MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại diện Nam Long (NLG): Thị trường bất động sản chững lại không giống khủng hoảng thừa cung Thái Lan

20-12-2018 - 14:45 PM | Doanh nghiệp

Riêng năm 2018, Nam Long dự kiến doanh thu đạt 3.514 tỷ doanh thu và 704 tỷ lợi nhuận sau thuế cho cổ đông. Ông Châu Quang Phúc – Giám đốc Khối Tài chính NLG – cho biết với tình hình triển khai dự án tính đến trung tuần tháng 12, ước tính doanh thu và lợi nhuận sẽ có điều chỉnh theo hướng tích cực.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản theo nhiều báo cáo cho thấy một sự chững lại sau thời gian tăng trưởng khá nóng. Nguyên nhân do room tín dụng cho lĩnh vực này đang bị hạn chế siết chặt, đây cũng là chủ trương chung đã, đang và dự kiến tiếp tục sẽ thực hiện. Kết quả là, mặc dù nhu cầu thị trường luôn hiện hữu, nếu không muốn nói là khá lớn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland (NVL), Hưng Thịnh… đưa sản phẩm ra thị trường với tốc độ tương đối chậm, điển hình từ đầu năm đến giờ không có dự án nào phê duyệt mới ở Tp.HCM.

Nhiều câu hỏi về khả năng sinh lời được dư luận đặt ra cho các đơn vị phát triển dự án, trong đó có Nam Long Group (NLG) – một tên tuổi tương đối trên thị trường. Trả lời tại buổi gặp gỡ đầu tư mới đây, đại diện NLG khẳng định để bàn về thị trường bất động sản hiện nay phải chia tách làm 2 câu chuyện. Trong đó, nổi bật lên câu chuyện sức mua và nhu cầu của thị trường bất động sản Việt Nam.

Bất động sản Việt Nam mang hình hài thị trường Nhật Bản những năm 70

Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là cơ hội rất lớn cho nhà phát triển bất động sản khi dư địa vẫn còn dồi dào, đặc biệt Tp.HCM nói riêng. Thống kê cho thấy, dân số chỉ tính ở Tp.HCM hiện đang ở mức 10-13 triệu người, tức gấp 5-6 lần so với con số những năm 1975. Chưa kể, nếu tính chung hết bao gồm các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… thì dân số phía Nam nói chung lên đến 15 triệu người, như vậy Tp.HCM hiểu nôm na là một "siêu đô thị" trong đó dân nhập cư chiếm tỷ trọng lớn, và lực lượng lao động trẻ là đa số.

So sánh với Băng Cốc (Thái Lan) – nơi là thị trường bất động sản đã liên tục tăng trưởng mạnh 14 năm qua, dân số đâu đó ngang bằng với Tp.HCM. Trong khi tương quan về dân số, tuy nhiên lượng cung căn hộ Tp.HCM bình quân khoảng mười mấy ngàn đơn vị mỗi năm, chưa bao giờ đạt mốc 100.000 căn hộ/năm. Bấy nhiêu đó đủ thấy dư địa phát triển thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng còn rất tiềm năng.

Bổ sung thêm, đại diện NLG cho biết nhà đầu tư Nhật sở dĩ liên tục rót vốn vào bất động sản Việt Nam thời gian qua bởi họ đánh giá cao tiềm năng nước ta. "Nhà đầu tư sở tại nhìn thấy một Nhật Bản của thập niên 70 ở thị trường Việt Nam hiện tại, tức nhu cầu cao, sức mua lớn…", vị này chia sẻ thêm.

Đóng băng thị trường bất động sản Việt Nam chỉ đơn thuần liên quan vấn đề tài chính

Và như vậy, trở lại với tình hình chững lại của thị trường bất động sản, nguồn cung đang bị hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhìn lại câu chuyện đóng băng thị trường giai đoạn 2009-2010, vấn đề thời điểm này cũng chỉ liên quan đến tài chính, tức Chính phủ siết chặt nguồn vốn tín dụng cho bất động sản. Và, điều này hoàn toàn khác với khủng hoảng thừa cung như thực tế tại các quốc gia lân cận, điển hình có Thái Lan.

Nhận thấy được vấn đề, NLG theo đó bước ra biên giới, liên kết đầu tư với đối tác nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Hiện, NLG đang đầu tư 3 khu đô thị đáng chú ý bao gồm: Mizuki (Bình Hưng – Bình Chánh, triển khai trong năm 2017) – đây là khu đô thị người Nhật chọn đầu tư, Water Point (Bến Lức - Long An, triển khai trong năm 2018) – khu đô thị sinh thái sông nước và Akari City (Võ Văn Kiệt – Bình Tân, triển khai trong năm 2018).

Đại diện Nam Long (NLG): Thị trường bất động sản chững lại không giống khủng hoảng thừa cung Thái Lan - Ảnh 1.

Chủ tịch NLG Nguyễn Xuân Quang.

Liên quan đến tình hình chung của thị trường, một số dự án tiêu biểu NLG có chậm tiến độ triển khai. Cập nhật đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch NLG Nguyễn Xuân Quang cho biết với dự án Akari City hiện đang thực hiện hoàn thiện thủ tục pháp lý. Việc chậm tiến độ thực tế cho chính sách vận hành thị trường chung còn nhiều bất cập, đồng thời công tác triển khai những hạng mục liên quan như PCCC… cũng khiến dự án chưa đúng với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện chính quyền Tp.HCM cùng với Hiệp hội BĐS đang nỗ lực tìm cách khai thông thị trường bất động sản, và dự kiến năm 2019 tình hình sẽ trơn tru hơn.

Còn với dự án Water Point tại Long An, hiện đang hợp tác với nhà đầu tư Nhật triển khai đúng với kế hoạch, dự án có tổng diện tích 360ha. Trong đó, giai đoạn 1 là 165ha, NLG cho biết dự kiến mở bán vào quý 2/2019.

Thông tin thêm, hai dự án vừa nhận chuyển nhượng từ đối tác bao gồm dự án 45ha tại Đồng Nai và dự án tại Hải Phòng, riêng dự án Đồng Nai đến nay đã hoàn tất giao dịch theo quy định, dự kiến NLG triển khai thành một khu đô thị mới.

Về NLG, giai đoạn 2019-2021, Tập đoàn kế hoạch đẩy mạnh dòng sản phẩm Flora – căn hộ biệt lập hướng đến khách hàng trung lưu có thu nhập trung bình khá – với dự kiến hơn 11.000 sản phẩm, tăng hơn 3 lần so với con số giai đoạn trước đó. Hai phân khúc còn lại là Ehome dự kiến triển khai 4.000 sản phẩm và con số cho Valora (cao cấp) là 4.800 căn.

Riêng năm 2018, NLG dự kiến doanh thu đạt 3.514 tỷ doanh thu và 704 tỷ lợi nhuận sau thuế cho cổ đông, đồng thuận tăng so với năm 2017. Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Châu Quang Phúc – Giám đốc Khối Tài chính NLG – cho biết với tình hình triển khai dự án tính đến trung tuần tháng 12, ước tính doanh thu và lợi nhuận sẽ có điều chỉnh theo hướng tích cực.

Đại diện Nam Long (NLG): Thị trường bất động sản chững lại không giống khủng hoảng thừa cung Thái Lan - Ảnh 2.

Giao dịch cổ phiếu NLG 6 tháng qua.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên