MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu giám đốc nhân sự Facebook chia sẻ bước quan trọng trước khi quyết định thăng tiến cho nhân viên và lời khuyên cho ai chuẩn bị nhận chức: Đừng bỏ qua vì sẽ có lúc bạn rất cần!

06-12-2018 - 06:00 AM | Sống

Quản lý là một công việc không hề dễ dàng với một nhân viên bình thường, vậy nên trước khi thăng chức cho một ai đó, bạn nên để họ có thời gian tìm hiểu các kỹ năng cũng như kinh nghiệm về “chiếc ghế mới” này.

Từng nắm vị trí Giám đốc nhân sự của Facebook và Amazon và hiện là Chủ tịch của Cộng đồng hỗ trợ quản lý chuyên nghiệp Paxos có trụ sở tại New York, Bharath Jayaraman hiểu rất rõ tính chất công việc của người quản lý cũng như vai trò, những việc cần phải làm. Trả lời với Business Insider, ông chia sẻ một số ý tưởng dành cho các ông chủ trong việc giúp cho nhân viên của mình chuẩn bị tốt hơn khi được đề bạt trở thành người quản lý bộ phận hay trưởng nhóm làm việc quan trọng của công ty.

Theo Bharath Jayaraman, đây chắc chắn là một sự thay đổi lớn gây bất ngờ nhiều khi còn gây phản ứng ngược, nên việc làm đầu tiên của cấp trên là hãy trao đổi cho người đó một số kinh nghiệm quản lý. 

Ông nói thêm: "Đừng bao giờ vội vàng quyết định thăng chức khi bạn chưa để họ thử trở thành một người đứng ra chỉ đạo một buổi phỏng vấn nhân viên mới vào nhóm mà họ đang chuẩn bị đứng đầu. Khi được trải nghiệm rồi, họ sẽ hình dung ra những nhiệm vụ tương lai của mình và có cảm thấy tự tin hay không".

Đặt ra những kỳ vọng rất rõ ràng rằng, với tư cách là một trong những người quan trọng trong công ty, vai trò của họ là giúp ban giám đốc điều hướng công ty hiệu quả và tham mưu cho các sếp khi gặp khó khăn. 

Một lựa chọn khác mà Jayaraman đề xuất là tổ chức các buổi học đào tạo chính quy, truyền cảm hứng cho những người quản lý "tương lai" hiểu hơn về công việc mới, nhờ vào những buổi tập huấn bạn sẽ nhận định được ai mới thực sự phù hợp và hiểu được họ có thực sự thích thú và sẵn sàng trong vai trò người đứng đầu. Vì thế mà bạn cũng tránh được những sai lầm đáng tiếc trong quá trình bổ nhiệm chức vụ cho nhân viên trong công ty.

Cựu Giám đốc nhân sự Facebook chia sẻ bước quan trọng trước khi quyết định thăng tiến cho nhân viên và lời khuyên cho ai chuẩn bị nhận chức - Ảnh 1.

Lời khuyên gửi tới những ai chuẩn bị nhận chức

Được thăng chức đồng nghĩa bạn phải gánh trên vai nhiều trọng trách hơn và chịu nhiều áp lực hơn. Để thành công trên cương vị mới, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

Tạo dựng phong cách lãnh đạo

Thật khó để thay đổi toàn bộ lề lối làm việc đã được thiết lập trong một thời gian dài. Vì thế, trước khi có ý định thay đổi phong cách lãnh đạo, bạn nên tìm hiểu xem những bậc "tiền bối" đã quản lý công việc như thế nào, phân tích ưu và nhược điểm của phong cách lãnh đạo này trước khi đưa ra quyết định nên thực hiện "cải cách" ở công đoạn nào. 

Thay đổi mục tiêu nghề nghiệp

Khi chưa được thăng tiến, mục tiêu nghề nghiệp của bạn là hiệu quả công việc của cá nhân. Thế nhưng khi đã ngồi vào ghế quản lý, bạn phải biết cách khích lệ, động viên tinh thần làm việc cho nhân viên cấp dưới. Sự đồng lòng hiệp lực của họ chính là hiệu quả công việc của bạn.

Gương mẫu hơn

Ngày trước là nhân viên bạn có thể về đúng giờ, công việc, lời hứa có thể quên, nhưng khi đã là quản lý bạn phải luôn gương mẫu về mọi vấn đề, thời gian làm việc, công việc, đời sống kể cả ăn nói, giao tiếp với mọi người. Bạn không nên sa đà vào các cuộc tranh cãi không cần thiết, chỉ tập trung lắng nghe phân tích, rồi đưa ra quyết định của mình, trên cơ sở các ý kiến của các thành viên trong nhóm.

Cựu Giám đốc nhân sự Facebook chia sẻ bước quan trọng trước khi quyết định thăng tiến cho nhân viên và lời khuyên cho ai chuẩn bị nhận chức - Ảnh 2.

Thống nhất tư tưởng

Bạn là sếp mới, và cấp dưới của bạn chưa quen lắm với việc này. Thậm chí có nhiều người đã từng là đồng nghiệp, bạn bè hay đối thủ của bạn, họ sẽ không dễ dàng làm theo những điều bạn muốn. Vì thế, đừng lấy uy quyền để áp đặt ý kiến của người khác. Hãy lắng nghe nhiều hơn để tạo dựng niềm tin cho mọi người và để thu thập kinh nghiệm lãnh đạo cho chính bạn.

Hãy nhớ rằng ở vị trí mới này, bạn sẽ phải giải quyết các tranh luận thường xuyên hơn. Vì vậy bạn cần phải thu hút mọi thành viên trở lại vấn đề chính và tìm ra giải pháp tối ưu. Ai đúng ai sai trong tranh luận không quan trọng. Điều quan trọng là bạn có thể hướng tất cả các thành viên tìm được lối đi chung cho vấn đề đang khúc mắc.

Lên kế hoạch công việc

Trước khi triệu tập nhân viên tham dự bất kỳ một cuộc họp nào, bạn nên lên kế hoạch rõ ràng, nêu rõ mục tiêu của cuộc họp, và dự trù các tình huống có thể gây nhiều tranh luận. Một kế hoạch chi tiết, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc cũng như sẽ khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên.

Tuy nhiên, dù có tự tin vào khả năng của bản thân đến mấy bạn cũng nên thảo luận với tập thể. Điều đó cho thấy bạn rất trân trọng ý kiến đóng góp của nhân viên, rằng họ là những mắt xích không thể thiếu trong quá trình làm việc. Bạn cũng đừng ngại loại bỏ những ý kiến không phù hợp với mục tiêu chung. Bạn là người lãnh đạo và có quyền chọn lựa cách làm việc hiệu quả nhất cho tập thể.

Thuyết trình

Khi bạn trở thành cán bộ quản lý, điều chắc chắn là bạn phải đối mặt với các cuộc họp, báo cáo, phát biểu, trình bày, thuyết trình trước đám đông, nên chắc chắn bạn phải học, chuẩn bị, tập, tự  tin để thuyết trình trước đông người. Hãy chuẩn bị cho tốt, đừng tim đập chân run, đừng lắp ba lắp bắp, bạn sẽ bị đánh giá rất thấp về kỹ năng thuyết trình và nhiều người lại đặt ra câu hỏi sao bạn lại được bổ nhiệm.

Nguyễn Nguyễn

Business Insider

Trở lên trên