MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang khoẻ chỉ 1 lần lăn ra ốm, đi khám đã suy thận giai đoạn cuối: BS chỉ ra nguyên nhân

13-11-2021 - 15:15 PM | Sống

Bệnh nhân trẻ hỏng thận - Ảnh Ngọc Minh.

Bệnh nhân trẻ hỏng thận - Ảnh Ngọc Minh.

Bệnh thận mãn tính là hậu quả của các bệnh lý khác như: bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hoá, tiểu đường…

Hỏng thận mới ân hận

Chị L.T.H (45 tuổi, tại Đông Anh, Hà Nội) làm nghề lao động tự do. Chồng mất sớm chị H một mình chăm lo cho 2 con. Chị H luôn tự hào với mọi người dù kinh tế không có nhưng lại được trời phú cho có một sức khoẻ tốt chẳng mấy khi ốm đau.

Nhờ có sức khoẻ tốt chị H có thể làm đủ thứ nghề để con tiền chăm lo cho con. Một lần đang xách hồ như mọi ngày chị thấy mặt nóng phừng phừng, buồn nôn và đau đầu khiến cho chị phải nghỉ làm hôm đó. Ban đầu chị H nghĩ mình bị trúng gió nên về nhà nghỉ ngơi sẽ khỏi.

Nhưng chị vẫn thấy mệt, người bắt đầu phù, ăn uống không ngon miệng. Anh trai chị H đến chơi thấy chị không ổn đã đưa đi khám. Khi tới bệnh viện bác sĩ tá hoả vì huyết áp chị H quá cao. Làm thêm các xét nghiệm khác chị H được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối có chỉ định lọc máu không sẽ nguy kịch tới tính mạng.

Chị H chia sẻ: "Đang khoẻ mạnh tự nhiên lăn ra ốm, giờ phải ôm máy thận suốt đời khiến tôi vẫn còn sốc lắm".

Không chỉ riêng gì chị H rất nhiều trường hợp mới ngoài 30 tuổi đã phải sống chung với máy lọc thận do hậu quả của các bệnh lý mãn tính không được kiểm soát.

Ths.Bs Nguyễn Thế Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội cho biết, trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân không đau ốm gì, một ngày đẹp trời tự dưng đau quặn bụng đi khám, sỏi thận đã rất to, chèn ép gây ứa nước, ứa mủ và hỏng thận.

Bệnh thận mãn tính là hậu quả của các bệnh lý khác như: bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hoá, tiểu đường… Thận mãn tính còn là hậu quả của các bệnh lý tại thận như: hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp, sỏi thận.

Nguyên nhân của những trường hợp hỏng thận sớm đáng tiếc khi còn trẻ thường là do không có thói quen thăm khám sức khoẻ định kỳ. Chỉ khi thấy đau, mỏi mới đi khám khi đó thận đã hỏng không thể cứu chữa được.

Không phải cứ hỏng thận là phải ôm máy suốt đời

Trên thế giới và tại Việt Nam bệnh thận mãn tính có tỷ lệ mắc chiếm từ 13-17% dân số. Bệnh thận mãn tính có nhiều mức độ khác nhau. Ở giai đoạn sớm nếu bệnh nhân tích cực bệnh nhân có thể sống chung để mức độ suy thận không tăng lên và phải lọc máu chu kỳ.Bệnh nhân suy thận ở giai đoạn cuối 4B và 5 sẽ phải chạy thận (lọc máu chu kỳ).

Đang khoẻ chỉ 1 lần lăn ra ốm, đi khám đã suy thận giai đoạn cuối: BS chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 1.

Bệnh nhân suy thận phải lọc máy chu kỳ - Ảnh minh hoạ.

Bác sĩ Lương cho hay, hiện nay có 3 phương pháp điều trị thay thế khi thận bị suy: thay thận, lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo.

Với ghép thận là phương pháp có nhiều ưu thế cho bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới nguồn tạng ghép vẫn rất khó khăn. Bệnh nhân ghép thận sẽ phải chung thành với thuốc thải ghép cả đời và sẽ rất tốn kém chi phí.

Chạy thận nhân tạo hiện nay là giải pháp khá phổ biến tại Việt Nam. Theo ước lượng có khoảng 90% bệnh nhân suy thận mãn sử dụng chạy thận nhân tạo.

Theo bác sĩ Lương, hiện nay mọi người cho rằng suy thận giai đoạn cuối sẽ phải ôm máy chạy thận suốt đời. Tuy nhiên, không phải vậy với phương pháp lọc màng bụng giúp cho bệnh nhân trở lại cuộc như bình thường.

Với phương pháp lọc màng bụng bệnh nhân sẽ chỉ phải đến bệnh viện 1 tháng/1 lần (khám, lấy dịch lọc). Như vậy, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được thời gian và giảm được các yếu tố nguy cơ nhiễm dịch bệnh trong đó có Covid-19 tới 15 lần so với điều trị bằng chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ Lương cho hay: "Hiện nay, chính sách mới của Bảo hiểm y tế đã cho phép lấy dịch lọc 2 tháng liền. Điều này đồng nghĩa với việc 60 ngày bệnh nhân mới cần phải tới bệnh viện/lần, nhờ vậy giảm thiểu được rất nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm".

Phương pháp lọc màng bụng

Hiện nay có hai phương pháp lọc màng bụng chính là lọc màng bụng liên tục bằng tay và lọc màng bụng tự động.

Lọc màng bụng liên tục ngoại trú bằng tay (CAPD): Đây là phương pháp đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm cho người bệnh. Để thực hiện được phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một ống thông gọi là catheter dưới da thành bụng vào khoang bụng. Ống này sẽ được cố định suốt trong thời gian bệnh nhân lọc màng bụng.

Sau khi đặt catheter, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn để có thể tự thực hiện thao tác lọc màng bụng bằng tay tại nhà vô cùng đơn giản, tiện lợi.

Túi dịch chuyên biệt được thay bằng tay khoảng 3-4 lần trong ngày tùy thể trạng người bệnh. Mỗi lần mất khoảng 20 - 30 phút. Người bệnh chỉ cần đến viện 1 đến 2 tháng 1 lần để thăm khám lại hoặc nhận dịch lọc.

Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP): Lọc màng bụng chu kỳ tự động được chia thành 3 loại. Một là lọc màng bụng liên tục chu kỳ (CCPD), lọc màng bụng cách quãng đêm (NIPD) và lọc màng bụng thủy triều (TPD).

Quá trình lọc thường diễn ra trong khoảng 8 - 10 tiếng, thực hiện được 3 - 7 chu kỳ lọc. Đặc biệt, ban ngày người bệnh vẫn đi làm, đi học,... bình thường. Người bệnh cũng chỉ cần đến viện 1 đến 2 tháng 1 lần để thăm khám lại hoặc nhận dịch lọc.

Tuy nhiên, loại máy này khá đắt đỏ không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng được.

Phương pháp lọc màng bụng chỉ có nhược điểm duy nhất là hiệu quả mang lại không bằng phương pháp ghép thận. Ngoài ra, lọc màng bụng vẫn gây ra các biến chứng nhưng mức độ nhẹ hơn phương pháp thận nhân tạo như thiếu máu, viêm phúc mạc, ...

Bác sĩ khuyến cáo để không hỏng thận cần đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện các bệnh lý mãn tính, sỏi thận nếu có. Bên cạnh đó, cần có lối sống sinh hoạt, ăn uống lành mạnh.

Ưu điểm của lọc thận màng bụng

- Đây là phương pháp lọc liên tục gần giống như chức năng thận, tự nhiên hơn các phương pháp chạy thận khác.

- Sử dụng phương pháp này, chế độ ăn kiêng của người bệnh ít nghiêm ngặt hơn và có thể uống nước theo nhu cầu của cơ thể.

- Phương pháp lọc màng bụng còn giúp bảo tồn tốt chức năng thận tốt hơn phương pháp khác và ít gây biến chứng trên tim mạch như tăng huyết áp, suy tim,...

- Phương pháp này không sử dụng kim tiêm, ít bị nhiễm trùng máu, ít bị viêm gan siêu vi hơn so với thận nhân tạo.

- Giúp giảm thời gian di chuyển của bệnh nhân. Thông thường bệnh nhân lọc màng bụng chỉ cần đến bệnh viện 1 - 2 tháng một lần để thái khám, kiểm tra hoặc nhận dịch, trong khi đối với phương pháp thận nhân tạo thì người bệnh cần đến bệnh viện tối thiểu 3 lần mỗi tuần.

Theo Ngọc Minh

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên