Đà Nẵng ra tối hậu thư với các dự án ì ạch
Có đến hơn 200 dự án tại Đà Nẵng cần chốt tiến độ đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng trong năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.
- 04-02-2023Nhiều dự án lớn ở Cần Thơ chậm tiến độ
- 17-01-2023Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo nóng về các dự án chậm tiến độ
- 16-01-2023Loạt dự án ở Phú Yên chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch đền bù giải tỏa (ĐBGT) 202 dự án trên địa bàn thành phố năm 2023. Trong số này có nhiều dự án chậm giao mặt bằng từ nhiều năm qua.
Vướng mắc đền bù, tái định cư
Quyết định này chia 202 dự án ra thành 3 nhóm, trong đó có nhóm I/2018 gồm 6 dự án đã cam kết hoàn thành ĐBGT năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, trong kế hoạch mới nhất, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu tiến độ ĐBGT phải hoàn thành trước ngày 30-4 để phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện hạ tầng.
Theo đó, 6 dự án trên đều nằm ở địa bàn quận Liên Chiểu, gồm: Khu Du lịch sinh thái Nam Ô còn 1 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng; Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu còn 20 hồ sơ; dự án Kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly còn 1 hồ sơ; dự án khu số 1 trung tâm đô thị mới Tây Bắc còn 2 hồ sơ; khu tái định cư Hòa Hiệp 3 giai đoạn 2 còn 5 hồ sơ và khu tái định cư Hòa Hiệp mở rộng phía Nam nhà máy nước còn 3 hồ sơ. Liên Chiểu là địa bàn "nóng" về việc ĐBGT với tổng cộng 49 dự án. Công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian bởi tác động trực tiếp đến quyền lợi người dân.
Nguyên nhân chậm trễ có thể kể ra như người dân không tự nguyện chấp hành bàn giao mặt bằng, khâu đền bù tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân… Bên cạnh đó, vướng mắc do xây dựng nhà trên đất không phải đất ở, không đủ điều kiện bố trí tái định cư cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ. Ngoài ra, không ít trường hợp chống đối khi nhận giá trị bồi thường đất thấp, không đủ tiền nộp tiền sử dụng đất cho lô đất tái định cư hoặc tiền đền bù nhà cửa, vật kiến trúc không đủ xây lại nhà mới sau giải tỏa. Trong khi đó, chính sách cho nợ tiền sử dụng đất theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP ngày 26-10-2019 của Chính phủ chỉ hỗ trợ đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khẳng định trong năm 2023, địa phương xác định việc tháo gỡ vướng mắc, vận động người dân bàn giao mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn quận như: dự án trục 1, dự án Làng Vân, dự án đường nối cảng Liên Chiểu… Đối với 6 dự án nhóm I/2018, UBND quận Liên Chiểu đã có kế hoạch chi tiết để bảo đảm ĐBGT đúng tiến độ thành phố giao. "Hiện quận đang hoàn thiện hồ sơ để có căn cứ xử lý hành chính đối với các trường hợp này" - ông Nguyễn Đăng Huy nói.
Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng
Đưa vào xếp loại thi đua
Để đốc thúc công tác ĐBGT các dự án, nhất là các dự án thuộc nhóm I/2018 và nhóm I/2023 hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết, UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận/huyện chỉ đạo lập kế hoạch chi tiết tiến độ ĐBGT hằng tuần, hằng tháng cho từng dự án. Các quận/huyện phân công cán bộ theo dõi dự án bám sát công việc, đôn đốc thực hiện.
Đáng chú ý, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu quận/huyện kiểm tra, xếp loại thi đua hằng tháng đối với các đơn vị và cá nhân liên quan đến công tác ĐBGT. UBND TP Đà Nẵng cũng giao các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án căn cứ kế hoạch chi tiết do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường quận/huyện lập, cử cán bộ phối hợp chặt chẽ trong công tác hoàn chỉnh các thủ tục về ĐBGT, tiếp dân, vận động bàn giao mặt bằng và hỗ trợ thi công cho từng dự án cụ thể. Các sở, ngành liên quan được giao tập trung ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc về ĐBGT, rút gọn trình tự thủ tục phù hợp với quy định để hỗ trợ giải quyết nhanh các công việc liên quan đến công tác ĐBGT.
"Kiên quyết xử lý cưỡng chế, thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật và không để kéo dài đối với các trường hợp đã được giải quyết đúng, phù hợp với quy định nhưng vẫn chây ì, chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án" - quyết định do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký, nêu rõ.
Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu giải ngân chậm
Ngày 7-2, UBND TP Đà Nẵng cho biết vừa ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Theo đó, Đà Nẵng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
TP Đà Nẵng sẽ rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý dứt điểm các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ, điều chuyển vốn đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ, không giải ngân được hoặc thừa vốn.
Người lao động