MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân Trung Quốc nghi ngờ các ứng dụng chuyển phát thức ăn đang nghe lén điện thoại của họ

07-04-2019 - 20:18 PM | Tài chính quốc tế

Cụ thể, nhiều người dùng khẳng định ít nhất 2 ứng dụng chuyển phát thức ăn là Ele.me và Meituan đang có hành vi này. Nhưng có phải họ chỉ đang bị ám ảnh như dân phương Tây nghi ngờ Facebook và Google?

Một số người tin rằng các ứng dụng trên smartphone của họ đang nghe lén các cuộc nói chuyện của chủ nhân chúng...ngay cả khi đó là về những chủ đề vu vơ nhàm chán như đồ ăn.

Do đó, mới đây, một hãng truyền thông của nhà nước Trung Quốc đã quyết định mở một cuộc điều tra để xem lời đồn đại bấy lâu là đúng hay sai: có phải các ứng dụng chuyển phát thức ăn đang theo dõi người dùng thông qua microphone trên smartphone, nhằm tìm ra những thứ họ muốn ăn hay không?

Và không nằm ngoài dự đoán, kết quả họ thu được đã khiến cộng đồng mạng đứng ngồi không yên.

Từ giữa tháng 11/2018 đến tháng 3/2019, tờ IT Times đã giả vờ thực hiện những cuộc trò chuyện liên quan chủ đề thức ăn khi có những chiếc smartphone gần đó. Trên những chiếc smartphone này, họ cài đặt hai ứng dụng chuyển phát thức ăn nổi tiếng tại Trung Quốc: Ele.me và Meituan.

Các phóng viên của IT Times đã thử nghiệm trên cả các thiết bị Android và iPhone, và phát hiện ra rằng xác suất nhận được những đề xuất về thức ăn từ các ứng dụng nêu trên khá cao, từ 60-70%. Ví dụ, hai phóng viên để ý thấy sau khi trò chuyện về đồ ăn Nhật Bản, họ bỗng nhận được đề xuất về một nhà hàng Nhật!

Chứng cứ này mới nghe qua có lẽ không mấy thuyết phục, nhưng nó lại có mối liên kết kỳ lạ với một nỗi sợ chung mà người dùng smartphone trên toàn thế giới từ lâu đã phải đối mặt.

Người dùng smartphone ở các nước phương Tây từ trước đến nay luôn bày tỏ nghi ngờ rằng smartphone của họ đang nghe trộm chính chủ nhân của chúng. Ví dụ, có người sau khi nói chuyện với bạn bè về bồn tắm nước nóng bỗng nhận được các quảng cáo về xông hơi. Hay những người thích ăn kem chẳng hiểu vì lý do gì thỉnh thoảng lại thấy những bài viết về công thức làm kem hiện ra trên feed mạng xã hội của họ. Đặc biệt, Facebook là đối tượng bị cáo buộc nghe lén người dùng để phục vụ mục đích quảng cáo nhiều nhất, nhưng bằng chứng về điều đó cũng không nhiều, trừ một số tình huống trùng hợp người dùng để ý thấy.

Facebook và Google đều một mực từ chối việc sử dụng microphone trên điện thoại di động để thu thập thông tin phục vụ quảng cáo. Cựu giám đốc điều hành Facebook, Sandy Parakilas, giải thích tại sao điều đó là không thể: nghe lén quá nhiều điện thoại cùng lúc sẽ tạo ra quá nhiều dữ liệu cần thu thập và phân tích, và việc một điện thoại liên tục gửi mọi dữ liệu chúng thu thập được sẽ khiến hóa đơn thanh toán tăng vọt đến mức đáng chú ý.

Ele.me và Meituan cũng từ chối những cáo buộc như vậy. Ele.me cho biết ứng dụng của họ không hề có khả năng nghe lén. Meituan thì nói rằng ứng dụng chỉ sử dụng microphone khi người dùng cho phép và kích hoạt nhập liệu giọng nói trong ứng dụng.

Vậy phải chăng tin đồn rốt cuộc cũng chỉ là tin đồn?

Một số chuyên gia không chắc lắm về điều đó. Song Yuhao, nhà nghiên cứu bảo mật tại GeekPwn, cho biết nếu một ứng dụng có quyền truy xuất microphone, về mặt lý thuyết, nó có thể nghe lén được.

"Về mặt kỹ thuật, làm điều đó rất dễ. Vấn đề với lưu lượng upload không hề tồn tại bởi ứng dụng có thể chuyển lời nói thành văn bản ngay trên máy và upload nó" - GeekPwn nói. Nhưng họ còn nhấn mạnh rằng dù điều này là khả thi, không có nghĩa nó thực sự đang diễn ra.

Nhưng vấn đề là đây: dù cho kết quả của IT Times khẳng định xác suất 60-70% là quá cao để có thể gọi là "trùng hợp", họ cũng thừa nhận rằng trùng hợp là điều hoàn toàn có thể! Và phương pháp nghiên cứu của họ còn nhiều điều chưa rõ. Ví dụ, sau khi thảo luận một loại thức ăn nhất định, các phóng viên không nêu rõ liệu nhà hàng có món ăn đó có hiện ra ở ngay đầu danh sách trong ứng dụng chuyển phát thức ăn không, hay nó hiện diện ở bất kỳ đâu trong danh sách. Và bất kỳ ai từng dùng một ứng dụng chuyển phát thức ăn cũng biết rằng sự lựa chọn là rất đa dạng. (Sự thực là việc một nhà hàng Nhật hiện ra trong một ứng dụng chuyển phát thức ăn của Trung Quốc là "chuyện thường ngày ở huyện").

Việc tái lập lại các kết quả nghiên cứu cũng rất khó, bởi các ứng dụng chuyển phát thức ăn có xu hướng thay đổi các đề xuất dựa trên nhiều yếu tố, như độ tuổi, vị trí, hay lịch sử đặt hàng.

Dù vậy, sự nghi ngờ vẫn còn đó. Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc khẳng định họ từng gặp những trải nghiệm tương tự, bao gồm cả những ứng dụng thương mại điện tử như Taobao hay các ứng dụng tổng hợp tin tức như Jinri Toutiao.

"Tôi chia tay bạn trai hai tháng trước, và khi tôi dùng Taobao, nó đề xuất tôi nên mua một món đồ tự vệ!" - một người dùng Weibo bình luận về kết quả nghiên cứu nói trên như vậy - "Phải chăng Taobao đã nghe lén tôi vào đêm tụi tôi chia tay?".

Hoàn toàn hiểu được tại sao người dùng ở Trung Quốc lại ám ảnh về vấn đề quyền riêng tư. Vào tháng 4/2018, người ta phát hiện ra rằng Meituan và Ele.me dính vào một vụ rò rỉ dữ liệu cực lớn, và dữ liệu người tiêu dùng trong hai ứng dụng này đã bị mang rao bán trên một chợ đen trực tuyến.

Giống như những hoài nghi xoay quanh Facebook vẫn luôn tồn tại từ khá lâu rồi, có vẻ như những hoài nghi xoay quanh các ứng dụng thu thập dữ liệu để đưa ra đề xuất cho người dùng cũng sẽ chưa thể lắng dịu trong một sớm một chiều.

Tham khảo: AbacusNews


Theo Tấn Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên