Đại gia ô tô trong nước xin miễn thuế linh kiện để giảm giá xe
Chi phí sản xuất xe trong nước có thể cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia 10- 20% do phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu.
- 16-06-2017Giảm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô – chờ đợi hay không chờ đợi?
- 16-06-2017Bộ Tài chính sẽ đề xuất về chính sách thuế cho công nghiệp ô tô
- 15-06-2017Giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao gấp đôi Thái Lan, Singapore
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, đại diện Nhóm Công tác Công nghiệp Ô tô- Xe máy đã bày tỏ những khó khăn, vướng mắc khi tới 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khối ASEAN về 0%.
Ông Sumito Ishii, Tổng giám đốc công ty TNHH General Motors Việt Nam- Trưởng Nhóm công tác cho biết, hiện nay họ đang phải đương đầu với những bất lợi của nền sản xuất quy mô nhỏ nhỏ và trình độ công nghệ không đáp ứng được yêu cầu trong nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp xe ô tô.
Ảnh minh họa
Các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu. Điều này làm cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách về chi phí sản xuất có thể lên tới khoảng 10-20%, sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN vào năm 2018, làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe ô tô nguyên chiếc của ASEAN.
Theo nhóm công tác, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự vẫn còn rất nhỏ.
Hiện nay không có sự gia nhập đầy đủ của các công ty cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu và thị trường.
“Các nhà cung cấp toàn cầu không thể đầu tư mà không có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, liệu các nhà sản xuất ô tô có duy trì hay tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam hay không? Khi nào và tăng bao nhiêu? Cũng chưa có đủ cơ sở cho nhiều doanh nghiệp xem xét đến các hoạt động xuất khẩu”, ông cho hay.
Trưởng nhóm Công tác Công nghiệp Ô tô- Xe máy đề nghị: "Việt Nam cần tổ chức các cuộc họp hàng tháng với doanh nghiệp để cùng thảo luận các dự thảo chính sách cho ngành ô tô và báo cáo tiến độ lên Thủ tướng thường xuyên hơn".
Các nhà xây dựng chính sách nên tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách chi phí, giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất xe trong nước trong năm 2018.
Đồng thời hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong ngành ô tô, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu các nhà cung cấp và áp dụng các chính sách ưu đãi nhất định cho việc thực hiện tốt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư hiện có.
Đại diện Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) kiến nghị, để phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh hội nhập ASEAN vào năm 2018, Chính phủ cần có những chính sách bảo vệ thị trường ô tô trong nước.
Các chính sách liên quan đến công nghiệp ô tô và hỗ trợ cần nhất quán đồng bộ trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập, tạo yên tâm để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
Theo đại diện Thaco, các đề xuất trong dự thảo của Bộ Công Thương gần đây nếu được thông qua sẽ tạo thêm động lực mới cho ngành công nghiệp.
“Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ giảm về 0% từ ngày 1/1/2018 do vậy kiến nghị Chính phủ sớm giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD về 0%, hiện nay là 15-20% đối với linh kiện chưa sản xuất được trong nước và áp dụng thuế nhập khẩu ở mức cam kết đối với linh kiện đã sản xuất được để hỗ trợ sản xuất trong nước, giúp tạo việc làm, ổn định cho hơn 120.000 lao động trực tiếp trong ngành ô tô”, ông nói.
Bên cạnh đó, cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ % linh kiện phụ tùng được nội địa hóa góp phần giảm giá xe ô tô xuất xưởng tại Việt Nam.
Đồng thời có các biện pháp chống gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong việc xác định tỷ lệ nội địa hóa 40% đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp.
“Trước bối cảnh của nền kinh tế thế giới và thềm hội nhập khu vực ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố nội lực và có chiến lược khác biệt. Với sự hỗ trợ của chính phủ, Bộ ngành, các chính sách kịp thời, đúng đắn chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ”, đại diện Thaco cho hay.
Trước những kiến nghị Nhóm công tác, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định Việt Nam rất quan tâm đến ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, chúng tôi sẵn sàng bàn bạc các giải pháp trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0%, đặc biệt lưu ý chống gian lận thương mại để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng”, Thứ trưởng cho hay.
Infonet