MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Thủ tướng Australia: Vì lợi ích của cả hai nền kinh tế, ông Trump và ông Tập sẽ sớm "hạ mình" đặt bút ký thoả thuận thương mại!

09-10-2019 - 17:29 PM | Tài chính quốc tế

Vì những động cơ đến từ trong nước, muốn giữ thể diện cho quốc gia, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình không ngừng đẩy chiến tranh thương mại leo thang. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thương mại đang được tái khởi động và do đó hai bên phải thực hiện những bước thực tế để tiến tới thoả thuận ngay lập tức.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Kevin Rudd. Ông là cựu thủ tướng Australia, hiện đang giữ vị trí Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á tại New York.

Hiện tại, Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã kết thúc, đã đến lúc nên quay trở lại tập trung vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có thể rằng, mâu thuẫn này sắp đi đến hồi kết. Thật vậy, vòng đàm phán tiếp theo có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để tìm được sự đồng thuận về vấn đề thương mại, công nghệ, sự xung đột về vấn đề kinh tế đã và đang "nhấn chìm" cả 2 nước.

Nếu mọi thứ đổ bể, thế giới nên chuẩn bị cho những biến động kinh tế mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ở đây, có một nguy cơ rõ ràng rằng nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và nền kinh tế toàn cầu sẽ phải chứng kiến sự phân tách lớn hơn giữa mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, còn một cánh cửa rộng hơn đối với những cử tri ở cả 2 quốc gia cho rằng cuộc xung đột là điều không thể tránh khỏi.

Cho đến nay, cuộc chiến thương mại đã trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tháng 3 năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tuyên bố áp thuế với hàng hoá Trung Quốc. Giai đoạn thứ 2 là "sự hàn gắn ở Argentina" bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 12, khi đó 2 bên đồng ý ký thoả thuận ngừng bắn trong 90 ngày. Việc đình chiến đã kết thúc vào đầu tháng 5/2019, Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc nước kia đòi hỏi những yêu cầu lớn hơn vào phút chót thực hiện bản dự thảo cho thoả thuận.

Giai đoạn thứ 3 có thể coi là "mùa hè đầy bất mãn": Mỹ tuyên bố vòng áp thuế mới và Trung Quốc cũng không ngồi yên, đưa ra câu trả lời cho "danh sách các thực thể" của Mỹ. Đáp trả cho việc Huawei cùng 5 công ty công nghệ khác bị liệt vào danh sách đen, Trung Quốc cũng đưa ra mối đe doạ về "danh sách những công ty không đáng tin cậy" để nhắm vào việc trừng phạt các công ty Mỹ.

Cựu Thủ tướng Australia: Vì lợi ích của cả hai nền kinh tế, ông Trump và ông Tập sẽ sớm hạ mình đặt bút ký thoả thuận thương mại! - Ảnh 1.

Với những diễn biến căng thẳng như vậy, tại sao chúng ta nên mong đợi vòng đàm phán tiếp theo sẽ thành công?

Để bắt đầu, chúng ta có thể thấy, nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc đều đang gặp rắc rối. Tại Mỹ, số liệu ngành sản xuất được đưa ra gần đây đã tạo thêm tâm lý bi quan về triển vọng của nền kinh tế. Nếu mọi thứ còn tồi tệ hơn nữa, thì chiến dịch tái tranh cử của ông Trump vào tháng 11/2020 sẽ gặp bất trắc. Tương tự như vậy, vị trí của ông Tập cũng bị suy yếu nếu bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trì trệ hơn, trước thềm lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021. Đây sẽ là giai đoạn đầu cho nỗ lực bước vào nhiệm kỳ thứ 3 bắt đầu vào năm 2022 của ông Tập.

Mỗi bên đều công khai tuyên bố rằng chiến tranh thương mại đang gây tổn hại cho phía bên kia nhiều hơn. Dẫu vậy, đương nhiên là cuộc chiến này đang khiến cả hai bên gặp khó khăn, khiến thị trường hoảng loạn, niềm tin kinh doanh không vững vàng, suy yếu đà tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều cho biết họ có thể hồi phục nền kinh tế để vượt qua tình trạng xung đột kéo dài. Đối với tuyên bố này, hiện vẫn không rõ bên nào có lập luận mạnh mẽ hơn. Mỹ chắc chắn ít phụ thuộc vào thương mại hơn Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc, dù kinh tế suy yếu do sự lựa chọn đối với việc thực hiện các chính sách trong nước được ban hành trước chiến tranh thương mại, thì vẫn có công cụ tài chính, tiền tệ và tín dụng mạnh hơn.

Trong mọi trường hợp, cả 2 bên đều nhận ra rằng họ đang giữ một "khẩu súng" kinh tế chĩa vào đầu nhau. Do đó, dù muốn có vị thế chính trị cao hơn, thì cả ông Tập và ông Trump đều muốn đạt được một thoả thuận. Hơn nữa, họ còn cần điều đó xảy ra trước thời điểm cuối năm nay, để ngăn chặn những tổn thất từ vòng thuế quan tiếp theo có hiệu lực vào ngày 15/12. Đây là khoảng thời gian ngắn, nên cả 2 bên đều phải thực hiện các bước tiến cơ bản và thực chất ngay lập tức.

Đầu tiên, Trung Quốc nên đề xuất một thoả thuận giống như bản dự thảo 150 trang được đưa ra từ trước, nhưng có những sửa đổi để đáp ứng 3 "dòng chữ đỏ". Cụ thể, nước này nên xoá bỏ các điều khoản của Mỹ trong việc giữ lại thuế quan sau khi thoả thuận được ký kết và cả việc đơn phương áp thuế trả đũa của Mỹ nếu họ kết luận rằng Trung Quốc không tôn trọng thoả thuận. Ngoài ra, họ nên bổ sung thêm một cam kết rằng Trung Quốc sẽ thực thi thoả thuận theo cách phù hợp với quy trình lập hiến, lập pháp và lập quy.

Thứ hai, Trung Quốc nên sửa đổi đề nghị ban đầu của họ về việc giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại song phương theo thời gian. Yếu tố được đưa ra trong cuộc đàm phán này dựa trên tình trạng trì trệ của nền kinh tế, nhưng lại quan trọng đối với ông Trump cả về chính trị lẫn cá nhân.

Thứ ba, khi Trung Quốc muốn tránh việc loại bỏ các khoản trợ cấp của nhà nước cho các doanh nghiệp trong nước, họ phải giữ lại quy định hiện hành của bản dự thảo về thoả thuận trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và cấm chuyển giao công nghệ. Hơn nữa, khi thông báo chính thức, có thể rằng mỗi quốc gia sẽ tuyên bố về vị thế của mình trong chính sách công nghiệp nhà nước đi kèm với việc ký kết thoả thuận. Tuyên bố này thậm chí có thể chỉ rõ các cơ chế trọng tài trong nước và quốc tế - sẽ được sử dụng để thực thi tất cả các luật liên quan về tính trung lập cạnh tranh.

Cựu Thủ tướng Australia: Vì lợi ích của cả hai nền kinh tế, ông Trump và ông Tập sẽ sớm hạ mình đặt bút ký thoả thuận thương mại! - Ảnh 2.

Thứ tư, cả 2 bên phải tạo ra một bầu không khí chính trị tích cực. Trong những tuần gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này có thể diễn ra, bao gồm việc Trung Quốc tăng mua đậu nành của Mỹ hồi tháng 9. Điều này phần nào sẽ xoa dịu tâm lý căng thẳng của nông dân mỹ. Tuy nhiên, mới đây 2 bên lại đưa ra những động thái có thể khiến tiến trình đi tới thoả thuận khó khăn hơn. Hôm 8/10, Mỹ đã đưa 8 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen và hạn chế cấp visa cho một số quan chức Trung Quốc. Để đáp trả, Trung Quốc tuyên bố sẽ không "ngồi yên".

Thứ năm, cả 2 bên nên coi Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 14 - 16/11 tại Santiago là cơ hội cuối cùng để ký kết thoả thuận. Sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi tháng này, các vấn đề nổi cộm nên được thống nhất tại Bắc Kinh vào đầu tháng 11. Việc hoàn tất thoả thuận trước Lễ Tạ ơn sẽ rất quan trọng để thúc đẩy niềm tin kinh doanh và người tiêu dùng Mỹ đối với mùa Giáng sinh.

Tôi là một trong số ít những nhà bình luận đã tranh luận cả năm nay rằng, dù có những mâu thuẫn trong chính trị, nhưng lợi ích cơ bản của cả ông Trump và ông Tập khiến cho thoả thuận này sẽ có cơ hội được ký kết hơn. Tuy nhiên, vụ kiện luận tội được thực hiện gần đây nhằm chống lại ông Trump có thể "ném quả tạ" vào tiến trình này. Quyền lực của tổng thống suy yếu có thể sẽ khiến ông Trump cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc, vượt cả nhu cầu về kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, ông Trump vẫn không thể chấp nhận rủi ro về một cuộc suy thoái vào năm 2020. Điều này có nghĩa là, một thoả thuận vẫn có khả năng xảy ra nhiều hơn là không.

Tuy nhiên, việc 2 bên không thể giải quyết được mâu thuẫn trong 2 tháng quan trọng tiếp theo vẫn có thể khiến toàn bộ tiến trình này sụp đổ. Cả Mỹ và Trung Quốc đã dành nhiều thời gian cho kế hoạch B vào năm 2020: tung ra tất cả những vũ khí tàn phá của cuộc chiến kinh tế, kích động tâm lý dân tộc và đổ lỗ cho phía bên kia về những tổn thất. Nếu điều đó xảy ra, nguy cơ suy thoái ở Mỹ, châu Âu và Úc vào năm tới sẽ ở mức cao, dù Trung Quốc sẽ tìm cách làm dịu những biến động trong nước thông qua kích thích tài chính và tiền tệ. Sự lựa chọn của Mỹ và Trung Quốc là rất rõ ràng. Đối với các nước khác trên thế giới, rủi ro không thể cao hơn nữa. 

Hương Giang

PS

Trở lên trên