"Đại gia" Thanh Hoá bỏ cọc, 2 biển số "siêu VIP" từng trúng hơn 45 tỷ đồng được mang ra đấu giá lại
Mặc dù trúng đấu giá cả 2 biển số "siêu VIP" với tổng giá trúng hơn 45 tỷ đồng nhưng người đàn ông ở Thanh Hoá đã chính thức bỏ cọc.
- 03-10-2023493 biển số đã được đấu giá với tổng số tiền là 214 tỷ đồng
- 02-10-2023"Đại gia" trúng biển số xe "siêu đẹp" 51K-888.88 với hơn 32 tỉ đồng bỏ cọc?
- 02-10-2023Bắc Ninh đấu giá 19 biển số đẹp thu hơn 10 tỷ đồng nộp ngân sách
Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam vừa có thông báo về danh sách các biển số chuẩn bị được đưa ra đấu giá. Đáng chú ý trong danh sách này có 6 biển số đã được đấu giá hôm 15/9 do các khách hàng bỏ cọc và có 2 biển số VIP từng được 1 khách hàng trúng đấu giá lên đến hơn 45 tỷ đồng.
Cụ thể, trong danh sách được công bố đã xuất hiện các biển số của phiên đấu giá thứ nhất hôm 15-9 gồm: 51K-888.88 (TP.HCM, giá trúng trước đó 32,340 tỉ đồng); 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, 13,075 tỉ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỉ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỉ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỉ đồng).
Theo công bố, các biển số này sẽ được đưa ra đấu giá trong tháng 10. Như vậy, 6/11 biển số được đấu giá trong phiên đầu tiên không được người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Trước đó, ngày 15/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức phiên đấu giá đầu tiên 11 biển số được đấu giá thành công với tổng số tiền trúng đấu giá là 82 tỉ đồng. Trong đó, biển số ngũ quý "siêu VIP" 51K-888.88 (TP HCM) đã gây xôn xao dư luận khi được "đại gia" đấu giá lên tới hơn 32 tỉ đồng và biển 30K-567.89 (Hà Nội) giá trúng cao nhất 13,075 tỉ đồng.
Được biết, người trúng đấu giá cả 2 biển số này với tổng giá 45,415 tỉ đồng là một người đàn ông ở Thanh Hoá.
Theo quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng đã đặt trước) vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Tuy nhiên, đến hết ngày 30/9 thì người trúng đấu giá trên vẫn "bặt vô âm tín" và hiện nay đã có thông tin chính thức bỏ cọc.
Theo quy định, người trúng đấu giá đã không thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo thời gian quy định nên kết quả trúng đấu giá này đã bị hủy. Biển số này được đưa ra đấu giá lại.
Nhiều người yêu cầu "phải có chế tài"
Sau khi thông tin người đấu giá bỏ cọc, nhiều biển số đẹp mang ra đấu giá lại, nhiều người bày tỏ quan điểm bất bình và đề nghị phải có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc để tránh mất thời gian của nhà nước.
Bên cạnh đó, cũng có độc giả đặt câu hỏi về việc tại sao công ty đấu giá không liên hệ người đặt giá cao thứ 2, thứ 3 để mời họ mua, mà phải tổ chức đi đấu giá lại, vừa tốn kém vừa mất thời gian? Nếu người thắng đấu giá vì cố ý bỏ cọc, hay do khách quan không đủ điều kiện hoàn thành mua biển số thì vẫn còn những người tham gia khác chấp nhận tham gia và đã ra giá trong cuộc đấu giá trước rồi.
Độc giả Minh Tuấn nêu ý kiến về chế tài cho các "đại gia" bỏ cọc: "Nên có hình phạt cho người thắng đấu giá mà không hoàn tất nghĩa vụ thanh toán, chẳng hạn như cấm người đó (theo số CCCD) không cho tham gia đấu giá biển số trong 3 năm. Như vậy mới hạn chế được tình trạng "làm giá ảo"."
Hay độc giả tên Trần Văn Chung thì cho rằng: "Người trúng đấu giá mà bỏ không lấy nữa phải phạt thêm 10-20% giá trị trúng đấu giá, để hạn chế người bỏ cọc và đi vào giá trị thực cho người có nhu cầu thật".
Chia sẻ về vấn đề này trước đó, ông Nguyễn Quang Nhật- cán bộ Cục Cảnh sát giao thông cho biết theo quy định của Luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, nghị quyết 73, nghị định 39 của Chính phủ về thí điểm đấu giá biển số ôtô, nếu trường hợp bỏ cọc thuộc trường hợp hủy đấu giá thì biển số đó sẽ được đưa lại để tiếp tục đấu giá. Cùng với đó, cá nhân bỏ cọc sẽ bị mất tiền cọc (40 triệu đồng).
Như vậy, hiện nay với các trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền vẫn chưa có cơ chế xử phạt, ngoài chuyện mất 40 triệu đồng tiền cọc.
Theo Cục CSGT, việc người dân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc không lấy biển số, tuy không bị xử lý nhưng sẽ gây mất thời gian và tâm lý e ngại cho những người có nhu cầu thực tế.
Phụ nữ mới