MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau câu chuyện Chứng khoán Phương Đông đổi tên thành Tiên Phong, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú tham gia HĐQT

Sau khi phát hành riêng lẻ tăng vốn từ 240 tỷ lên 400 tỷ bằng cách phát hành 16 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân, chứng khoán Phương Đông bất ngờ đổi tên và nhận diện thương hiệu, đáng chú ý logo của doanh nghiệp này thuộc bộ logo của Ngân hàng Tiên Phong.

Cụ thể ngày 18/4, công ty đã nhận được giấy phép của UBCK điều chỉnh giấy phép thành lập đổi tên thành CTCP Chứng khoán Tiên Phong, tên viết tắt là TPS, tên giao dịch là TP Securites với vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Ngày 26/4 HĐQT Chứng khoán Tiên Phong đã đổi logo, mang bộ thương hiệu tím cam đặc trưng của TPBank đồng thời bầu ông Đỗ Anh Tú (thành viên HĐQT) giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPS nhiệm kì 2016-2021.

Đằng sau câu chuyện Chứng khoán Phương Đông đổi tên thành Tiên Phong, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú tham gia HĐQT - Ảnh 1.

Logo mới của ORS được thay thế bằng bộ nhận diện thương hiệu trùng với TPBank

Đằng sau câu chuyện Chứng khoán Phương Đông đổi tên thành Tiên Phong, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú tham gia HĐQT - Ảnh 2.

Ông Đỗ Anh Tú hiện nay đang giữ chức Tổng giám đốc CTCP Diana Unicharm và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Tú là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank. Ông Tú hiện đang nắm giữ hơn 30 triệu cổ phần TPB trị giá khoảng 640 tỷ đồng.

Đằng sau câu chuyện Chứng khoán Phương Đông đổi tên thành Tiên Phong, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú tham gia HĐQT - Ảnh 3.

Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch TPBank, Tổng giám đốc Diana Unicharm (bên trái) đứng cạnh anh trai, ông Đỗ Minh Phú

ORS đã bị hủy niêm yết 24 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 9/4/2019 do lỗ 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018), sau đó được giao dịch trên Upcom từ ngày 17/4. Sau khi đổi tên thành chứng khoán Tiên Phong, công ty đặt kế hoạch doanh thu 106 tỷ (giảm 73% năm trước), lợi nhuận trước thuế 50,8 tỷ (trong khi năm 2018 lỗ 10,66 tỷ). Công ty tiếp tục phát hành riêng lẻ 100 tỷ tăng vốn lên 500 tỷ đồng với giá chào bán 10.000 đồng/cp, thời gian dự kiến thực hiện vào quý 3 đến quý 4/2019.

Vai trò của TPBank tại ORS: Đâm lao thì phải theo lao

Chưa có một thông báo nào cho thấy TPBank đã trực tiếp rót vốn vào ORS mà hai cá nhân tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ là bà Vũ Lê Thùy Linh và bà Nguyễn Thị Minh Loan, mỗi người mua 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên thông qua logo và sự xuất hiện của ông Đỗ Anh Tú trong HĐQT TPS với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT cho thấy dấu ấn của TPBank đứng "sân sau" của chứng khoán Tiên Phong.

Nhìn lại lịch sử, Chứng khoán Phương Đông trước đó đã bị "nhấn chìm" do bị tác động tiêu cực từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn, nên thương hiệu và hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. ORS đã phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu 380 tỷ đồng từ vụ án Huyền Như.

Cụ thể, vào thời điểm năm 2011 TPBank đã ủy thác 380 tỷ đồng cho Chứng khoán Phương Đông để thực hiện các hợp đồng môi giới chứng khoán, ORS gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Tổng số tiền gửi ngân hàng của ORS tại thời điểm cuối năm 2011 lên đến hơn 1.100 tỷ đồng. Khi sự việc của Huyền Như tại Vietinbank bị vỡ lở, khoản tiền gửi của các đơn vị tại Vietinbank bị ngưng giao dịch, ORS đã phải "treo" khoản tiền gửi quá hạn tại Vietinbank cho đến năm 2018. Vào tháng 5/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử tuyên án phúc thẩm buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho chứng khoán Phương Đông 380 tỷ đồng. ORS đã hạch toán trên báo cáo tài chính 2018 khoản phải thu Huyền Như 380 tỷ đồng, giảm số dư tiền và tương đương tiền 380 tỷ đồng, hạch toán khoản phải trả TPBank giảm 380 tỷ sau khi TPBank đã bán khoản này cho CTCP mua bán nợ Thế Hệ Mới. ORS đã quyết định sử dụng Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ hơn 1 tỷ để bù đắp khoản thiệt hại của khoản tiền gửi 380 tỷ, số tiền còn lại 378,9 tỷ đã được trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho khoản phải thu của Huyền Như.

Kết quả là đến cuối năm 2018, tổng tài sản của ORS giảm từ 453 tỷ xuống còn 71,6 tỷ, công ty lỗ lũy kế 233 tỷ trên vốn điều lệ 240 tỷ, tiền và tương đương tiền còn chưa đến 20 tỷ, các hoạt động đều kiệt quệ.

Với mối quan hệ từ trước, TPBank là đơn vị rất thấu hiểu ORS và tình hình tài chính của công ty này. Hiện nay TPBank nằm trong top các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn ngành. Năm 2019, TPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2018; tổng tài sản tăng hơn 16% lên 158.000 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 20% lên hơn 142.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Ngân hàng này đặt ra tham vọng phát triển hệ sinh thái tài chính bên cạnh hoạt động ngân hàng thương mại bằng việc đầu tư mua công ty tài chính, góp vốn cổ phần công ty chứng khoán, thành lập công ty mua bán nợ… Với sự tham gia của TPBank, ORS có thể sẽ thoát khỏi cảnh "chết chìm" do tác động của vụ án Huyền Như.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên