Đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về bảo mật thông tin ngân hàng
Theo đại biểu Quốc hội, bí mật thông tin ngân hàng được bảo vệ nghiêm ngặt, gắn với quyền được bảo vệ và các quy định cần phải chặt chẽ hơn nữa.
- 11-06-2023Sở hữu chéo tổ chức tín dụng, ai cũng biết nhưng rất khó để “chỉ mặt, đặt tên”
- 11-06-2023Thống đốc: Ngân hàng ở Mỹ lãi liên tiếp, nợ xấu thấp vẫn bị rút tiền hàng loạt
- 10-06-2023Giám đốc CA Hà Nội: Sở hữu chéo, thao túng lĩnh vực ngân hàng là vấn đề đáng lo ngại
Nhưng trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, đại biểu Quốc hội phân tích rằng có tới hàng chục ngàn người có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng. Đây là bất cập và cần siết lại.
Bảo mật càng chặt chẽ, uy tín càng cao
Tham gia thảo luận tại hội trường chiều 10/6, về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) có phần phân tích riêng về yêu cầu và giá trị, thực tiễn và đề xuất về các quy định bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng.
Trước hết, tại dự thảo lần này, quy định tại Điều 14 đã có mở rộng so với bộ luật của năm 2010: phạm vi bí mật là “thông tin khách hàng”, mang tính bao trùm, thay vì xác định cụ thể “thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn thêm, Khoản 3 Điều 14 tại dự thảo thì “tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng”, còn Khoản 2 nói phải bảo đảm bí mật thì theo quy định của Chính phủ. Những điểm này cần được xem xét.
Đại biểu Nghĩa đặt vấn đề, theo thông lệ quốc tế, một số ngành nghề mà bí mật thông tin khách hàng được bảo vệ rất nghiêm ngặt bằng hiến pháp và bằng luật. Thứ nhất là ngành ngân hàng, thứ hai là ngành y, thứ ba là nghề luật sư.
Vì sao như vậy? Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, vì bí mật của ngành ngân hàng thuộc về bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật riêng tư; và bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một quyền con người được ghi nhận trong công ước quốc tế, Việt Nam là thành viên.
Cũng chính vì vậy, khi xây dựng Hiến pháp 2013, tại Điều 21 đã ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Điều 14 của Hiến pháp 2013 ghi: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
“Nhưng ở đây chuyện cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng thì rõ ràng là hạn chế quyền con người được bảo vệ thông tin. Ở Điều 14 chúng ta lại quy định là theo quy định của Chính phủ hoặc là theo quy định của pháp luật là không đầy đủ và ngân hàng chúng ta cũng cần phải cạnh tranh quốc tế. Chúng ta hội nhập rất sâu rồi, cho nên quy định bảo vệ thông tin khách hàng càng chặt chẽ thì uy tín chúng ta càng cao và ngân hàng của chúng ta càng phát triển”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Không mở rộng kiểu hàng chục nghìn người được yêu cầu
Với những điểm phân tích trên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần sửa lại Điều 14 trong dự thảo là chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, chứ không phải là pháp luật.
Cũng theo Đại biểu Nghĩa, khi xây dựng Nghị định 117 năm 2018 (về giữ bí mật thông tin khách hàng của ngân hàng) có một ý rất hay mà rất đúng: chỉ được cung cấp thông tin khách hàng theo các quy định cụ thể của của bộ luật, của luật và nghị quyết của Quốc hội.
“Câu này rất chuẩn vì đó là hạn chế quyền con người. Cho nên khi nào bộ luật, luật và nghị quyết của Quốc hội cho phép thì mới được làm việc đấy. Điều 11 này của Nghị định 117, chúng tôi đề nghị đưa nó vào Điều 14 của Luật Các tổ chức tín dụng để chúng ta thống nhất áp dụng bằng luật”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng đề nghị chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến những vụ án đang được khởi tố, điều tra và những nội dung yêu cầu cũng là cần thiết cho việc điều tra, tránh tình trạng “bỗng dưng có công văn đến yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng”.
Dẫn lại Nghị định 117 nói trên, Đại biểu Nghĩa nêu một thực trạng đáng chú ý gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại. Cụ thể, theo Điều 10 Nghị định 117 thì diện được cung cấp thông tin mở rộng đến tận thành viên đoàn thanh tra của Chính phủ, thành viên đoàn kiểm toán; các cơ quan điều tra thì mở rộng xuống cấp huyện; các cơ quan có nhiệm vụ điều tra như kiểm ngư, kiểm lâm, hải quan…
“Tôi tính ra phải hàng chục ngàn người có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu thực trạng và đề nghị điều chỉnh lại, đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng những đối tượng nào được yêu cầu.
Đề nghị không quy định NHNN có thẩm quyền điều tra
Ở một nội dung khác của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tham gia thảo luận chiều 10/6, Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an Hà Nội (đoàn TP.Hà Nội) nêu ý kiến về khoản 1 Điều 191 dự thảo Luật quy định về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng.
“Hoạt động điều tra thuộc hệ thống các cơ quan tư pháp được quy định trong Hiến pháp, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; trong đó không quy định NHNN thuộc cơ quan điều tra hay cơ quan được giao một số hoạt động điều tra. Do vậy, đề nghị không quy định NHNN có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng”, Đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị.
Cùng quan điểm, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến: “Đây là một chế định mới hoàn toàn so với luật hiện hành. Tuy nhiên, việc này theo tôi cần cẩn trọng xem xét vì các thể chế pháp lý hiện nay về thanh tra, điều tra độc lập rất cần thiết. Các thiết chế của bộ máy nhà nước chúng ta hiện nay cũng đã đủ công cụ và độc lập cho việc tổ chức điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng, cụ thể là cơ quan điều tra của Bộ Công an”.
Theo Đại biểu Tuyết, việc quy định thêm nhiệm vụ này trong luật cần được đánh giá và cân nhắc, bởi việc điều tra nên được giao cho một cơ quan chức năng độc lập có đủ bộ máy, nhân lực, nghiệp vụ hơn là giao cho cơ quan NHNN. Cơ quan NHNN sẽ thực hiện công tác thanh tra, giám sát. Qua thanh tra, giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự thì có thể chuyển sang cơ quan điều tra của Bộ Công an.
“Chúng ta hội nhập rất sâu rồi, cho nên quy định bảo vệ thông tin khách hàng càng chặt chẽ thì uy tín chúng ta càng cao và ngân hàng của chúng ta càng phát triển” - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: FTalk - Chuyên gia talk
Xem tất cả >>- VDSC: Phát hành tín phiếu không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng không gian để nới lỏng thêm tương đối hạn chế
- Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023, 2024
- Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’
- Liệu có cơ hội đầu tư cổ phiếu bảo hiểm khi lãi suất tiền gửi giảm sâu?
- Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân 'đổ tiền' vào đâu?