Đặc sản thanh trà Huế mất mùa nặng
Hạn hán kéo dài khiến cây thanh trà, đặc sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quả thanh trà chậm phát triển, mất mùa nặng.
- 15-08-2019Kem đánh răng Trung Quốc 'thần thánh' siêu tẩy trắng, nhắm mắt dùng liều
- 15-08-2019Nhà vườn trắng tay, lũ rác vùi chôn hàng tỷ đồng tiền rau, hoa
- 15-08-2019Chơi sang ăn đào Tây Ban Nha, ngã ngửa cú lừa hàng Trung Quốc
Phường Thủy Biều, thành phố Huế là nơi có diện tích trồng thanh trà lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, với hơn 145 ha. Năm nay, nhiều vườn thanh trà ở đây mất mùa nặng.
Theo thời vụ, khoảng đầu tháng 8, các nhà vườn bắt đầu thu hoạch thanh trà. Nắng nóng kéo dài, lượng nước cung cấp không đủ, rất nhiều cây bị khô héo, quả phát triển chậm, nhỏ, số lượng ít, hoặc nhiễm bệnh cây bưng mủ, rụng quả… gây thất thu rất lớn cho người trồng.
Nhiều hộ dân trồng thanh trà thất thu nặng.
Ông Đặng Văn Kế, một hộ dân trồng thanh trà ở phường Thủy Biều thành phố Huế lo lắng: "Đời sống đa số dân nông nghiệp ở đây chủ yếu sống nhờ cây thanh trà, mất mùa thanh trà về mặt kinh tế gia đình ảnh hưởng rất lớn. Năm ngoái, nhà tôi thu hoạch được khoảng gần 50 triệu đồng, nhưng năm nay dự thu chưa đến 20 triệu đồng".
Theo ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc HTX Thủy Biều, nắng hạn đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như số lượng của thanh trà: "Cây thanh trà giai đoạn phát triển mà gặp nắng hạn thì trái bị phát triển chậm. Cũng do nắng hạn làm mầm bệnh ủ sẵn ở trong đất phát triển mạnh hơn. Những khu vườn có lượng nước tưới không đầy đủ thì cây sẽ chết dần".
Hiện các vùng chuyên canh cây thanh trà tỉnh Thừa Thiên - Huế đều rơi vào tình cảnh tương tự. Cây lớn thì không đậu quả, cây nhỏ cứ chết dần, tỉ lệ cây chết từ 20% đến 30%.
Nhiều cây thanh trà đã bị chết vì nắng nóng và sâu bệnh.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 700 ha thanh trà tập trung chủ yếu ở các vùng chuyên canh phường Thủy Biều, thành phố Huế; phường Hương Vân, thị xã Hương Trà; xã Phong Thu, huyện Phong Điền... rất nhiều hộ trồng thanh trà có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Năm nay, nắng nóng kéo dài nên tỷ lệ đậu quả chỉ bằng 1/2 so với các năm trước. Mặt khác, nhiều loại bệnh xuất hiện trên cây thanh trà như bệnh xì mủ làm cho cây chảy mủ toàn thân, quả kém phát triển...
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Điện lực kéo điện về vùng trồng thanh trà, giúp bà con chủ động nước tưới.
Ông Hồ Vang cho biết: "Toàn tỉnh có khoảng 170 ha bị ảnh hưởng, bị chết, trong đó nhiều nhất là ở Hương Trà, Hương Thủy, thành phố Huế, Phong Điền. Những diện tích này do không chủ động được nguồn để tưới, bà con cũng chưa sẵn sàng chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để tưới do đó không đủ nước, trong đó có một số diện tích do nắng hạn, kết hợp với bệnh chảy gôm nên bị chết. Do thiếu nước nên bị rụng trái, trái nhỏ, năng suất của những vườn cây này giảm khoảng 20 đến 30% so với bình thường".
VOV