MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu “sếp” Lazada: Chứng khoán Việt Nam có dư địa tăng tiếp vì nhiều doanh nghiệp có tiềm năng tăng giá trị gấp đôi, gấp ba như May Việt Tiến

05-12-2017 - 08:15 AM | Doanh nghiệp

Có nhiều lý do để thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thời gian qua và vẫn có dư địa tăng tiếp. Một trong những lý do đó là chủ trương cổ phần hóa phần vốn Nhà nước và chương trình này luôn đi kèm những hiệu ứng tích cực lan tỏa trên toàn thị trường.

Phải mất 10 năm chờ đợi, VnIndex mới quay lại điểm số trên 900 điểm và thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn hứng khởi hơn bao giờ hết. Hàng loạt cổ phiếu niêm yết mới, tiền nóng đổ vào chứng khoán đẩy thanh khoản lên cao gấp rưỡi mấy năm gần đây.

Trong bối cảnh VnIndex liên tục leo lên đỉnh mới thì hàng loạt quỹ đầu tư vẫn miệt mài rót thêm vốn vào thị trường chứng khoán.

Chúng tôi đã gặp Ông Christopher Beselin – người đã rời chiếc ghế CEO tại Lazada Việt Nam và thành lập quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam để tìm hiểu thêm quan điểm của ông đối với thị trường chứng khoán hiện tại.

Chúng tôi được biết ông đã rời Lazada. Hiện nay ông đang làm gì?

Đúng là tôi đã rời Lazada cách đây vài năm. Sau đó tôi thành lập Endurance Capital cùng với đối tác của tôi tại Việt Nam.

Chúng tôi thành lập Endurance Capital với mục tiêu đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam Chúng tôi tập trung tìm kiếm các doanh nghiệp bị lãng quên hoặc thị trường chưa nhìn nhận đúng giá trị.

“Tệp” doanh nghiệp chúng tôi lựa chọn đó là các công ty vốn hóa tầm trung tại Việt Nam. Chúng tôi cũng không đầu tư dàn trải mà danh mục của chúng tôi chỉ khoảng 10 công ty mà thôi. Việc nắm giữ danh mục đầu tư cô đặc cho phép Endurance Capital hiểu sâu các khoản đầu tư của mình và đây là sự khác biệt lớn của chúng tôi so với các quỹ đầu tư nắm giữ từ 50 – 100 công ty một lúc.

VnIndex đã tăng mạnh mẽ thời gian qua và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường vẫn đang hết sức hứng khởi. Ông nghĩ đâu là những nguyên nhân chính?

Có nhiều lý do để thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thời gian qua và vẫn có dư địa tăng tiếp. Một trong những lý do đó là chủ trương cổ phần hóa phần vốn Nhà nước và chương trình này luôn đi kèm những hiệu ứng tích cực lan tỏa trên toàn thị trường.

Quan điểm của chúng tôi về chủ trương này là rất tích cực và chúng tôi rất vui khi thấy nhiều công ty mới được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng chủ trương này sẽ tiếp tục tạo ra giá trị cho thị trường trong những năm về sau.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tác động của cổ phần hóa vốn Nhà nước đến thị trường chứng khoán Việt?

Điều này toàn hoàn phụ thuộc vào tương tác giữa các công ty mới cổ phần hóa và các thành phần tham gia thị trường.

Việc niêm yết chỉ mới là bước đầu tiên của cả quá trình. Những gì xảy ra sau đó thậm chí có thể còn quan trọng hơn. Với khối lượng lớn các công ty chuyển đổi từ công ty Nhà nước thành cổ phần hóa một phần và thành công ty đại chúng gần đây, tiềm năng cho việc tạo ra giá trị cho cổ đông ở mức độ lớn sẽ có được thông qua quá trình nâng tầm quản trị doanh nghiệp và quan hệ với cổ đông lên các chuẩn mực quốc tế. Nếu quá trình này xảy ra nhanh và hiệu quả thì giá trị sẽ được tạo ra càng nhanh hơn.

Làm thế nào để thúc đẩy quá trình tạo giá trị diễn ra nhanh hơn?

Để cổ đông nhận ra giá trị đầy đủ và tiềm năng của một công ty niêm yết, cầu nối thông tin giữa ban quản trị của công ty và cổ đông đại chúng là rất cần thiết - một bên hiểu công ty rất rõ và một bên phụ thuộc vào thiện chí chia sẻ thông tin của ban quản trị công ty.

Nhiều công ty niêm yết không dành đủ thời gian cập nhật cho cổ đông về tình hình phát triển và tiềm năng của công ty. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ ngừng theo dõi và không đầu tư vào công ty; còn các công ty chưa được hiểu đúng thường bị định giá ở mức rất thấp. Có một mối tương quan rất rõ giữa việc tăng cường chia sẻ thông tin và chỉ số định giá công ty ở mức cao hơn rõ rệt.

Cả công ty và cổ đông cần phải hợp tác với nhau để điều này xảy ra.

Ông có thể đưa ra một ví dụ cụ thể ông đã gặp ở thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ví dụ, do yêu cầu niêm yết hiện tại ở Việt Nam, các công ty niêm yết ở Sàn Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HSX) thường tự nhiên sẽ minh bạch hơn và chia sẻ thông tin tốt hơn các công ty niêm yết ở sàn UpCom. Hiện nay, chúng tôi thấy nhiều công ty đại chúng hoàn toàn có thể nâng tiềm năng tăng trưởng giá trị từ việc cải thiện hoạt động quan hệ với cổ đông và chia sẻ thông tin – đặc biệt trên các sàn giao dịch nhỏ hơn như Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Upcom.

Một ví dụ đáng lưu ý là Công ty cổ phần dệt may Việt Tiến – mã VGG trên sàn Upcom. Đây là một thương hiệu mạnh và nổi tiếng về may ở Việt Nam và Chính phủ đã làm rất tốt trong việc chuyển công ty thành công ty đại chúng.

Tuy nhiên, hơi đáng tiếc là công ty hiện đang bị định giá thấp hơn hẳn so với các công ty cùng ngành trên sàn Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh.

Từ một sự so sánh đơn giản các chỉ số định giá, chúng ta có thể kết luận rằng nếu Việt Tiến chuyển sàn niêm yết từ Upcom sang sàn Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HSX) và theo đó cải thiện việc báo cáo thông tin và chia sẻ thông tin với cổ đông, cổ đông của VGG có thể kỳ vọng giá cổ phiếu được định giá tăng 100% - 220% từ mức hiện tại.
Từ một sự so sánh đơn giản các chỉ số định giá, chúng ta có thể kết luận rằng nếu Việt Tiến chuyển sàn niêm yết từ Upcom sang sàn Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HSX) và theo đó cải thiện việc báo cáo thông tin và chia sẻ thông tin với cổ đông, cổ đông của VGG có thể kỳ vọng giá cổ phiếu được định giá tăng 100% - 220% từ mức hiện tại.

VGG hiện tại có mức vốn hóa khoảng 100 triệu đô, mức tăng giá trên sẽ tương đương với 100 – 220 triệu đô la Mỹ từ việc chuyển sàn niêm yết. Nhà nước thông qua Vinatex vẫn là cổ đông lớn nhất trong Công ty cổ phẩn dệt may Việt Tiến, do đó phần lớn của giá trị được tạo ra (100 – 220 triệu đô la Mỹ) sẽ giúp ích cho Chính phủ và người dân.

Chuyển sàn niêm yết là bước đơn giản đầu tiên và không đòi hỏi quá nhiều chi phí và thời gian. Sau đó, giá trị gia tăng khác cho cổ đông còn có thể được tạo ra thông qua các hoạt động quan hệ với cổ đông liên tục và tích cực.

Theo đánh giá của ông thì VGG sẽ có tiềm năng tăng giá tốt nếu thực hiện được những khuyến nghị giúp gia tăng giá trị. Endurance Capital có đầu tư vào cổ phiếu này không (cười)?

Chúng tôi có sở hữu cổ phiếu VGG. Chúng tôi đánh giá công ty có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai rất tốt.

Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ.

Về Endurance Capital

Các cổ đông sáng lập của Endurance Capital bao gồm các chuyên gia đầu tư Thụy Điển và Việt Nam đã từng giữ các vị trí quản lý tại các công ty Việt Nam. Sáng lập viên của Endurance Capital, Christopher Beselin, là cựu Giám đốc và Sáng lập viên của Lazada Việt Nam và cũng là người đưa công ty đầu tiên của Việt Nam lên sàn giao dịch Nasdaq, Công ty fram^.

Các cổ đông của Endurance Capital còn có kinh nghiệm làm việc tại các công ty như Cevian Capital, The Boston Consulting Group và Vinamilk. Hơn nữa, các cổ đông này còn là thành viên Hội đồng quản trị của các công ty đại chúng tại Việt Nam như Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (mã VND) và Công ty Cổ phần Nafoods Group (mã NAF).

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên