MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia Việt Nam ùn ùn kéo nhau đi khai thác "mỏ vàng" cuối cùng của Châu Á

Mở cửa sau nhiều thập niên đóng kín, Myanmar hiện nay đang là mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á mà doanh nghiệp nhiều nước hướng tới, trong đó có Việt Nam.

Myanmar là một thị trường lớn nhưng vẫn còn “mới toanh”, với dân số gần 60 triệu người, 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế… còn thiếu.

Chớp cơ hội này, từ năm 2012, nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã sang Myanmar tìm cơ hội đầu tư, chủ yếu tại các lĩnh vực như bất động sản, viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp...

Dẫn đầu trong công cuộc tấn công lĩnh vực viễn thông phải kể đến FPT. Tập đoàn FPT là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông. Giấy phép của FPT có thời hạn 15 năm từ ngày 06/07/2015. Dự kiến, FPT sẽ triển khai các dịch vụ như kết nối hạ tầng các công ty, nhà máy từ những khu vực khác nhau...

Trước đó, tháng 2/2013, Tập đoàn này cũng mở văn phòng đại diện tại Myanmar và đến tháng 7 cùng năm, công ty FPT Myanmar được thành lập. Hiện, FPT Myanmar có khoảng 60 nhân viên, trong đó 35 nhân viên là người bản địa. Năm 2014, FPT Myanmar ghi nhận doanh thu đạt 13,5 triệu USD.

Hồi năm 2014, VNPT cũng đã đặt văn phòng đại diện đầu tiên tại Yangon với những dự án cung cấp dịch vụ cho Bộ Quốc phòng, xây dựng và phát triển mạng cũng như dịch vụ vệ tinh cho các doanh nghiệp viễn thông địa phương.

Hay gần đây nhất, Viettel trở thành tâm điểm chú ý trong khu vực khi công bố số vốn dự kiến sẽ đầu tư vào thị trường Myanmar là 1,5 tỉ USD, con số lớn nhất mà tập đoàn này từng rót cho một dự án tại nước ngoài. Là nhà mạng di động thứ tư tại đây và cũng là đơn vị dành suất giấy phép cuối cùng trong lĩnh vực này, tham vọng của Viettel sẽ phủ sóng khắp Myanmar trong vòng 3 năm tới.

Cũng giống như viễn thông, ở lĩnh vực bất động sản, một số doanh nghiệp tên tuổi của Việt Nam đã xây dựng cơ sở hoạt động ở Myanmar như Hoàng Anh Gia Lai.

Khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp của Hoàng Anh Gia Lai được xây dựng trên diện tích 8 ha ngay tại thủ đô Yangon, Myanmar, với số vốn khoảng 400 triệu USD.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, cho biết doanh thu của HAGL Myanmar Centre từ khi đi vào hoạt động đến nay đạt khoảng 40 triệu USD. Trung bình mỗi năm, tập đoàn sẽ “bỏ túi” 60 triệu USD từ dự án này.

Ở lĩnh vực tài chính, sau 6 năm tìm hiểu, tháng 3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) đã chính thức mở chi nhánh tại Myanmar. Kiêm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt ở Myanmar, BIDV góp phần quan trọng trong việc tăng tổng giá trị đầu tư của VN tại Myanmar lên 28 lần trong giai đoạn 2010 - 2015, đưa VN vào top 10 các nhà đầu tư hàng đầu tại nước này.

Ở lĩnh vực đồ ăn nhanh, chuỗi cà phê thức uống Passio, thương hiệu có mặt tại Việt Nam từ 10 năm nay cũng cho biết, họ đang ráo riết tìm nhà đầu tư mua nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Myanmar.

Giám đốc điều hành Passio Nguyễn Văn Quỳnh từng trả lời báo chí rằng, Myanmar là thị trường mới mở, nhưng quan trọng trong chiến lược mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN của công ty.

"Kế hoạch năm nay của công ty là vẫn ưu tiên mở rộng sang một số thị trường mới như Myanmar. Thời gian ký kết cho hợp tác đầu tư lần 1 khoảng 2 năm, chi phí cho mua nhượng quyền ra nước ngoài với thương hiệu Passio tầm 50.000 USD”, ông Quỳnh khẳng định.

Myanmar là mỏ vàng cuối cùng ở châu Á. Tuy nhiên, việc khai thác mỏ vàng này không phải là một chuyện dễ dàng đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia này. Bên cạnh những tiềm năng khi đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar sẽ gặp một số trở ngại.

Thực tế, các chính sách phát triển của nước này cứ 6 tháng lại có sự thay đổi một lần. Chưa kể, về cấp phép xây dựng, không như các quốc gia khác cấp một lần cho cả công trình thì Myanmar chỉ cấp một lần cho một tầng của tòa nhà. Nếu nhà đầu tư muốn xây lên cao lại phải tiếp tục xin giấy phép.

Thậm chí, một doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư xây dựng nhà máy thì sau khi có giấy phép vẫn phải thông qua ý kiến của ít nhất 30-40 hộ dân sống xung quanh công trình đó,

Chính vì thế, theo lời khuyên của các chuyên gia, các nhà đầu tư muốn "tấn công" thị trường Myanmar cần phải cập nhật liên tục các chính sách mới do chính quyền sở tại ban hành.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Việt Nam hiện là nước đầu tư lớn thứ 9 tại Myanmar với 33 dự án, với tổng giá trị 688,6 triệu đô la Mỹ.

Không chỉ thu hút đầu tư ở các lĩnh vực viễn thông, bất động sản, tài chính - ngân hàng, Chính phủ Myanmar cũng khuyến khích và kêu gọi các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực phát thanh - truyền hình.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar U Ye Htut cho biết, Myanmar đang phát triển mạnh lĩnh vực phát thanh - truyền hình nên Chính phủ đang soạn thảo những quy định để tiến tới cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh cùng doanh nghiệp tư nhân trong nước cung cấp dịch vụ này.

"Myanmar mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm tham gia thị trường này và có thể góp vốn tối đa tới 30%. Riêng đối với lĩnh vực báo chí - xuất bản, DN nước ngoài có thể liên doanh cùng DN Myanmar và sở hữu tới 95% cổ phần. Đối với một số ngành như đào tạo tiếng Anh hoặc giáo dục thì nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần…", ông Myanmar U Ye Htut khẳng định.

Theo An Nhiên

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên