Đài thiên văn Úc bắt được tín hiệu vô tuyến dị thường nhất
Một thế giới chết chóc nằm cách chúng ta tận 8.100 năm ánh sáng bất ngờ phát ra loại tín hiệu vô tuyến chưa từng thấy sau hơn 10 năm biến mất.
- 12-04-2024“Muốn trúng ‘hồng tâm’ lạm phát 2%, FED có thể không còn lựa chọn nào ngoài việc đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái”
- 12-04-2024Nhật Bản tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo, "không loại trừ bất cứ phản ứng nào" để ngăn đồng Yên chìm xuống đáy nhiều thập kỷ
- 12-04-2024BofA dự báo sốc: Tháng 12 FED mới hạ lãi suất nhưng giảm ngay 1,25%
Các nhà thiên văn học sử dụng Kính viễn vọng vô tuyến Parkes (Murriyang) của CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung - Úc) đã phát hiện các tín hiệu vô tuyến bất thường từ một vật thể "thây ma" mang tên XTE J1810-197.
Theo Sci-News, XTE J1810-197 là một sao từ vô tuyến - còn gọi là sao neutron siêu từ - nằm cách Trái Đất 8.100 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Nhân Mã.
Sao neutron vốn là "thây ma" của các ngôi sao khổng lồ đã sụp đổ, co cụm lại thành một vật thể nhỏ bé nhưng mang năng lượng khủng khiếp.
Sao từ là loại sao neutron cực mạnh và là nguồn từ tính mạnh nhất vũ trụ. Vì vậy có thể nói sao từ vô tuyến là "vua quái vật" trong thế giới thiên thể.
Đó là lý do tín hiệu vô tuyến từ nó có thể truyền xa đến tận các đài thiên văn Trái Đất.
Tín hiệu vô tuyến từ XTE J1810-197 lại vô cùng lạ lùng, được các kính thiên văn vô tuyến nhìn thấy dưới dạng ánh sáng phân cực tròn thay đổi liên tục, cho thấy dường như ngôi sao đang bị lắc lư dữ dội.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự" - TS Marcus Lower từ CSIRO thừa nhận.
Các tín hiệu vô tuyến lạ từ vũ trụ từng được nghi ngờ là có liên quan đến các nền văn minh ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, các phương tiện quan sát hiện đại ngày càng chỉ ra nhiều nguồn tín hiệu vô tuyến tự nhiên, bao gồm sao neutron và các vụ sáp nhập sao neutron, sáp nhập lỗ đen...
Vì vậy, cho dù có sự biến đổi kỳ lạ, thiếu tính quy luật, nhưng rõ ràng nguồn tín hiệu từ XTE J1810-197 không liên quan đến các nền văn minh ngoại lai.
Mặc dù vậy, nó rất kỳ lạ vì XTE J1810-197 là một trong các sao từ hiếm hoi có thể tạo ra xung vô tuyến, chưa kể là dạng xung vô tuyến khác thường như vậy.
Sự bất thường này có thể được lý giải bởi một cấu trúc plasma nhiệt độ cao phía trên cực từ của sao từ, hoạt động như bộ lọc phân cực. Tuy vậy, đó vẫn chỉ là suy đoán.
Nhưng các phát hiện này đã giúp lý giải nhiều điều xung quanh XTE J1810-197, một vật thể từng gây bối rối cho giới thiên văn trong nhiều năm.
Năm 2003, XTE J1810-197 từng phát ra tín hiệu vô tuyến gây nghi hoặc, sau đó đột ngột biến mất khỏi mọi thiết bị quan sát trong hơn 10 năm.
Phát hiện mới về ngôi sao từ vô tuyến này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Người Lao Động