MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại dịch Covid-19 phủ "bóng đen" lên bức tranh lợi nhuận ngành thủy sản

28-01-2021 - 10:39 AM | Thị trường

Đại dịch Covid-19 phủ "bóng đen" lên bức tranh lợi nhuận ngành thủy sản

Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đã công bố kết quả kinh doanh đều ghi nhận lợi nhuận tụt dốc, thậm chí báo lỗ trong năm qua.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2020. Nhu cầu trên thế giới giảm đáng kể đối với các sản phẩm thủy sản, khiến giá rơi xuống các mức thấp mới điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản. Những cái tên đã công bố báo cáo tài chính hầu hết đều ghi nhận lợi nhuận tụt dốc, thậm chí báo lỗ trong năm qua.

Năm 2020, doanh thu của Vĩnh Hoàn (mã VHC) đạt 7.037 tỷ đồng, giảm 10,6% tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 40% so với năm trước, xuống gần 705 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng co lại đáng kể từ mức 19,5% xuống còn 14,2%.

Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên bức tranh lợi nhuận ngành thủy sản - Ảnh 1.

Tương tự, Thủy sản Nam Việt (Navico – mã ANV) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh so với năm trước. Doanh thu thuần giảm 23% xuống 3.440 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế "bốc hơi" 77% so với năm trước, còn 202 tỷ đồng Dù vậy, doanh nghiệp thủy sản này vẫn vượt 15% kế hoạch doanh thu và 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm nhờ đạt kế hoạch thấp so với thực hiện năm trước.

Trong khi đó, Camimex Group (mã CMX) dù ghi nhận doanh thu tăng tới 49% lên 1.417 tỷ đồng nhưng giá vốn thậm chí còn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận giảm 18% xuống 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 49 tỷ đồng, tăng 19%. Kết quả này giúp Camimex vượt kế hoạch doanh thu nhưng chỉ thực hiện được phân nửa mục tiêu lợi nhuận.

Là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Thủy sản Mekong (mã AAM) liên tiếp báo lỗ trong 3 quý cuối năm 2020. Kết quả này đẩy lỗ ròng cả năm lên gần 12 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 8 tỷ đồng. Doanh thu cả năm của doanh nghiệp này cũng giảm gần một nửa so với cùng kỳ xuống 121 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8, trong đó thuế nhập khẩu của EU được giảm ngay lập tức đối với tôm nguyên liệu (từ 4,2% xuống 0,0%) và cá tra (từ 5,5% xuống 4,1%).

Theo đánh giá của SSI Research, đối với cá tra, mức giảm thuế không đáng kể không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của nhu cầu từ EU, và xuất khẩu cá tra sang EU phục hồi rất chậm tới cuối năm. Ngược lại, hiệp định tác động tích cực tới xuất khẩu tôm kể từ tháng 8, khiến giá trị xuất khẩu hàng tháng liên tục tăng trưởng so với cùng kỳ tính đến tháng 10.

Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên bức tranh lợi nhuận ngành thủy sản - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát hải sản nhập khẩu bắt đầu từ đầu tháng 11, gây ra sự ách tắc tại các cảng biển của Trung Quốc. Theo VASEP, thời gian thông quan theo chính sách mới sẽ mất thêm 20-30 ngày, gây áp lực cho các công ty xuất khẩu do việc giao hàng bị chậm và chi phí cho container lạnh tăng.

XUẤT KHẨU KHÓ TĂNG TRƯỞNG MẠNH NĂM 2021?

SSI Research đánh giá ngành thủy sản có độ nhạy cao với đại dịch do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra cả cơ hội và thách thức và giá bán bình quân giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là nhu cầu ở kênh nhà hàng.

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%. Trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng 15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD, tiếp theo là cá tra tăng trưởng 5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD và các sản phẩm thủy sản khác tăng trưởng 6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau Covid-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam.

Bộ phận nghiên cứu CTCK này cho biết, các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ. Đồng thời lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn (chỉ 3-4 tháng), và ước tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU (đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam) sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.

Theo SSI Research, các công ty xuất khẩu có chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) có thể nhận thấy nhiều cơ hội hơn để mở rộng tại thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực xuyên suốt năm. Giá bán bình quân có thể tăng khi nhu cầu tăng dần lên, hỗ trợ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.

Đối với cá tra, SSI Research ước tính sự phục hồi cả về sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong cả năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021 khi vắc xin được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và EU, điều này có thể khuyến khích tiêu thụ thủy sản tại kênh nhà hàng.

Theo Thanh Hà

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên