Đăng ký Internet Banking phải dùng số điện thoại chính chủ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu phải dùng SIM chính chủ để đăng ký dịch vụ Internet Banking.
- 04-02-2018Ngân hàng tiếp tục khuyến cáo người dùng cẩn trọng khi giao dịch internet banking
- 30-12-2016Sacombank sẽ tạm ngưng dịch vụ internet banking và mobile banking từ tối 31/12 đến tối 01/01
- 14-12-2016"Siết" an toàn bảo mật cho dịch vụ Internet Banking
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo số điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking) là số điện thoại chính chủ tài khoản nhằm ngăn việc bán lại cho tội phạm.
Yêu cầu của NHNN về việc phải dùng số điện thoại chính chủ khi đăng ký Internet Banking nhằm ngăn chặn việc các chủ tài khoản bán lại cho tội phạm, hoặc bị lợi dụng. (Ảnh minh họa: KT))
Yêu cầu này được đưa ra sau khi NHNN chi nhánh TP.HCM cảnh báo về một "chiêu" chiếm đoạt tiền ngân hàng qua điện thoại gần đây. Cụ thể, đơn vị này cho biết, hiện xuất hiện nhiều tội phạm giả danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thoại qua mạng Internet cho người dân.
Các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu người dân ra một ngân hàng khác để mở tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking nhưng bằng số điện thoại của kẻ lừa đảo.
Sau đó, các đối tượng đăng nhập chuyển tiền của bị hại sang tài khoản khác qua Internet Banking và chiếm đoạt tiền.
Trước những diễn biến phức tạp với thủ đoạn lừa đảo mới, NHNN đã yêu cầu trong trường hợp khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử thì nhân viên nhà băng phải trao đổi với khách, hỏi rõ số điện thoại đăng ký dịch vụ có phải của khách hàng đang sử dụng hay không để kịp thời cảnh báo.
Trong trường hợp nghi vấn mở thẻ để giao lại cho đối tượng khác thì nhân viên ngân hàng phải đề nghị khách hàng không thực hiện giao dịch để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo.
Trước đó, NHNN chi nhánh TP HCM đã gửi văn bản đến các ngân hàng trên địa bàn yêu cầu các nhà băng phổ biến, tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm đến từng cán bộ, nhân viên, giao dịch viên trong hệ thống. Đồng thời thông tin đến khách hàng để cảnh giác, không rơi vào bẫy tội phạm.
Các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu đề xuất giải pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các vụ việc lừa đảo, tránh để xảy ra tổn thất, mất an toàn hoạt động.
Trong trường hợp xảy ra các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng và ngân hàng thì phải kịp thời báo cáo cơ quan chức năng và triển khai các biện pháp xử lý kịp thời./.
VOV