MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân văn phòng cũng "chóng mặt" với giá thịt lợn, hàng quán đồng loạt treo biển thông báo: "Chúng tôi đã cố gắng, nhưng..."

19-12-2019 - 10:07 AM | Thị trường

Trước sức ép giá thịt lợn tăng phi mã và không có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn ở Hà Nội, như cơm bình dân, bánh mỳ, bún chả nướng, bánh cuốn,... đồng loạt treo biển tăng giá bán. Trung bình mỗi suất ăn tăng lên khoảng 5.000 - 10.000 đồng.

Vừa bước vào một quán bánh tráng nướng trên đường Bạch Mai, G. (23 tuổi, sinh viên) bất ngờ với tấm biển "tăng giá thực đơn" dán trên tường. Lúc này, chủ quán mới chạy vào giải thích, "Bọn em thông cảm, giá thịt lợn tăng cao quá nên cửa hàng buộc phải tăng giá theo. Thôi, coi như lần này mang tính chất thông báo, anh vẫn bán với mức tiền cũ, bắt đầu từ lần sau em nhé".

Thời gian này, trước áp lực giá thịt lợn liên tục tăng cao, thậm chí "chạm đỉnh" trong vòng 5 năm qua, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm liên quan đến thịt lợn buộc phải tăng giá hoặc giảm bớt khẩu phần ăn của thực khách. Trên thực tế, tình trạng khan hiếm thịt lợn khiến chủ kinh doanh phải đắn đo suy nghĩ làm sao để giữ chân khách hàng, nếu bớt thịt thì khách chê, còn tăng giá quá cao thì khách bỏ quán!

Dân văn phòng cũng chóng mặt với giá thịt lợn, hàng quán đồng loạt treo biển thông báo: Chúng tôi đã cố gắng, nhưng... - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng đồng loạt treo biển tăng giá sản phẩm hệ lụy từ bão giá thịt lợn.

"Để cửa hàng hoạt động được, giá sẽ thay đổi"

Theo khảo sát của chúng tôi, từ đầu tháng 11 năm nay, giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ dân sinh dao động từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước. Thịt ba chỉ tăng tới 230.000 đồng, sườn non giá 260.000 - 280.000 đồng. Mức giá được cảnh báo có thể tăng liên tục nhiều ngày, thậm chí biến động mỗi ngày, khiến sức mua của người dân sụt giảm đáng kể.

Tại một quán bún chả trên phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chủ quán đã dán nhiều tờ giấy thông báo, nêu rõ lý do vì giá thịt lợn tăng quá cao nên mỗi suất bún theo đó cũng sẽ tăng lên, "để cửa hàng có thể tiếp tục hoạt động".

Đại diện quán bún chia sẻ, trước đây mỗi ngày quán đón rất đông thực khách, nhiều lúc nhân viên phục vụ không kịp. Thế nhưng, kể từ đầu tháng 12, khi cửa hàng có "chính sách" tăng giá, lượng khách bắt đầu có xu hướng giảm nhiều.

"Thịt lợn tăng giá quá cao, cộng thêm một số chi phí cũng tăng theo dịp cuối năm nên ít người ăn hơn trước. Mọi khi một suất bún chả đầy đủ chỉ bán từ 30.000 đồng, nhưng nay phải tăng thêm 5.000 đồng. Chúng tôi đã có thông báo dán ngay trên tường để khách hàng nắm được và thông cảm cho chúng tôi", chủ quán nói.

Dân văn phòng cũng chóng mặt với giá thịt lợn, hàng quán đồng loạt treo biển thông báo: Chúng tôi đã cố gắng, nhưng... - Ảnh 2.
Dân văn phòng cũng chóng mặt với giá thịt lợn, hàng quán đồng loạt treo biển thông báo: Chúng tôi đã cố gắng, nhưng... - Ảnh 3.

Quán bún chả trên phố Chính Kinh vắng tanh khách sau khi thông báo tăng giá. Ảnh: Ngọc Thắng.

Trên thực tế, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn ở Hà Nội, như cơm bình dân, bánh mỳ, bún chả nướng, bánh cuốn,... đồng loạt treo biển tăng giá bán. Trung bình mỗi suất ăn tăng lên khoảng 5.000 - 10.000 đồng.

Chị T. - chủ cửa hàng bánh mỳ phân trần, tất cả thành phần từ pate, chả giò, thịt,... đều "xuất thân" từ thịt lợn. Với thực trạng hiện nay, nếu không tăng giá bánh mỳ, chị sẽ bị lỗ nặng nề.

"Cửa hàng chúng tôi đã cố gắng không tăng giá để bình ổn giá cho khách hàng trong thời gian qua. Nhưng do tình hình giá nguyên liệu tăng phi mã và không có dấu hiệu hạ nhiệt, nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá bán bánh mỳ từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng. Cá nhân tôi cho rằng mức tăng này vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn, nhưng vì khách ăn quen, nên tôi sợ nếu tăng cao quá sẽ mất khách".

Để cân đối giữa mức giá và chi phí bỏ ra, chị T. cho biết sẽ tìm mối cung cấp khác với giá cả hợp lý hơn, để đảm bảo sản phẩm vẫn chất lượng đồng thời phù hợp với túi tiền của khách hàng giữa cơn bão giá thịt lợn.

Dân văn phòng cũng chóng mặt với giá thịt lợn, hàng quán đồng loạt treo biển thông báo: Chúng tôi đã cố gắng, nhưng... - Ảnh 4.

Nhiều sinh viên vì chưa có thu nhập, chấp nhận mức tăng giá như hiện nay.

Sinh viên, dân văn phòng,... quay cuồng giữa bão giá chóng mặt

Chúng tôi có mặt tại một quán bún trên phố Bạch Mai, gần các cụm trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, tập trung rất đông các bạn sinh viên. Ngay trước cửa hàng, chủ quán đã treo tấm biển "tăng giá" với nội dung: "Do giá thịt lợn tăng quá cao, từ 14/11 quán bắt đầu bán 25.000 đồng/suất".

Chị L. - chủ quán chia sẻ, bản thân chị đã phải đắn đo suy nghĩ trước quyết định nên hay không tăng giá sản phẩm, vì khách hàng chủ yếu là sinh viên. Nhưng nếu không tăng, trong tương lai cửa hàng sẽ không đủ khả năng tiếp tục hoạt động.

"Xung quanh đây toàn cửa hàng ăn uống, họ đều đã tăng giá, nếu chúng tôi không tăng có thể sẽ lôi kéo nhiều hơn khách hàng. Nhưng từ giữa tháng 11, giá thịt tăng quá cao, chúng tôi không thể "cầm cự" hơn nữa nên buộc phải tăng. Mỗi ngày, hầu hết khách hàng đều là sinh viên tìm đến quán, chúng tôi tăng giá bún nhưng miễn phí nước uống để "xoa dịu" phần nào thực trạng này" - chị L. giải thích thêm.

Dân văn phòng cũng chóng mặt với giá thịt lợn, hàng quán đồng loạt treo biển thông báo: Chúng tôi đã cố gắng, nhưng... - Ảnh 5.
Dân văn phòng cũng chóng mặt với giá thịt lợn, hàng quán đồng loạt treo biển thông báo: Chúng tôi đã cố gắng, nhưng... - Ảnh 6.

Nhiều cửa hàng bánh mỳ tăng giá dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/ sản phẩm.

Bạn Trần Khánh Vy (sinh viên Đại học Bách Khoa) than thở, gần một tháng trở lại các cửa hàng đồ ăn đồng loạt tăng giá, sinh viên như Vy đang cố gắng tự cứu mình giữa guồng quay chóng mặt này.

"Có thể hôm nay em ăn bún, mai ăn bánh mỳ hoặc tìm các thực phẩm giá cả rẻ hơn như trứng, rau để tiết kiệm chi tiêu. Thực sự vì chưa có thu nhập, sinh viên bọn em phần lớn đều đang phụ thuộc vào gia đình, nên không có nhiều lựa chọn cho bữa ăn của mình" - Vy nói.

Anh Trung (nhân viên văn phòng, quận Cầu Giấy) thở dài kể, bình thường vợ đều chuẩn bị bữa trưa mỗi ngày cho anh. Thỉnh thoảng, anh cùng đồng nghiệp đi ăn ngoài, mức giá phải chăng chỉ từ 30.000 - 35.000 đồng. Từ thời điểm giá thịt lợn tăng, một suất bún đậu ở quán quen vì thế cũng "phi mã" lên 40.000 đồng, dân văn phòng như anh Trung đều... choáng.

"Hôm qua tôi mua một chiếc bán mỳ, giá đã tăng thêm 5.000 đồng, nhưng thịt cũng chỉ lèo tèo vài miếng. Hôm nay đi ăn bún đậu thay bữa trưa, chúng tôi đều bất ngờ khi biết mức giá đã tăng, xung quanh không hề có bảng thông báo" - anh Trung nói.

Theo Minh Nhân - Ngọc Thắng

Trí thức trẻ

Trở lên trên