 1 triệu khách năm 2019. Thương mại đứng thứ 4 nhưng khi đầu tư tăng lên, thương mại mặc nhiên cũng tăng lên. Về hợp tác lao động, có tới 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang học tập và lao động ở Nhật Bản. Nông nghiệp, giáo dục, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam đều có sự tham gia mạnh mẽ của các đối tác Nhật Bản.
Cho đến nay, việc khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản đang tốt nhất trong lịch sử là hoàn toàn đúng đắn.
- Là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách khu vực Đông Bắc Á từ năm 2002, Đại sứ có dành cho nước Nhật tình cảm gì đặc biệt hay không?
- Nhật Bản rất đặc biệt với tôi. Tôi đặt chân đến Nhật Bản lần đầu tiên từ năm 1982, cách đây 38 năm. Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên về thái độ của người Nhật. Năm 1982 là giai đoạn mối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới đang có nhiều trở ngại. Việt Nam mới giải phóng và lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội, một phần do thiếu sót về chính sách, phần khác do bị bao vây cấm vận. Nhật Bản, năm 1980, cũng đã ngừng viện trợ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi rất lấy làm lạ vì sao người Nhật không bao giờ phê phán mình. Trong quan hệ song phương, đi đến đâu họ cũng có thái độ điềm đạm, ấm áp và nhẹ nhàng. Họ chỉ nói về quan hệ hai nước. Sau này, tôi mới hiểu ra rằng lúc ấy họ cũng "cực chẳng đã" trong việc tỏ thái độ chính thức với Việt Nam. Họ đã chuẩn bị sẵn một thái độ khách quan, ôn hòa và chuẩn bị cho những bước tiếp theo. 10 năm sau, năm 1992, Nhật nối lại viện trợ cho Việt Nam. Ngay từ lúc ấy, tôi đã thấy có gì đó được hình thành trong mối quan hệ Việt – Nhật.
Trong lịch sử, hai bên đã có mối giao lưu sâu sắc. Sau này, khi Nhật Bản đi theo Phát xít và chiếm đóng Việt Nam, có nhiều hậu quả. Người dân Nhật hiểu đó là quá khứ và làm ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam nhưng họ biết ơn khi người Việt Nam có thái độ ôn hòa, nhìn lại quá khứ, không quên nó, nhưng không biến nó thành trở ngại cho mối quan hệ hiện tại và tương lai.
Nhiều học giả nói rằng chỉ Việt Nam mới có cách ứng xử như vậy. Tôi nghĩ đó là tình cảm. Mình khâm phục Nhật Bản thì đương nhiên. Tuy nhiên, dù họ cao hơn mình rất nhiều về trình độ phát triển nhưng họ rất khiêm nhường. Họ tôn trọng đối tác. Họ không bao giờ đặt mình thế cửa trên nhìn xuống mà coi bình đẳng, hai bên có thể hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Tôi rất cảm kích về điều đó.
Ngoài ra, tính kỷ cương, kỷ luật, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Nhật rất cao. Họ làm gì cũng có kế hoạch, làm gì cũng tính rủi ro. Tôi nghĩ rằng nó xuất phát từ việc nước Nhật hay bị thiên tai, động đất. Đó là những cái tôi thấy mình có thể học ở Nhật. Người Nhật thì thấy Việt Nam tình nghĩa. Có những giáo sư nói rằng người Việt Nam rất ơn nghĩa, từ người dân tới lãnh đạo luôn đánh giá cao và cảm ơn Nhật Bản. Họ nói rằng Việt Nam tôn trọng chữ nghĩa. Họ thì tôn trọng chữ tín.
- Cảm xúc của Đại sứ ra sao khi được Nhật Hoàng trao tặng Huân chương Mặt trời mọc trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước?
- Các Đại sứ Việt Nam, khi đã ở đất Nhật, người nào cũng hết lòng. Tuy nhiên, tôi có may mắn là sang Nhật rất sớm, từ những năm 1982. Sau khi nghỉ hưu, tôi được Hội Hữu nghị Việt – Nhật mời làm Phó chủ tịch. Trong thời gian ở Nhật, có nhiều sự kiện giữa 2 nước xảy ra, chẳng hạn như thiết lập quan hệ đối tác song phương, đối tác chiến lược, hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật tới những thiên tai thảm họa kép động đất sóng thần 2011.
Khi nước Nhật gặp thiên tai, Việt Nam thể hiện sự hết lòng với bạn và bạn cũng tỏ ra quý trọng Việt Nam. Có lẽ trải qua những quá trình như vậy nên tôi được đánh giá tốt và tặng huân chương. Tôi rất cảm kích và thấy vinh dự. Ở Nhật, họ ít khi tặng huân chương. Họ chỉ tặng cho những người có công trạng đặc biệt. Được đặt trong danh sách ấy tôi rất vui và tự hào.
- Bên cạnh tình cảm dành cho nước Nhật, Đại sứ cũng từng chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc với Hoàng gia, đặc biệt là với Hoàng thái tử, nay là Nhật Hoàng Naruhito. Đại sứ nhớ nhất điều gì về Nhật hoàng Naruhito?
- Ông là người rất hiền hậu, bình dị và nhân từ. Tôi rất may mắn khi tổ chức lễ hội đầu tiên của Việt Nam ở Nhật nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại một công viên ở Tokyo, Hoàng thái tử tham dự. Đây là lần đầu tiên ông tham dự một lễ hội ngoài trời. Hoàng thái tử còn chủ trì phiên khai mạc.
Trong sự kiện ở Đại học Showa nhân kỷ niệm 10 năm phố cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, tôi được tới dự trong vai trò khách mời. Hoàng thái tử hôm đó cũng là một vị khách đặc biệt. Ông ngồi từ đầu tới cuối và đó cũng là lúc tôi được chứng kiến sự quan tâm của ông với văn hóa Việt Nam.
Đầu năm 2009, Hoàng thái tử tới Việt Nam, tôi được vinh dự tháp tùng ông trong suốt chuyến đi 6 ngày ở cả 3 miền đất nước. Đi đến đâu tôi cũng được chứng kiến sự quan tâm của Hoàng thái tử tới văn hóa và sự phát triển kinh tế Việt Nam. Vào Mỹ Tho, Hoàng thái tử quan sát tàu chạy trên sông và hỏi rất cặn kẽ. Lúc đó tôi mới biết chuyên ngành mà ông được đào tạo tại Anh là Giao thông đường thủy. Ông rất vui khi chứng kiến xà lan ngược suôi trên sông Tiền.
Sau này, rất may mắn, gia đình tôi và gia đình Thái tử có một bữa ăn cơm với nhau. Đó là một đặc ân. Hoàng thái tử rất quan tâm tới Văn hóa Việt Nam. Công nương hay công chúa nhỏ cũng rất quan tâm tới ẩm thực hay các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam. Tất cả những cái đó khiến tôi cảm thấy thời gian trôi đi rất nhanh dù bữa cơm kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Đó là kỷ niệm tôi nghĩ rằng hiếm người được hưởng.
Sau khi Hoàng thái tử lên ngôi, tôi rất mừng bởi mình nhiều lần được gặp, nói chuyện thậm chí là dùng bữa. Đó là vinh hạnh lớn. Nhưng mở rộng ra, dù được người dân kính trọng gần như tuyệt đối nhưng Hoàng gia Nhật rất nhân từ. Sự thân thiện, gần gũi của Hoàng gia Nhật Bản là điều hiếm có trên thế giới.
Trước khi trở về nước sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi có tới chào Hoàng thái tử. Tuy nhiên, ngài muốn tôi tới muộn một chút. Khi tới nơi tôi mới biết ông cố chờ cô con gái nhỏ đi học về để chào từ biệt chúng tôi. Tất cả những cử chỉ ấy, tôi thấy rất tình cảm, thân thiết và gia đình tôi rất cảm động.
- Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, Đại sứ có hay trở lại Nhật Bản không? Ông có người bạn Nhật Bản nào thân thiết hay không?
- Bạn Nhật tôi có rất nhiều, trong tất cả các giới. Lãnh đạo các Hội hữu nghị rất thân thiết với tôi vì họ năm nào cũng sang Việt Nam và chúng tôi đều gặp nhau. Những năm trước đây, 1 – 2 năm/lần, có khi 2 lần/năm, tôi cũng được mời đi thăm Nhật Bản. Trong giới doanh nhân hay ngoại giao, tôi cũng có những người bạn rất thân thiết.
Đại sứ Umeda Kunio là ví dụ. Khi nước Nhật xảy ra động đất sóng thân năm 2011, ông là Vụ trưởng phụ trách khu vực có Việt Nam của Bộ Ngoại giao Nhật Bản còn tôi thì đang là Đại sứ. Phía Nhật Bản đánh giá rất cao những chia sẻ mà Việt Nam dành cho Nhật. Với chúng ta, đó là những quyên góp chưa từng có. Nếu so về con số tuyệt đối, những ghì mình dành cho bạn chưa thấm gì với những thứ bạn dành cho chúng ta. Tuy nhiên, người Nhật rất ơn nghĩa. Họ luôn cảm kích vì sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam.
Đại sứ quán của chúng ta vẫn giữ nguyên số người hiện diện trong khi nhiều quốc gia khác rút bớt nhân sự khi thảm họa kép xảy ra. Phía Nhật nói rằng trong lúc khó khăn, họ luôn có những người bạn chí cốt ở bên cạnh, trong đó có Việt Nam. Ông Umeda luôn ôn lại tình cảm thân thiết, có nhau trong lúc hoạn nạn. 4 năm nhiệm kỳ, ông đã có rất nhiều đóng góp cho Việt Nam và tôi nghĩ ông có vai trò rất quan trọng trong việc Hoàng gia Nhật tặng tôi Huân chương Mặt trời mọc.
- Khi biết Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên, cảm giác của Đại sứ ra sao?
- Tôi rất vui và tự hào. Mình là quốc gia đang phát triển, so với Nhật thì chúng ta phải thừa nhận mình thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, khi được Thủ tướng Nhật Bản chọn làm điểm đầu tiên ghé thăm, tôi cảm thấy vị thế quốc tế của nước mình được nâng lên rất nhiều.
Thứ 2, tôi cảm thấy quan hệ với Việt Nam cũng có ích cho Nhật Bản chứ không phải chúng ta nhận sự hỗ trợ một chiều. Như vậy, đây là mối quan hệ trong sáng và bình đẳng. Việc thủ tướng Suga chọn Việt Nam cũng nhất quán với người tiền nhiệm Abe, chứng tỏ chính sách của Thủ tướng mới kế thừa chính sách cũ, coi trọng Việt Nam và các nước ASEAN. Đó là điều tôi thấy rất đáng tự hào.
- Cá nhân đại sứ kỳ vọng gì về những kết quả mà Việt Nam và Nhật Bản có thể đạt được sau chuyến thăm sắp diễn ra?
- Hiện tại, cả Việt Nam và Nhật Bản đều gặp thách thức hoàn toàn khác biệt từ đại dịch Covid-19 nhưng quan hệ giữa 2 nước đang rất tốt và hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau về lợi ích. Tôi chắc chắn rằng quan hệ giữa 2 nước sẽ có những tiến triển vượt bậc.
Ví dụ, Nhật muốn mở rộng đầu tư thì Việt Nam sẵn sàng đón nhận, kể cả chuyển từ nước khác sang hay mở rộng các cơ sở sẵn có ở Việt Nam. Nguồn nhân lực 200.000 người Việt ở Nhật Bản sẽ không ở mãi bên đó. Sau khi hết thời hạn, họ sẽ trở về và cùng với nhân lực được đào tạo trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tôi tin rằng những tập đoàn lớn của Nhật Bản sẽ đẩy mạnh mở rộng ở Việt Nam trong thời gian tới, xây dựng cơ sở vững chắc và có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác nữa.
Tôi nghĩ rằng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ rất khả quan. Đây sẽ là đầu tư chất lượng. Với các nước khác, nhận đầu tư có thể có rủi ro bởi công nghệ cũ hay gì đó nhưng với Nhật Bản, tôi tin sẽ toàn là những gì tinh túy và tốt đẹp nhất. Thông qua đào tạo nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng sẽ cao. Đầu tư nhiều kéo theo thương mại sẽ lên.
Ngoài ra, thị trường Nhật Bản cần thực phẩm. Việt Nam, rất may mắn chúng ta vẫn phát triển tốt khi qua Covid-19 đi qua. Chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu của hơn 100 triệu người Nhật. Chỉ cần đáp ứng được tiêu chuẩn thì chúng ta không có gì phải lo ngại.
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên trong 3 hiệp định bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nó tạo ra dư địa cho phát triển kinh tế cùng với quan hệ chính trị tiếp tục được củng cố trên cơ sở lòng tin.