MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng: Khách sạn ồ ạt mọc lên như nấm, người dân càng được hưởng lợi

24-07-2017 - 14:21 PM | Bất động sản

Dự án khách sạn từ bình dân đến cao cấp đang mọc lên như nấm ở Đà Nẵng, khiến nhiều chuyên gia dự báo hiện tượng cung vượt quá cầu rất dễ xảy ra.

Trải dài bãi biển Mỹ Khê, trong những năm gần đây, rất nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4-5 sao được xây dựng. Bên cạnh đó, hàng trăm khách sạn khác từ 1-3 sao cũng đua nhau mọc lên. Dọc các tuyến đường từ Hoàng Sa về Võ Nguyên Giáp đến Trường Sa, nhiều khách sạn lớn đang tiếp tục được xây dựng.

Nhiều tuyến đường ở Sơn Trà đang biến thành các khu phố khách sạn, điều này làm gia tăng quá tải và áp lực về hạ tầng, nhất là giao thông. Đơn cử như đường Hà Bổng chỉ dài vài trăm mét có đến 50 khách sạn lớn, nhỏ. Nhiều lần chính quyền xử lý xe du lịch dừng đón, trả khách tại các hàng quán ven đường Hoàng Sa nhưng khó cải thiện, vì thực tế tài xế khó tìm được vị trí đỗ xe hợp lý.

Tương tự, trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Hà Bổng, Nguyễn Văn Thoại, Hoàng Sa, Trường Sa, Hoàng Kế Viêm, Lê Quang Đạo, Ngô Thì Sĩ, Trần Bạch Đằng, Phan Tứ, Phạm Văn Đồng...giao thông ngày càng trở nên đông đúc.

Anh Trần Đức Hạnh (trú phường Phước Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết chưa bao giờ thấy cảnh khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm như hiện nay. “Họ xây rất nhiều. Người dân chúng tôi ở đây không biết xây lên thì có khách ở không nhưng chỉ biết là giá đất gần biển hiện nay tăng rất cao. Nhiều người đến hỏi mua đất trống nhưng tất cả đều đã có chủ”, anh Hạnh nói.

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết tình trạng bùng nổ thị trường khách sạn dưới 3 sao đã từng được cảnh báo trước từ năm 2015. Phân khúc này hiện đang quá tải nhưng phân khúc khách sạn 4 – 5 sao vẫn đang thiếu.

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, công suất phòng trung bình của những khách sạn 1 – 3 sao chỉ khoảng từ 40-45%. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh về giá. Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, công suất phòng bình quân toàn khối khách sạn 3 sao đạt 46%, nhóm 1-2 sao chỉ đạt khoảng 25-30%. Dịp lễ pháo hoa Đà Nẵng vừa qua cũng chứng kiến tình trạng thừa phòng của các khách sạn thấp sao ở Đà Nẵng. Theo đó, tình trạng cháy phòng, nâng giá không còn diễn ra như các năm trước.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng ngành du lịch Đà Nẵng vài năm gần đây đang phát triển rất nóng. Bởi nhìn đâu cũng thấy dự án khách sạn nhiều quá mức, nhất là khách sạn 1 – 3 sao. Do đó, nếu khách du lịch không đến thì những khách sạn này sẽ hoạt động như thế nào, công ăn việc làm của người lao động sẽ như thế nào.

Còn theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, tình trạng phát triển nóng của phân khúc khách sạn 1 – 3 sao đang lan rộng ra tại nhiều quận khác trên địa bàn chứ không còn co cụm tại các tuyến đường ven biển. Sở Du lịch đã có khuyến cáo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp về việc phát triển ồ ạt phân khúc này từ năm 2015 nhưng tình trạng dự án mọc lên vẫn không dừng lại.

Tuy nhiên, bà Hạnh khẳng định việc đầu tư là quyền của doanh nghiệp. Khách hàng sẽ được hưởng lợi khi càng có nhiều khách sạn, nhà nghỉ thì để tồn tại họ phải cạnh tranh về chất lượng, cung cách phục vụ, giá cả. “Doanh nghiệp được phép đầu tư các lĩnh vực mà luật pháp không cấm. Sở Du lịch có trách nhiệm khuyến cáo chủ đầu tư nhưng quyền quyết định vẫn của họ. Chúng tôi cho rằng dù phát triển nóng nhưng các doanh nghiệp, khách sạn làm ăn chất lượng sẽ sống tốt. Thị trường sẽ đánh giá doanh nghiệp.Chúng ta đã tham gia nền kinh tế thị trường nên hãy để thị trường quyết định”, bà Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, hiện Sở Du lịch cũng đang lập đề án quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030. Đề án này sẽ giúp chính quyền Đà Nẵng có cái nhìn rõ nét và quản lý cụ thể hơn việc phát triển khách sạn, nhà nghỉ thấp sao.

Được biết, để hạn chế tình trạng phát triển khách sạn, nhà nghỉ tràn lan, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tăng cường yêu cầu về diện tích đậu, đỗ xe khi cấp giấy phép xây dựng các dự án cơ sở lưu trú theo quy chuẩn xây dựng VN 01: 2008/BXD. Theo đó, đối với khách sạn 3 sao trở xuống quy định 8 phòng ngủ/1 chỗ đậu xe, đối với loại hình dịch vụ thì 100m2 sử dụng/1 chỗ đậu ô-tô, diện tích 1 chỗ đậu xe là 25m2.

Hiện nay, ngoài bãi đỗ xe ngầm 2 tầng phía nam Trung tâm Hành chính thành phố, còn một số bãi đỗ xe công cộng khác như: khu vực cảng Đà Nẵng cũ, kênh Thuận Phước và dọc tuyến đường Như Nguyệt, hai bên Công viên Biển Đông...

Tuy nhiên, số lượng bãi đỗ xe chưa theo kịp mức độ phương tiện giao thông tăng, đặc biệt là ô-tô cá nhân. Trước tình hình này, Sở GTVT đã đề xuất phương án đầu tư xây dựng 4 bãi đỗ xe công cộng lắp ghép, cải tạo vịnh đỗ xe và kẻ vạch đỗ xe trên đường; đồng thời, tổ chức triển khai việc thu phí trông giữ xe tại 6 vị trí theo hình thức đấu giá thuê đất làm bãi giữ xe, trả tiền hằng năm.

Ngoài ra, thành phố đang thức hiện quy hoạch 4 vịnh đỗ xe trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà. Hiện nay, 1 vịnh đỗ xe trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn ở vỉa hè phía đông đường Võ Nguyên Giáp, vị trí phía nam đường Hoàng Kế Viêm tại khu vực hầm đi bộ qua đường đối diện số nhà 300 Võ Nguyên Giáp đã được hoàn thành theo hình thức xã hội hóa.

Đối với 3 vịnh đỗ xe trên địa bàn quận Sơn Trà, hiện. Sở GTVT đang triển khai chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2017.

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên