Dân Trung Quốc lo ngại sâu sắc trước việc chính phủ nâng tuổi nghỉ hưu
Do tình trạng già hóa dân số và đà tăng trưởng kinh tế giảm, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu. Điều này đã khiến nhiều người dân nước này lo ngại về tương lai của mình.
- 31-03-2021Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản trở thành 'nạn nhân' mới trong vụ margin call của Archegos, cảnh báo có khả năng lỗ 300 triệu USD
- 30-03-2021Cái kết của vụ margin call lớn nhất lịch sử Phố Wall: Khối tài sản trăm tỷ đô bị xóa sạch chỉ trong vài ngày
Chính quyền Trung Quốc vừa công bố kế hoạch tăng dần tuổi nghỉ hưu bắt buộc của nước này. Trong xã hội Trung Quốc liền xuất hiện các đồn đoán về việc bao nhiêu năm lương hưu bị mất nếu kế hoạch này được triển khai.
Tranh minh họa về áp lực lên người lao động Trung Quốc khi chính phủ nước này công bố nâng tuổi nghỉ hưu. Họa sĩ: Henry Wong.
Động thái mới của chính phủ Trung Quốc đã tạo ra mối lo ngại sâu sắc trong giới lao động và các công dân trung lưu – nhiều người trong số họ giờ sẽ phải làm việc thêm nhiều năm nữa so với kế hoạch. Những người này đang lo phải chuẩn bị sẵn sàng năng lực tài chính cho tình huống đó.
Làn sóng lo ngại trước tuổi nghỉ hưu cao hơn
Trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một đăng tải về chính sách mới nói trên đã có hơn 210 triệu lượt đọc và thu hút hơn 19.000 comment (bình luận) chỉ trong 2 tuần qua.
Giới phê bình cũng nêu ra các quan ngại về tác động của sự thay đổi trong tiêu dùng, tỷ lệ sinh, và đầu tư.
Gong Wentao - một chuyên gia công nghệ thông tin (IT) ở Thâm Quyến trong độ tuổi gần 50, nói: "Không ai biết một Trung Quốc già hóa sẽ trông như thế nào trong 20 năm nữa, chúng tôi có nhiều nỗi lo sợ và những điều không chắn chắn. Tôi và các đồng nghiệp của tôi đã bàn tán rất nhiều về cách thức chuẩn bị để đối mặt với điều đó".
Gong cho biết, một số đồng nghiệp của anh đã lên kế hoạch bán bất động sản ở các thành phố "cấp thấp" do dự đoán nhu cầu nhà sẽ giảm, còn những người khác đang xem xét thế chấp nhà của mình để đầu tư vào các sản phẩm tài chính mang lại nguồn thu cao. Nhưng bản thân anh đang lựa chọn phương án an toàn hơn – cắt giảm chi tiêu hàng ngày.
Nhưng dù phương án nào thì Gong nhận định đều phản ánh "nỗi lo lắng của chúng tôi về việc lùi tuổi nghỉ hưu".
Giống như các nước Đông Á láng giềng, dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng, với tỷ lệ sinh đang giảm mạnh, đe dọa giảm đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Để đối phó với viễn cảnh này, Bắc Kinh vào đầu tháng 3 đã công bố rằng trong kế hoạch 5 năm mới cho giai đoạn 2021-2025, tuổi nghỉ hưu sẽ được kéo dài.
Tuy nhiên, động thái này đã gây căng thẳng tâm lý cho người dân Trung Quốc bình thường, đặc biệt là những ai sinh sau năm 1970.
James Qiu – một nhà quản lý sales (bán hàng) ở Quảng Châu độ tuổi trên 30, cho biết việc nâng tuổi nghỉ hưu bằng cách so sánh Trung Quốc với các nước phát triển – nơi người dân thường làm việc lâu hơn, là "không khoa học và không công bằng".
Qiu nói: "Hệ thống an sinh xã hội, các dịch vụ hỗ trợ và dịch vụ công cơ bản của Trung Quốc lạc hậu so với các nước đó... Chúng tôi sẽ đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng khi đến tuổi U-60, U-70; nhiều khả năng nhất là giảm đột ngột thu nhập hoặc thất nghiệp, bởi vì trong thị trường việc làm ngày nay, rất ít công ty tư nhân thuê một lao động già đến vậy".
Điều này sẽ làm tăng gánh nặng chi phí y tế và trả nợ thế chấp, vẫn theo Qiu.
Thế khó khi tỷ lệ người hưu trí cao
Trung Quốc thực hiện chính sách "một con" từ năm 1980 để giảm dân số nước này lúc đó đang tăng rất nhanh, mở rộng việc cung cấp phương tiện tránh thai, đồng thời tiến hành triệt sản cưỡng ép và nạo phá thai.
Chính sách đó của Trung Quốc đã làm giảm mạnh tỷ lệ sinh của nước này, từ 5,81 vào năm 1970 xuống còn 2,31 vào năm 1990, theo các số liệu chính thức. Đến năm 2019, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã rớt xuống mức 1,048. Vào năm 2016, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng được sinh 2 con.
Cùng lúc đó, dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng.
Vào năm 2019, 254 triệu người Trung Quốc ở tuổi 60 hoặc hơn, chiếm 18,1% tổng dân số, trong đó có 176 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 12,6% tổng dân số. Dự đoán vào năm 2050, Trung Quốc sẽ có hơn 500 triệu người ở độ tuổi trên 60, chiếm gần 1/3 dân số dự báo của Trung Quốc vào lúc đó, theo một báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Phát triển của Trung Quốc được công bố vào năm 2020.
Hệ quả là, số người hưu trí ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 102 triệu vào năm 2019 lên thành 278 triệu vào năm 2050, theo Báo cáo Quỹ Hưu trí giai đoạn 2019-2050 do Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội Quốc tế và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc công bố.
Báo cáo trên cũng công bố tỷ lệ người phụ thuộc trên tổng số người đi làm sẽ tăng từ 47% vào năm 2019 lên 96,3% vào năm 2050, có nghĩa rằng khoảng 1,22 người lao động sẽ phải hỗ trợ một người hưu trí vào năm 2035, tăng từ khoảng 2,65 lao động trên một người hưu trí vào năm 2019.
Áp lực lên lao động thu nhập thấp
Có lẽ đội quân hơn 270 triệu lao động nhập cư với thu nhập thấp sẽ phải hứng chịu nhiều nhất khi có sự thay đổi về tuổi nghỉ hưu.
Xie Zefei – một người hành nghề trông kho ở trung tâm sản xuất Đông Quản, nói: "Kéo dài tuổi về hưu tới mức 65 không có nghĩa là công nhân di cư như chúng tôi có thể làm việc với mức thu nhập ổn định khi đến tuổi 65. Trên thực tế, thu nhập hưu trí của chúng tôi sẽ mất đi trong 5 đến 10 năm tới. Điều này là thiếu công bằng nhất đối với người lao động thu nhập thấp".
Vẫn lời Xie Zefei: "Chúng tôi đã làm việc quá giờ hàng ngày tại nhà máy trong nhiều thập kỷ; thể lực, chức năng sinh lý của chúng tôi suy yếu ở độ tuổi trên 50. Anh thấy đấy, hầu hết lao động di cư ở tầm tuổi trên 50 đều buộc phải rời đô thị về quê, sống lay lắt dựa vào tiền tiết kiệm hoặc công việc tạm bợ ngoài khoản lương hưu nhỏ bé".
Ông này chia sẻ thêm: "Nâng tuổi nghỉ hưu sẽ chỉ tăng thêm bất bình đẳng vì các dịch vụ an sinh xã hội ở vùng nông thôn kém hơn nhiều so với ở chốn đô thị sầm uất".
Tom Ma – một người dân bản địa ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) tốt nghiệp đại học vào năm 2019, cho biết việc cải cách tuổi nghỉ hưu nói trên sẽ khiến các thanh niên mới ra trường như cậu càng lao vào tìm kiếm việc làm trong khối cơ quan hành chính.
Ma nói: "Các công chức không chịu áp lực thất nghiệp ở tuổi trên 60. Họ có thu nhập ổn định và mức lương hưu xứng đáng, so với các nhân viên, công nhân làm cho các công ty tư nhân". Ma hiện đang chuẩn bị cho kỳ thi công chức đầu tiên của mình.
Tâm lý ngại sinh con do chi phí cao và thiếu dịch vụ trông trẻ
Đẩy tuổi nghỉ hưu lên cũng làm trì hoãn độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc và làm giảm mức sinh của nước này, do chi phí cơ hội cao khi sinh con và tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ, theo quan điểm của một số nhà phê bình và nghiên cứu.
Liu Shuya – một nhân viên quán cà phê gần 30 tuổi, nói: "Giá tài sản và chi phí sinh hoạt trong thành phố rất đắt đỏ, các cặp vợ chồng trẻ như tôi phải làm việc toàn thời gian... Chúng tôi đều phải dựa vào ông bà để chăm sóc con cái. Tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ làm cho người ta ngại sinh con".
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, chỉ khoảng 4,71% trẻ em Trung Quốc được nhận vào nhà trẻ năm 2019 là dưới 3 tuổi, cho thấy gia đình lớn hơn bao gồm cả ông bà đang đảm nhận gánh nặng lớn là chăm sóc trẻ con.
Có bằng chứng cho thấy thực trạng này có ảnh hưởng lên mức sinh. Một nghiên cứu của Trường Kinh tế thuộc Đại học Phục Đán (Trung Quốc) chỉ ra rằng khi bố mẹ nghỉ hưu, điều này có tác dụng tích cực lên mức sinh của con cái của họ, làm mức đó tăng thêm tới 6-9%.
Feng Jin – một giáo sư tại trường trên, cho biết tỷ lệ sinh và mức tiêu dùng trong nhóm người trung niên và trên trung niên có thể giảm trong ngắn hạn do việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng về dài hạn, tổng mức tiêu dùng sẽ tăng do có thêm người làm việc với thời gian lâu hơn.
Nhưng công luận Trung Quốc đa phần phản đối trì hoãn tuổi nghỉ hưu, do đó, Giáo sư Jin cho rằng Trung Quốc cần thận trọng trong việc triển khai chính sách nghỉ hưu mới.
Trung Quốc đã thăm dò dư luận về vấn đề này cách đây 9 năm. Khi đó, 62.106 người được hỏi đã phản đối và số 2.584 người còn lại thì ủng hộ.
Cô Liu ao ước rằng Trung Quốc có thể trở thành một nước phát triển với hệ thống phúc lợi xã hội tốt như ở châu Âu và Nhật Bản trước khi cuộc khủng hoảng già hóa nổ ra. "Còn hiện tại, tôi lo lắng về cuộc cải cách này và chắc sẽ từ bỏ ý định sinh 2 đứa con"./.
VOV