MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia bất động sản đổ về Hoà Bình đón sóng đầu tư nghỉ dưỡng ngoại ô

02-10-2019 - 15:33 PM | Bất động sản

Những ông lớn như FLC, Geleximco, T&T Group hay Phú Mỹ Hưng bất ngờ đổ bộ vào tỉnh Hoà Bình, nhưng không phải để phát triển bất động sản bán cho dân địa phương, mà nhắm đến nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng của dân Hà Nội.

Một làn sóng đầu tư mới đang ào ạt đổ về thị trường bất động sản Hoà Bình, nhưng không giống với những dòng vốn đổ vào đất nền các tỉnh vùng ven Hà Nội hay các địa phương ven biển, những đại gia như FLC, T&T Group hay Phú Mỹ Hưng lại đang tìm kiếm cơ hội đón đầu từ nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới.

Không khó để nhận ra hầu hết những dự án bất động sản được các doanh nghiệp lớn đề xuất đầu tư vào Hoà Bình trong thời gian gần đây đều gắn với yếu tố sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. 

Trong số đó, FLC đang theo đuổi dự án khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại huyện Yên Thuỷ có quy mô 690ha và tổng vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng. Hay Phú Mỹ Hưng vừa vay 1.700 tỷ đồng bằng cách phát hành trái phiếu cho tổ chức tài chính quốc tế IFC để phát triển khu đô thị sinh thái rộng hơn 400ha với 1.000 đơn vị nhà ở, 2 trường học quốc tế, 1 bệnh viện ở chân núi Viên Nam.

Không phải ngẫu nhiên những doanh nghiệp này đều hướng đến đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái ở Hoà Bình. Nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân ở Hà Nội ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh không khí ô nhiễm như trong mấy ngày gần đây, trong khi Hoà Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng nhưng chưa có dự án hoàn thiện nào thực sự quy mô như những khu nghỉ dưỡng biển.

Chính vì thế, dư địa để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô nói chung và Hoà Bình nói riêng còn rất lớn, nên những ông lớn bất động sản có tầm nhìn chiến lược như FLC, T&T Group, Phú Mỹ Hưng… sẽ không thể bỏ qua một thị trường đầy tiềm năng này.

Trên thực tế, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng phong cách staycation hay còn gọi là du lịch tại chỗ đã phổ biến ở những thành phố lớn trên thế giới và ngày càng rõ nét ở Hà Nội và TP. HCM. Theo xu hướng này, người dân ở những đô thị lớn thường dành những ngày nghỉ để du lịch ngay trong thành phố hoặc những vùng lân cận.

Nguyên nhân hình thành nên xu hướng nghỉ dưỡng staycation là do bầu không khí ngột ngạt ở những đô thị lớn, cộng với công việc căng thẳng khiến cho tinh thần tuột dốc, từ đó làm nảy sinh nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng để giải toả căng thẳng và tái tạo năng lượng. Với số lượng ô tô cá nhân tiêu thụ mỗi năm ở Việt Nam đang tăng lên chóng mặt, việc đi du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, thậm chí qua đêm ở vùng ngoại ô trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

So với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô cũng có nhiều lợi thế. Nếu đi du lịch biển thì phải sắp xếp trước cả tháng, đồ đạc lỉnh kỉnh, chi phí vé máy bay tốn kém. Trong khi đó, du lịch ở ngoại ô chi phí rẻ hơn vì chỉ cần có xe tự lái, cũng không mất thời gian chuẩn bị hành lý và sắp xếp công việc, di chuyển cũng dễ dàng. Đó là lý do tại sao những khu nghỉ dưỡng ở vùng ven Hà Nội trong thời gian gần đây đều "cháy phòng".

Bên cạnh xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng biển thì bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô được ví như "mỏ vàng" đã đến lúc khai thác. Tuy nhiên, không dễ chọn được vị trí để phát triển dự án, bởi khu nghỉ dưỡng bắt buộc phải thuận tiện về giao thông, cảnh quan đẹp, không gian sinh thái và đặc biệt là phải được phát triển và quản lý vận hành chuyên nghiệp không khác gì những khu nghỉ dưỡng biển hoặc khách sạn trong thành phố.

Xung quanh Hà Nội có một vài địa điểm thoả mãn được những yếu tố này như Đại Lải và Tam Đảo ở Vĩnh Phúc, khu vực Tràng An – Tam Cốc – Bích Động ở Ninh Bình và tỉnh Hoà Bình. Tuy nhiên, khu vực hồ Đại Lải và Tam Đảo hầu như không còn đất để phát triển những dự án quy mô, trong khi các Ninh Bình dù có cảnh đẹp nhưng cũng không dễ kinh doanh nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, Hoà Bình hội tụ đầy đủ những yếu tố lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Về tài nguyên du lịch, Hoà Bình có hệ thống cảnh quan sinh thái đặc sắc, với những địa danh lý tưởng cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái như núi Viên Nam, lòng hồ Hoà Bình, suối khoáng nóng Kim Bôi cùng những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường và Thái. Đặc biệt, với cảnh quan đặc sắc với nhiều đảo nhỏ trong lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình cùng hệ thống hang động, văn hoá phong phú đủ điều kiện để phát triển thành khu du lịch quốc gia,

Hoà Bình có lợi thế nằm liền kề Hà Nội, đi lại rất thuận tiện. Nhất là sau khi tuyến đường nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hoà Bình thông xe năm ngoái đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến trung tâm Hoà Bình xuống còn 1 tiếng. Bên cạnh đó còn có  cầu Văn Lang với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đã hoàn thành, kết nối Hoà Bình với Phú Thọ.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 22.000 tỷ đồng để xây dựng đường cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu, từ đó mở toang cánh cửa đưa Hoà Bình trở thành một trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc và cận kề Hà Nội. Mới đây, lãnh đạo 2 tỉnh Hoà Bình và Sơn La cũng đã họp bàn để đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường cao tốc này.

Thực tế, Hoà Bình từ lâu đã "lọt mắt xanh" các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng do tác động của khủng hoảng bất động sản mấy năm trước, nhiều dự án bị đình trệ hoặc phát triển manh mún. Tuy nhiên, một thế hệ các nhà đầu tư mới đang đổ về Hoà Bình, với những dự án có thiết kế khác biệt và gần gũi với thiên nhiên. 

Đơn cử như Công ty CP Nghỉ dưỡng Ngoại ô đang phát triển dự án Sakana Resort theo phong cách "tổ chim" giữa rừng cây rất độc đáo. Hay dự án Ohara Resort mang đậm phong cách Thiền của Nhật Bản. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn như FLC hay Geleximco phát triển những khu phức hợp, trong đó có những tiện ích giải trí đẳng cấp như sân golf.

Bình An

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên