Đang làm xe điện, Tesla bất ngờ "bẻ lái" đăng ký thương hiệu nhà hàng
Trước đó, hãng xe điện Mỹ cũng từng đăng ký nhãn hiệu rượu mạnh Tesla Tequila và "cháy hàng" khi ra mắt năm 2020...
- 31-05-20218 quy tắc nghiêm ngặt mà Elon Musk bắt buộc mọi nhân viên Tesla phải tuân theo
- 30-05-2021Elon Musk đặt mục tiêu mới cho Tesla: không chỉ sản xuất ô tô mà còn là một hãng robot AI
- 27-05-2021Không phải Tesla, Ford mới là hãng làm thay đổi thế giới xe điện
Hãng xe điện Tesla mới đây đã nộp đơn lên Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ để đăng ký sử dụng thiết kế logo chữ “T” của Tesla cùng hai logo cách điệu của chữ “Tesla” trong lĩnh vực thực phẩm.
Cả ba đăng ký trên đều được dùng cho “dịch vụ nhà hàng, nhà hàng lưu động, nhà hàng tự phục vụ và nhà hàng bán đồ ăn mang đi”. Nếu được chấp thuận, các đăng ký này chỉ có hiệu lực khi được sử dụng trên thực tế.
Nhiều năm nay, tỷ phú Elon Musk , CEO Tesla, đã nói về việc mở một nhà hàng ở miền nam California. Năm 2018, ông chia sẻ trên Twitter kế hoạch mở nhà hàng tại một trong các trạm sạc pin xe điện Tesla Supercharger mới của Tesla ở thành phố Los Angeles. Trước đó không lâu, Giám đốc công nghệ J.B. Straubel của Tesla cũng chia sẻ tại một sự kiện rằng công ty này “đã làm việc với một số nhà hàng về mô hình cửa hàng tiện lợi kiêm trung tâm ẩm thực tại các trạm sạc pin xe điện của hãng”.
Tháng 4 năm nay, Musk cũng ngầm xác nhận tiến độ hiện thực hóa ý tưởng đó khi đăng tải lên Twitter nói rằng: “Trạm sạc Supercharger lớn sắp có mặt ở Santa Monica! Hy vọng cũng sẽ có 50’s Diner và 100 đoạn phim hay nhất ở đây. Cảm ơn thành phố Santa Monica!”.
Trước đó, ông cũng bày tỏ sự phấn khích về việc bán bỏng ngô tại đây, cùng với “một màn hình ngoài trời phát những cảnh quay nổi bật trong các bộ phim hay nhất lịch sử điện ảnh”.
Theo Steven Kamali - một nhà đầu tư trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, việc đăng ký nhãn hiệu không phải là thủ tục tiêu chuẩn với hầu hết nhà hàng. Đây là việc thường thấy ở các thương hiệu muốn bắt đầu mô hình nhượng quyền hoặc phát triển ra toàn quốc. Do đó, động thái của Tesla cho thấy hãng này có kế hoạch phát triển lớn trong lĩnh vực nhà hàng.
“Các nhà đầu tư hiểu biết rộng thường đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ bằng cách nộp đăng ký nhãn hiệu”, ông Kamali, người sáng lập công ty F&B Hospitality House và The Chef Agency, cho biết “Việc này giúp ngăn chặn người khác cản trở hay cạnh tranh với họ và báo hiệu rằng họ dự kiến phát triển lớn với thương hiệu và mô hình được đăng ký”.
Em trai của Elon Musk, Kimball Musk, hiện sở hữu Kitchen Restaurant Group, công ty vận hành nhiều nhà hàng tại nhiều bang như Colorado, Illinois và Tennessee. Kimball Musk cũng là thành viên hội đồng quản trị chuỗi nhà hàng Chipotle Mexican Grill từ năm 2013 tới 2019.
Trên thực tế Tesla cũng bán rượu mạnh. Dòng rượu mạnh Tesla Tequila của Tesla đã lập tức cháy hàng sau khi ra mắt vào năm 2020. Elon Musk lần đầu tiết lộ kế hoạch bán rượu vào năm 2018 sau khi đăng ký đăng ký nhãn hiệu “Teslaquila”.
Tuy nhiên, các tài xế ở bang California có thể sẽ phải chờ lâu để được dùng bữa tại nhà hàng Tesla. Bởi kể cả khi nhãn hiệu được phê duyệt, quy trình cấp giấy phép có thể kéo dài hàng tháng, đặc biệt là tại thành phố Santa Monica.
“Nếu đó không phải là một nhà hàng hiện có và nếu nó là nằm trong một trạm sạc pin điện lớn, bạn sẽ phải xin giấy phép có điều kiện. Việc này có thể mất tới 6-9 tháng tùy từng địa điểm. Kể cả nếu đó là một nhà hàng hiện có, thì vẫn mất tới 12-14 tuần để xin giấy phép trước khi có thể bắt đầu xây dựng”, ông Josiah Citrin, người sáng lập công ty Citrin Hospitality, sở hữu nhà hàng Citrin và Melisse, cho biết.
Mặc dù vậy, Hans Röckenwagner, CEO của Röckenwagner Bakery Group, cho rằng với một công ty mang tính tương lai và tốc độ nhanh như Tesla, quy trình mở nhà hàng có thể được đảo ngược.
VnEconomy