MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Dân biết hết thói hư tật xấu của quan chức”

22-08-2016 - 08:02 AM | Xã hội

“Người dân hiểu rõ mọi vấn đề, biết hết thói hư tật xấu của quan chức. Nếu theo dõi thì thấy ngay thôi. Thử hỏi với thu nhập như vậy, làm gì để cán bộ, quan chức có tài sản lớn thế, làm gì mà có cuộc sống xa hoa như thế?”, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông nêu quan điểm.

“Một chính phủ biết lắng nghe dân, lấy phản ứng của dân để điều chỉnh hành vi là một tín hiệu đáng mừng”.

Xin lỗi là văn hóa phục vụ

Trong nhiệm kỳ mới này, khái niệm Chính phủ liêm khiết, Chính phủ hành động, rồi Chính phủ phục vụ nhân dân được đề cập khá nhiều, thưa ông?

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, sau khi các nhà lãnh đạo chủ chốt nhậm chức, tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân đã có nhưng phát ngôn được lòng dân. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những khái niệm, tuyên bố như Chính phủ hành động, kiến tạo, Chính phủ liêm chính, rồi Chính phủ phục vụ chứ không phải cai trị dân… Đây là những ý tưởng rất phù hợp với một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

Tuy nhiên, điều lâu nay chúng ta vẫn thường đề cập tới là giữa lời nói đến hành động còn rất xa nhau. Điều này chính đại biểu Quốc hội cũng đã từng nói “con đường dài nhất của Việt Nam không phải từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động”. Do vậy nếu từ những tuyên bố, lời hứa rất cụ thể từng bước đi vào cuộc sống thì không những được lòng dân mà sẽ còn tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển ổn định bền vững.

Một thông tin gây chú ý vừa qua là việc đoàn xe công đi vào phố cổ Hội An. Mặc dù đã xuống đường đi bộ, không biết đoàn xe đi ở phía sau, nhưng trước sự việc này, Thủ tướng đã thẳng thắn nhận lỗi. Đây có được xem là tín hiệu vui?

“Thái độ của Thủ tướng là tấm gương cho cấp dưới về văn hóa ứng xử, sẵn sàng nhận lỗi chứ không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”.

Ông Lê Văn Cuông

Tôi thông cảm và cũng hoan nghênh khi Thủ tướng nhận lỗi về mình. Có thể nói đây cũng là một tín hiệu đáng mừng từ người đứng đầu Chính phủ. Đã là phố đi bộ thì chỉ đi bộ thôi, dù bất kỳ ai cũng phải chấp hành và không có ngoại lệ. Khi đoàn xe công đi vào phố cổ Hội An, bộ phận lái xe, phục vụ điều hành lại lấy lý do này nọ là không thuyết phục. Việc làm đó làm mất uy tín của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ.

Vụ việc này lần đầu tiên xảy ra, dư luận và người dân đã có phản ứng trên các trang mạng xã hội. Mặc dù đã thực hiện đúng, lỗi không phải do mình gây ra, nhưng là người đứng đầu, Thủ tướng đã thẳng thắn nhận lỗi, điều đó thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân. Một chính phủ biết lắng nghe dân, lấy phản ứng của dân để điều chỉnh hành vi là một tín hiệu đáng mừng, đáng khuyến khích, hoan nghênh.

Phải chăng cần coi văn hóa nhận lỗi cũng là một văn hóa phục vụ?

Lâu nay vì trách nhiệm cá nhân không rạch ròi nên khi có thành tích thì cá nhân đứng ra nhận, còn khuyết điểm thì đổ lỗi cho tập thể, cho người này người kia. Từ đó mới rất hiếm có lời xin lỗi trước những sai sót vi phạm, điều đó khiến dân không đồng tình. Gần đây có một số vị đứng lên nhận lỗi, nhưng ở đây nhận lỗi, nhận khuyết điểm phải đúng và trúng chứ không phải cho xong. Thái độ của Thủ tướng là tấm gương cho cấp dưới về văn hóa ứng xử, sẵn sàng nhận lỗi chứ không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.


Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Dân biết ai tốt, xấu

Nhiều ý kiến cho rằng, một chính phủ hành động, một bộ máy công quyền phục vụ nhân dân sẽ không có chỗ cho lối sống xa hoa, hưởng thụ. Nhìn vào thực tế trong thời gian qua, ông bình luận gì về vấn đề này?

Chính bởi một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Lợi ích nhóm phát triển ngày càng mạnh, tham nhũng trở thành quốc nạn, khó ngăn chặn đẩy lùi. Rồi suy thoái về đạo đức với đủ loại chạy trong xã hội, nào chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, rồi chạy thi đua khen thưởng… Thực tế đó làm cho lòng dân rất bức xúc, không yên.

Có thể nói chính quyền cơ sở còn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân. Là công bộc của dân nhưng quan chức, công chức không những không có tinh thần phục vụ mà còn nhũng nhiễu, gây phiền hà, vòi vĩnh dân. Thói hư tật xấu này không được nghiêm trị, ngăn chặn nên sinh ra tham nhũng vặt, đi đến đâu cũng phải có phong bì “bôi trơn” mới xong việc.

Tệ nạn, tiêu cực đang có ở nhiều cấp, ngành, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Đi đến đâu mà không có quà cáp, phong bì mới là chuyện lạ. Đây là vấn đề nhức nhối, khổ tâm của người dân. Dân phải đóng thuế nuôi bộ máy, nuôi cán bộ công chức, đến khi có việc tìm đến lại bị o ép, lót tay thì rất vô lý. Đó là bộ máy không phải phục vụ mà là hành dân.

Phải chăng thực trạng đó đã dẫn đến một thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của dân với một bộ phận quan chức hiện nay?

Người dân hiểu rõ mọi vấn đề, biết hết thói hư tật xấu của quan chức. Nếu theo dõi thì thấy ngay thôi, bởi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Thử hỏi với thu nhập như hiện nay, làm gì để cán bộ, quan chức có tài sản lớn thế, làm gì mà có cuộc sống xa hoa như thế? Trong khi đó người thẳng thắn, trung thực lại bị nhóm lợi ích o ép, loại trừ, tìm cách trù dập, đối xử bất công. Bởi vậy người ta mới có câu “đấu tranh thì tránh đâu”. Dân biết cả nhưng không làm gì được. Mọi chuyện cứ tưởng đang diễn ra bình thường, nhưng thực chất là có sóng ngầm trong lòng dân.

Quan chức nếu biết lắng nghe, tìm mọi cách phục vụ dân, được thế người dân sẽ kính trọng và ngay cả khi anh mất đi người ta vẫn tôn thờ, biết ơn. Thái độ thẳng thắn, công bằng của người dân cũng có thể coi như một bài học, một tiếng chuông cảnh báo với những vị quan chức tham lam, vơ vét, làm khổ dân, xa rời nhân dân.

Cảm ơn ông!

Theo Dũng Nguyễn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên