Đại gia trang sức lập đỉnh doanh thu giữa "cơn sốt" giá vàng, giảm hơn 2.000 tỷ nợ vay xuống mức thấp nhất trong nhiều năm
Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này trong quý 1 dương hơn 1.887 tỷ đồng, cải thiện thêm 35% so với cùng kỳ năm trước.
BCTC quý 1/2024 của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) ghi nhận mức doanh thu thuần tiếp đà tăng trưởng 29% lên ngưỡng 12.594 tỷ đồng. Con số này đã xác lập mức doanh thu kỷ lục trong một quý của doanh nghiệp này xuyên suốt lịch sử hoạt động.
Xét về cơ cấu doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2024, trong khi trang sức bán lẻ và bán sỉ đạt mức tăng trưởng ổn định khoảng 8-12% so với cùng kỳ, thì mảng vàng 24K (vàng 9999) chứng kiến sự bứt phá khi doanh thu tăng 66,3% so với cùng kỳ. Theo đó, kênh bán vàng 9999 đã đem về gần 520 tỷ đồng doanh thu cho PNJ trong quý 1, tương đương tỷ trọng 41%, cao hơn đáng kể mức gần 32% của cùng kỳ năm trước.
Theo PNJ, việc khách hàng giao dịch vàng 24K sôi động và công ty cũng đồng thời thu hút nhiều khách hàng mới mua các sản phẩm Tài Lộc, 24K giúp cải thiện mạnh nguồn thu. Điều này dễ hiểu khi giai đoạn vừa qua chứng kiến việc giá vàng liên tục lập đỉnh cao mới, đặc biệt là vàng miếng, vàng nhẫn. So với hồi đầu năm, mỗi lượng vàng miếng đắt hơn khoảng 14% còn vàng nhẫn tăng gần 20%.
Dù vậy, cần lưu ý rằng giá vàng tăng cao ảnh hưởng phần nào tới chi phí đầu vào của PNJ, cộng thêm biên lãi mảng vàng 24K không cao bằng trang sức. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vàng Phú Nhuận cho biết, giá vốn của Vàng Phú Nhuận sẽ biến động theo giá nguyên liệu, vì tỷ trọng đang chiếm khoảng 50%, và công ty sẽ có điều chỉnh giá khi biến động hơn 5%. Bà Dung cho biết việc giá vàng tăng "nóng" thời gian qua là vấn đề "cân não" đối với công ty do phải bảo toàn tài sản và nguồn nguyên liệu đầu vào. Thậm chí, đã có lúc công ty phải giảm nhịp độ sản xuất khi giá vàng biến động mạnh theo giờ.
Nhìn trên BCTC quý 1/2024, tốc độ tăng của giá vốn mạnh hơn doanh thu với 32%, qua đó thu hẹp biên lãi từ 19% xuống 17%, ứng với 2.149 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Cộng thêm các chi phí khác phát sinh, PNJ lãi sau thuế 738 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với con số kỷ lục của quý 1/2023, song là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng so với quý trước. Tính trung bình, mỗi ngày trong 3 tháng đầu năm 2024 PNJ lãi khoảng 8 tỷ đồng.
Ngoài ra trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này dương hơn 1.887 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, cải thiện thêm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Mức vay nợ xuống thấp nhất nhiều năm
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của PNJ đạt 12.969 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất với 73% tổng cơ cấu, đạt 9.511 tỷ đồng. Khoản mục tiền và tương đương tiền đã tăng 85%, lên mức 1.661 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả đạt 2.494 tỷ đồng, giảm tới 46% so với đầu năm. Giảm mạnh nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn khi giảm khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương giảm 85% so với đầu năm, xuống còn 363 tỷ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng chiếm 358 tỷ, giảm 2.022 tỷ so với đầu năm 2024. Đây là lượng vay nợ thấp nhất của doanh nghiệp trang sức này trong lịch sử hoạt động.
Dòng tiền tài chính của PNJ cho thấy doanh nghiệp đã vay nợ ngắn hạn mới gần 1.500 tỷ đồng song trả nợ gốc vay hơn 3.500 tỷ trong quý 1 vừa qua.
Không chỉ có nền tảng tài chính bền vững, PNJ còn được đánh giá tốt về mặt quản lý chi phí hiệu quả. Chứng khoán VNDIRECT trong báo cáo gần đây đánh giá mặc dù có tốc độ mở rộng cửa hàng nhanh chóng nhưng PNJ vẫn kiểm soát tốt chi phí với chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. VNDIRECT ước tính chi phí hoạt động/cửa hàng trong năm 2023 ở mức 9,2 tỷ đồng, thấp hơn 8% so với năm đó.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng số cửa hàng của PNJ đạt 401 có mặt tại 55/63 tỉnh thành. Những tháng đầu năm 2024, PNJ đã mở mới 3 cửa hàng PNJ và đóng 2 cửa hàng. Hiện cơ cấu gồm 392 CH PNJ, 5 CH Style by PNJ , 3 CH CAO Fine Jewellery và 1 Trung tâm kinh doanh sỉ.
VNDIRECT cho rằng dù triển khai nhiều chương trình tiếp thị PNJ vẫn sẽ quản lý tốt chi phí với tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu vẫn ổn định ở mức 10%-11%, tỷ trọng chi phí hoạt động trên doanh thu sẽ tăng nhẹ 0,2 điểm % so với cùng kỳ.
Đặc biệt, độ phủ cửa hàng PNJ tại các thành phố loại 2 và loại 3 vẫn còn thấp trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm trang sức có thương hiệu ngày càng tăng. Vì vậy, VNDIRECT cho rằng tệp khách hàng mới sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu bán lẻ của PNJ trong những năm tới với thị trường chủ yếu nằm ở khu vực này. Báo cáo kỳ vọng số lượng cửa hàng sẽ tăng từ 7-9% trong giai đoạn hai năm tới, đưa doanh thu bán lẻ tăng khoảng 10%. Đồng thời doanh thu vàng 24K năm 2024 cũng có thể tăng 12% trong bối cảnh nhu cầu giao dịch vàng ngày càng tăng.
Cho cả năm 2024, VNDIRECT dự phóng lợi nhuận ròng của PNJ có thể tăng 11% nhờ doanh thu thuần tăng 11%, tỷ suất LN gộp tăng nhẹ mặc dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao hơn cộng thêm tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu vẫn ổn định. Sang tới năm 2025, kỳ vọng LN ròng của PNJ sẽ tiếp tục tăng 9,4% lên 2.390 tỷ đồng.
An ninh Tiền tệ