MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân mạng vẫn tranh cãi kịch liệt việc dạy đọc bằng ô vuông, nhiều giáo viên lên tiếng: "Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ"

07-09-2018 - 09:43 AM | Sống

Hiện mạng xã hội đang xôn xao nhiều đoạn clip học sinh tiểu học thay vì đọc chữ cái hay từ, thì chỉ vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác và đọc vanh vách cả một bài thơ. Các bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo ngại trước chương trình học Công nghệ giáo dục kiểu mới này.

Thời gian gần đây, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến khi được thử nghiệm tại các trường Tiểu học khắp cả nước. Nhiều phụ huynh lo ngại, những từ ngữ tiêu cực, bài học hàm nghĩa xấu, cách phát âm "lạ" không phù hợp với con trẻ chỉ mới 7 tuổi.

Đặc biệt trong nhiều đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều học sinh tiểu học thay vì đọc chữ cái hay từ ngữ, thì chỉ vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác và đọc vanh vách cả một bài thơ.

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, 2 câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" được phiên âm phía trên. Hàng phía dưới được biểu thị bằng hai dòng gắn hình vuông màu cam. Cuốn sách này chú thích "Có bao nhiêu tiếng, có bấy nhiêu khối hình". Ở bài đồng dao "Bống bống bang bang/Lên ăn cơm vàng/Cơm bạc nhà ta", dưới phần chữ là 12 hình tròn màu xanh, sắp xếp 4 hình trong một hàng.

Dân mạng vẫn tranh cãi kịch liệt việc dạy đọc bằng ô vuông, nhiều giáo viên lên tiếng: Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ - Ảnh 1.

Cách đọc kiểu mới xuất hiện trong sách Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Fcaebook.

Phụ huynh hoang mang khi con cái đọc chữ thông qua những hình khối

Sau khi những đoạn clip đọc chữ khó hiểu của trẻ nhỏ được đăng tải, rất nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo lắng. Họ cho rằng cách học này cực khó hiểu và không tốt bằng phương pháp trước đây. Nhiều người đã tìm cách "chất vấn" con cái mình, bắt con chỉ vào từng ô vuông và thắc mắc chữ đâu ra mà con đọc vanh vách như thế? Nhiều bé đã không trả lời được câu hỏi này. Có trường hợp phụ huynh bực mình và yêu cầu con không cần phải đến trường nữa, bố mẹ sẽ giảng dạy theo cách học truyền thống trước đây.

Chị N.M. có con học lên lớp 2, ngán ngẩm chia sẻ, phương pháp vuông tròn chỉ là học vẹt chứ về viết chữ các cháu bị loạn và viết sai chính tả quá nhiều. "Ngày xưa chúng tôi học chả tách vớ vẩn như này thì cũng học được đó thôi, thêm vào cho nặng nề thêm" - chị N. bức xúc.

Đồng quan điểm với chị N., anh H. cho hay, đúng là có thể cho trẻ đọc từng âm tiết bằng việc chỉ vào từng ô vuông, nhưng chỉ cần một loại, một kiểu duy nhất, và chỉ mang tính chất minh hoạ.

Dân mạng vẫn tranh cãi kịch liệt việc dạy đọc bằng ô vuông, nhiều giáo viên lên tiếng: Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ - Ảnh 2.

Học sinh chỉ vào những hình khối và đọc thơ vanh vách. Ảnh cắt từ clip.

"Rồi chưa kể đến cái livestream chỉ vào từng khối ô vuông, đứa trẻ đọc vanh vách, còn chỉ vào chữ thì nó tắc tịt không? Thay mỗi tiếng bằng hình để trẻ nhỏ không bị phát âm thiếu, phát âm nhầm thì đúng. Chứ còn dùng hình khối thay chữ cái để dạy trẻ học thì không thể được. Cứ học như bình thường, những khóa trước, thế hệ trước cũng học như vậy, có ai bị mù chữ đâu. Muốn cải tổ thì cải kiểu gì cho nó đúng đắn, hợp lí, dễ dàng hơn trong việc giáo dục chứ không phải là sinh ra một loại giáo dục mới mà làm người ta muốn bỏ học thế này" - anh H. nêu ý kiến.

Nhiều phụ huynh có con em vừa vào lớp 1 liên tục bày tỏ lo lắng trước cách học theo chương trình kiểu mới. Họ khẳng định, cách học từ ngày xưa vẫn giúp bao thế hệ biết đọc biết viết, việc gì phải cải cách rồi gây hoang mang trong dư luận.

"Kết quả, những bé học chuơng trình cải cách thí điểm khi vào cấp 2 bị gom vào 1 lớp học riêng và gọi là lớp cá biệt học dốt. Chương trình hay nhưng chính giáo viên còn không hiểu để truyền đạt cho bé lệch lạc hết 1 thế hệ, trên mạng chỉ chế vui vì nó nổi bật nhưng quả thật chất lượng học sinh sau thí điểm học sách mới rất tệ" - một bà mẹ ở Sài Gòn chia sẻ.

Dân mạng vẫn tranh cãi kịch liệt việc dạy đọc bằng ô vuông, nhiều giáo viên lên tiếng: Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ - Ảnh 3.

Mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh chế giễu cách học mới. Ảnh: Facebook.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến trái chiều khác chỉ ra việc xuất hiện những ô vuông này chỉ là bước đầu tiên trong quá trình học của bé. "Người ta có hệ thống hết rồi. Mấy bài sau rồi cũng sẽ dạy chữ như bình thường. Phụ huynh không xem hết sách. Con mới đi học mấy bữa đầu xong về không hiểu lại xé sách rồi bắt con nghỉ học. Đồng ý cái sách này nhiều chỗ không ổn nhưng cách học như này giúp trẻ nhớ mặt chữ và học nhanh hơn" - anh K.N. bình luận.

"Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục học rất tốt, chỉ cải tiến một số cách đọc thôi chứ chữ viết vẫn giống nhau. Con tôi năm nay lớp 4, là khoá học đầu tiên chương trình này mà tôi thấy nhẹ nhàng lắm, có vấn đề gì đâu sao mọi người cứ nói quá lên thế" - chị L.P. cho biết.

Giáo viên dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lên tiếng

Trên thực tế, nhiều người đang nhầm lẫn việc nào hình vuông, nào tròn, nào tam giác sẽ là những từ ngữ mới. Và những em bé được học qua chương trình thực nghiệm sau này sẽ viết chữ bằng các hình khối đó. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều giáo viên, đây là bài đầu tiên của lớp 1 liên quan đến số lượng tiếng. Không hề có việc thay đổi chữ viết đối với học sinh theo học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Nói về việc học số lượng tiếng, thầy giáo Nguyễn Thành Nam cho biết, khác với chương trình hiện hành là dạy ký hiệu (nghĩa là các chữ cái như A, B, C, mỗi chữ cái là một ký hiệu), thì chương trình Công nghệ giáo dục dạy trực tiếp vào các Âm và Tiếng.

"Các bạn học chương trình hiện hành thì khi các bạn nhìn thấy con chữ này các bạn đọc được luôn. Nhưng mà các bạn học theo chương trình Công nghệ giáo dục thì các bạn hiểu rõ chữ ấy ghi cái âm gì. Các em tưởng tượng là hai đứa bé đi trong rừng, tự nhiên nó nghe một âm thanh rất lạ. Đứa học Công nghệ giáo dục có thể tự phân tách âm thanh đó ra và ghi lại. Còn những đứa học chương trình cũ nếu chưa từng học âm thanh đó trên lớp thì không ghi lại được, không biết xử lý làm sao".

Thầy Nam nói thêm, học theo chương trình Công nghệ giáo dục trẻ sẽ hiểu được bản chất nên nhớ rất lâu và không bị tái mù chữ. Và sau 3 tháng, trẻ con có thể tự đọc và ghi lại rất chắc chắn, hầu như các em không quên.

Dân mạng vẫn tranh cãi kịch liệt việc dạy đọc bằng ô vuông, nhiều giáo viên lên tiếng: Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ - Ảnh 4.

Các bài thơ đều được minh hoạ bằng các khối hình ngay bên cạnh. Ảnh: Facebook.

Ngoài thầy Nguyễn Thành Nam, nhiều giáo viên khác cũng đồng loạt lên tiếng trước cách giảng dạy mới. Cô giáo Phạm Duyên chia sẻ, bài này đánh vần theo hình khối chỉ đơn giản là cách nhớ số lượng tiếng để phát ra miệng chứ không phải là học tiếng sẵn. Tức là dạy các em nhớ quy tắc có bao nhiêu chữ là có bấy nhiêu tiếng phải được phát ra miệng. Với người lớn cái này là điều dễ dàng, hiển nhiên rồi nhưng với trẻ nhỏ các bé rất hay bị nhầm lẫn mặt chữ.

"Mọi người nhớ lại lúc nhỏ xem, chắc chắn sẽ có những người phải dùng tay dò chữ thậm chí là cả bây giờ thấy nhiều bé đọc nhưng tay phải chỉ từng chữ thì bé mới đọc được đủ chữ. Nếu không đọc bằng mắt bé ngay lập tức sẽ thiếu chữ dẫn đến tình trạng đọc sai câu từ, ở sách cũ lại không thể giải quyết vấn đề này từ đầu.

Để các bé dễ nhớ quy tắc bất di bất dịch đó, họ nghĩ ra cách từng chữ là các ô hình mô phỏng. Cứ mỗi hình ứng với một chữ bắt buộc phải được phát ra miệng. Bài này là học số lượng tiếng đương nhiên là phải học vẹt câu thơ rồi và chỉ có 1-2 tiết thôi là hết. Xong các bé chuyển sang học chữ cái - âm vần, thanh... như bình thường, chứ không phải là nhìn hình đoán chữ học đi học lại cả năm như mọi người tưởng, càng không phải dạy các bé học vẹt. Chỉ là muốn các bé nhớ quy tắc kia thôi rồi sẽ học âm vần thanh điệu sau, đến lúc đó các bé sẽ không đọc thiếu chữ, bỏ chữ nữa.

Hãy thử đặt mình vào vị trí đầu óc của một đứa trẻ. Sau khi nó hiểu à cái chữ này là một tiếng chữ tiếp theo là một tiếng khác để phát ra bằng miệng thì đương nhiên nó sẽ ghi nhớ vào não. Càng sau này đọc câu dài hay câu ngắn sẽ không nhìn thiếu, đọc thiếu chữ nữa".

Dân mạng vẫn tranh cãi kịch liệt việc dạy đọc bằng ô vuông, nhiều giáo viên lên tiếng: Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ - Ảnh 5.

Bài học đầu tiên trong sách là nghiên cứu về "Tiếng". Ảnh: Facebook.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Bố mẹ không nên can thiệp vào việc học của các con, kệ các con học ở trường như thế nào

Bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm 3 quyển: tập 1 liệt kê tất cả các bảng chữ cái, tập 2 học tới âm vần và tập 3 dành cho học sinh tự học. Trước những ồn ào của dư luận về cách đánh vần theo bộ sách này, trả lời trên kênh VTC14, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết, hiện chương trình này đang được giảng dạy cho 800.000 học sinh tại 50 trường học ở khắp các tỉnh thành.

"Phụ huynh hoang mang là do họ chỉ biết những điều đã được học, chỉ biết cái cũ mà không biết cái mới. Cách học này ngay từ đầu phân biệt đâu là âm và chữ. Âm là nói, chữ là viết. Cái âm nói ra đã hàng ngàn năm nay, còn chữ sau này mới có. Bố mẹ không nên can thiệp vào việc học của các con, kệ các con học ở trường như thế nào" - vị Giáo sư cho hay.

Trả lời Trí Thức Trẻ, thầy Đại khẳng định chương trình này rất hữu ích và được triển khai từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường Tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác.

Dân mạng vẫn tranh cãi kịch liệt việc dạy đọc bằng ô vuông, nhiều giáo viên lên tiếng: Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ - Ảnh 6.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Internet.

Đầu năm 2017, Bộ GD&ĐT đã cử một số đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá hiệu quả thực hiện cuốn "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" tại các địa phương trên toàn quốc. Dựa trên kết quả khảo sát thực địa này, ngày 19/04/2017, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định cuốn "Tiếng Việt - CNGD lớp 1".

Sau những ngày thẩm định, Bộ GDĐT đánh giá trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" có hiệu lực.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại nêu rõ, theo yêu cầu giáo dục, đối với học sinh khi học hết lớp 1 cần phải đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả tiếng Việt, không thể tái mù chữ. Với chương trình dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục sẽ giải quyết triệt để việc giúp học sinh lớp 1 có thể thực hiện toàn bộ yêu cầu trên.

Đặc biệt, các em ở miền núi, vùng khó khăn, xa xôi nhất, chưa bao giờ đến trường nhưng chỉ cần 1 năm học theo chương trình sẽ đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả tiếng Việt và thực tế, chương trình đã, đang được áp dụng trên diện rộng.

Theo Minh Nhân

Thời Đại

Trở lên trên