MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân quay lưng với BHYT, vì sao?

Chất lượng khám chữa bệnh của nhiều bệnh viện tuyến huyện ở Đồng Nai chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Chờ lâu, chẩn đoán chưa chính xác, cơ sở vật chất lạc hậu, thái độ của nhân viên y tế còn lạnh nhạt… là những nguyên nhân khiến người dân Đồng Nai không mặn mà với bảo hiểm y tế (BHYT).

Mất niềm tin vào bệnh viện tuyến huyện

Bà Võ Thị Hải (ngụ ấp 5, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) cho biết cách đây không lâu, người nhà bị tai nạn giao thông phải nhập viện với thẻ BHYT tại BV Đa khoa huyện Tân Phú. Qua thăm khám, các bác sĩ tại đây xác định nạn nhân không bị tổn thương bên trong. Tuy nhiên, do sức khỏe của người bệnh ngày càng xấu đi nên gia đình bà Hải xin chuyển viện và chấp nhận tự túc mọi chi phí. Khi lên bệnh viện (BV) tuyến trên kiểm tra, người bệnh được phát hiện bị dập phổi, dập lá lách. “Nếu gia đình tôi tin vào bác sĩ và không chuyển viện thì tính mạng người thân không biết sẽ như thế nào” - bà Hải bức xúc.

Tương tự, nhiều người dân ở huyện Xuân Lộc cũng nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện này muốn được khám chữa bệnh (KCB) BHYT ở các BV tuyến tỉnh. “Nguyên nhân là do chất lượng KCB ở BV này gần đây giảm sút. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ người dân tham gia BHYT ở Xuân Lộc” - bà Huỳnh Thị Lành, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết.

Từ ba năm nay, bà Trần Thị Nga (ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) phải vượt 50 km để đến BV Đa khoa Đồng Nai khám bệnh. Bà Nga mắc cùng lúc nhiều bệnh như viêm gan, huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Đường xa quá vất vả nhưng một tháng hai lần bà Nga phải xuống BV khám lấy thuốc. “Tôi xin bác sĩ cho thuốc đủ dùng trong một tháng để đỡ đi lại nhưng bác sĩ cho biết chỉ được phép cho thuốc dùng trong nửa tháng” - bà Nga chia sẻ.

Cũng nằm trong tình trạng điều trị bệnh mạn tính, bà Đoàn Thị Bạch Yến (70 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) phải đến BV lấy thuốc mỗi hai tuần. Bà Yến bị bệnh viêm đa khớp, đau lưng, không thể ngồi xe máy để đi khám bệnh mà phải đi taxi. “Mỗi lần đi taxi đến BV khám bệnh phải mất cả trăm ngàn đồng. Trong khi đó, tiền thuốc do BHYT thanh toán chỉ có vài chục ngàn đồng” - bà Yến than.

Khi tìm hiểu nguyên nhân, các BV cho biết là do sợ vượt trần thanh toán BHYT tuyến 2, nhiều nơi đã phải chia thuốc ra cho bệnh nhân làm nhiều đợt, chứ không cho thuốc uống trong một thời gian dài dù là bệnh mạn tính… Điều này vô tình đã làm khó cho bệnh nhân vì nhiều người phải mất thời gian đi lại nhiều lần.

Nguồn lực còn yếu kém

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân người dân chưa mặn mà với BHYT do chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là tuyến huyện, xã còn nhiều hạn chế. Thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, chuyên khoa sâu. Tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thủ tục hành chính rườm rà chưa thực sự mang lại hài lòng cho người bệnh. Một số cơ sở KCB còn chỉ định cận lâm sàng quá mức cần thiết. Chỉ định thuốc tại một số cơ sở KCB còn bất hợp lý.

BS Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, còn thừa nhận khám dịch vụ vẫn nhanh hơn khám BHYT là do khi khám BHYT phải qua nhiều bước thủ tục, mặc dù ngành y tế đã cố gắng cải tiến để phục vụ người bệnh tốt hơn. “Điều này đã làm cho thời gian KCB vẫn còn kéo dài. Hiện nay hai khâu tiếp đón và phát thuốc vẫn bị phản ánh nhiều. Tới đâyngành y tế tỉnh sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này” - BS Hoàn nói.

Thời gian qua ngành y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng KCB. BV Đa khoa Xuân Lộc có quy mô 200 giường bệnh với hơn 30 bác sĩ và sẽ được phát triển thành BV hạng 2. Ngành y tế cũng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho các BV tuyến huyện. Hiện nay chỉ còn hai BV là BV Đa khoa Nhơn Trạch và BV Đa khoa Biên Hòa là chưa được xây dựng mới. Sắp tới ngành y tế cũng sẽ có kế hoạch xây dựng mới hai BV này.

BS HUỲNH MINH HOÀN, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai

Theo Tiến Dũng

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên