MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau cú giảm sốc của VN-Index trước dịch virus Corona: Luôn có lực mua chờ ‘bắt đáy’, niềm tin không mất đi mà ngày càng tăng

Với nền tảng của nền kinh tế đi cùng cơ hội bên ngoài và bên trong, TTCK Việt Nam cơ bản năm nay sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài. Bằng chứng sau sự phản ứng mạnh, đến nay đà giảm của VN-Index đã không còn.

Ảnh hưởng của dịch virus Corona đã khiến chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong những ngày đầu năm mới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo số liệu chốt phiên giao dịch 4/2, chỉ số VN-Index dừng tại 929,09 điểm, giảm 3,32% so với đầu năm và năm trong top 10 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất Thế giới tính từ đầu năm 2020.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ mới đây, đại diện CTCK Mirea Asset nhận định TTCK Việt Nam hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch cúm đang có xu hướng đi xuống, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn đó tiềm năng tăng trưởng. Thậm chí, đây có thể là cơ hội để mua vào cổ phiếu có câu chuyện tốt trong tương lai.

Phân tích sâu, thống kê sự tương quan giữa diễn biến nCoV và chỉ số VN-Index, tính chung 3 ngày tết từ 30/1-4/2 VN-Index giảm đâu đó 100 điểm, tức quét sạch thành quả tăng trưởng của cả năm 2019.

Như vậy, không thể phủ nhận dịch bệnh đã có tác động khá lớn lên TTCK Việt Nam, tuy nhiên có quá bi quan hay không?

Theo đánh giá của ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng Phân tích CTCK Mirae Asset: "Điều này không quá bi quan bởi thà giảm nhanh như vậy còn hơn kéo dài. VN-Index đã từng trải qua nhiều lần biến động mạnh, và có những thời điểm giảm dài khiến nhà đầu tư vô cùng chán nản. Với dịch virus Corona, đà giảm nhanh và nhà đầu tư coi như làm lại từ đầu".

Câu hỏi đặt ra là, TTCK có thể tăng trưởng trở lại hay không?

Trả lời, đại diện Mirae Asset khẳng định có một điểm tích cực trong quá trình điều chỉnh để cho thấy thị trường có thể trở lại, chính là điểm số càng giảm thì thanh khoản càng tăng. Thống kê cho thấy, ngày đầu giảm điểm là ngày 30/1 thanh khoản thị trường tăng 30% so với tháng gần nhất, ngày thứ 2 giảm điểm thanh khoản tiếp tục tăng 49%, thậm chí mức tăng lên đến 68% ngày tiếp theo. Như vậy, hiểm nôm na khi TTCK có một lực đè thì luôn có một lực chờ sẵn để hấp thụ, tức ‘bắt đáy’.

"Nhiều nhà đầu tư chờ đợi giá thấp để mua vào", ông Minh nhấn mạnh, do đó đằng sau sự sụt giảm mạnh của TTCK là một phản ứng tích cực khi dịch ngày càng lây lan, không riêng tại Việt Nam mà cả thị trường Mỹ, Hong Kong đã bắt đầu đi ngang và bật tăng trở lại.

Đằng sau cú giảm sốc của VN-Index trước dịch virus Corona: Luôn có lực mua chờ ‘bắt đáy’, niềm tin không mất đi mà ngày càng tăng - Ảnh 1.

Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư mua vào những cổ phiếu tốt. Cụ thể, trong số những ngành giảm điểm trước ảnh hưởng của dịch cúm, ngành bảo hiểm ghi nhận mức giảm cao nhất với hơn 15%. Theo ông Minh đánh giá tích cực cho nhóm này khi nhu cầu mua bảo hiểm mới cho sức khoẻ trong bối cảnh dịch nhiều sẽ tăng, tâm lý người dân sẽ lo lắng cho sức khoẻ nhiều hơn, kết quả doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có thêm nhiều hợp đồng mới.

Ngành thứ 2 giảm mạnh là điện nước (Utility) với hơn 10%, có thể lý giải do sản xuất hoãn dẫn đến điện nước tiêu thụ thấp. "Tuy nhiên đây là những mảng thiết yếu dù nền kinh tế có thay đổi như thế nào, thực tế mảng Utility còn là ngành phòng thủ trú bão cho nhà đầu tư nếu dịch kéo dài trên thế giới", đại diện đơn vị này cho hay.

Ngược lại, có 2 ngành không giảm là ngành dược và thiết bị y tế, nhưng đây là 2 ngành khó đầu tư, theo Mirea Asset, vì thanh khoản thấp, chỉ một số nhà đầu tư hưởng lợi bởi không phải ai cũng có thể tham gia mua được. Do đó đà tăng này theo ông Minh sẽ không được kéo dài.

Niềm tin không mất đi mà ngày càng tăng

Đằng sau cú giảm sốc của VN-Index trước dịch virus Corona: Luôn có lực mua chờ ‘bắt đáy’, niềm tin không mất đi mà ngày càng tăng - Ảnh 2.

Đại diện CTCK Mirea Asset chia sẻ.

Trở lại với TTCK Việt Nam, nếu so sánh với trước đây khi chỉ số giảm điểm không có ai mua, thì hôm nay người mua luôn ‘túc trực" và lực bắt đáy rất mạnh, thể hiện niềm tin vào thị trường không mất đi mà ngược lại ngày càng tăng.

Bổ sung, Giám đốc vùng Mirea Asset cho rằng bệnh dịch Corona cũng chỉ là một vấn đề của thị trường như nhiều lần trước đó, và sự phản ứng của chỉ số cũng hết sức bình thường.

Song, cần nhìn nhận rõ nền tảng của nền kinh tế Việt Nam hiện tại mới là cốt lõi, tăng trưởng GDP ~7% năm 2019, tỷ giá ngoại hối ổn định…, cùng với một số cơ hội mới trong năm 2020 như hiệp định thương mại giữ Việt Nam với EU. Mặt khác, sự dịch chuyển nguồn lực từ Trung Quốc ra các quốc gia khác vẫn tiếp tục, cơ hội theo đó ngày càng mở rộng cho khu vực ASEAN bao gồm Việt Nam. Về nội lực, HoSE cũng vừa đưa ra các chỉ số mới.

Tựu chung, với nền tảng của nền kinh tế đi cùng cơ hội bên ngoài và bên trong, TTCK Việt Nam cơ bản năm nay sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài. Bằng chứng sau sự phản ứng mạnh, đến nay đà giảm của VN-Index đã không còn. TTCK Việt Nam theo đó chỉ còn đi ngang chờ đợi kết quả ứng phó với đại dịch, thời gian tới dự báo tăng trưởng trở lại.

Mặc dù đánh giá 6 phiên giảm sâu đã phản ánh toàn bộ dịch cúm virus Corona, đại diện Mirea Asset vẫn khuyến cáo nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình cho cả quý 1/2020, khi mà một số quỹ có dấu hiệu rút vốn ngắn hạn đang gây áp lực trên thị trường.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên