Đằng sau phiên bán tháo tạo nên cú sụt giảm 31 điểm ngày 11/04/2018
Chuyên viên đặt lệnh của HSC cho biết, nhà đầu tư vẫn mua vào mạnh ở mặt bằng giá thấp. CTCK này cho rằng, đây không phải là một phiên điều chỉnh đáng lo ngại mà là một phiên giảm "có trật tự".
Phiên giao dịch ngày 11/04 kết thúc với mức giảm 31 điểm của VN-Index, tương đương 2,6%. Mốc "đỉnh lịch sử" vừa được chinh phục là 1.170 điểm đã bị xuyên thủng và điều này được các chuyên gia cảnh báo trước đó, khi thị trường vận động yếu ớt tại mốc 1.200 điểm.
Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho cú bán tháo trong 40 phút cuối phiên. Nỗi lo về việc quy định tăng tỷ lệ ký quỹ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ được áp dụng trở lại, quan ngại về căng thẳng chính trị Mỹ - Nga – Syria đã kích hoạt tâm lý tiêu cực trên thị trường là 2 lý do được nhắc đến nhiều nhất.
Nhà đầu tư vẫn mua vào mạnh ở mặt bằng giá thấp
Theo đánh giá của CTCK HSC, áp lực chốt lời hiện tại không chịu ảnh hưởng từ thị trường khu vực hay thị trường Phố Wall mà xuất phát từ nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có thể thấy trong thời gian qua, VN-Index đi lên nhờ cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Dù có một khoảng thời gian ngắn, dòng tiền luân phiên sang nhóm cổ phiếu khác nhưng cuối cùng vẫn là ngân hàng và bất động sản là dòng kéo chỉ số lên. Như vậy, HSC đánh giá thị trường tăng tập trung ở một số quá ít mã và nhà đầu tư cần xem lại để tìm ra một nhóm cổ phiếu tăng mới.
"Mặc dù Vnindex giảm mạnh, thì đây không phải là một phiên điều chỉnh đáng lo ngại mà là một phiên giảm "có trật tự" – HSC đánh giá.
CTCK này cho biết, chuyên viên đặt lệnh của HSC cho thấy nhà đầu tư vẫn mua vào mạnh ở mặt bằng giá thấp. Và phiên 11/04 có lẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý chung hiện nay của thị trường, mà chỉ cho thấy một điều là trước mắt mốc 1.200 là mốc tương đối khó vượt.
"Và chắc chắn Vnindex sẽ lại sớm nỗ lực một lần nữa để bứt phá khỏi mốc này vì dòng tiền đổ vào thị trường cả từ nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực. Đồng thời, hiện thị trường cũng đang tỏ ra nhạy cảm hơn và cần một môi trường vĩ mô ôn hòa để có thể tăng tiếp." – HSC nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, động thái bán ròng của khối ngoại hôm qua có thể đến từ các quỹ ETFs.
Sau những vụ "Căng thẳng chính trị", thị trường chứng khoán vẫn đi lên
Với một quan điểm khác, CTCK Rồng Việt lại cho rằng, việc bán ròng 290 tỷ đồng của khối ngoại không xuất phát từ 2 quỹ ETFs ngoại mà có thể tạm thời được kết luận là các quỹ đầu tư chủ động có thể đã thực hiện chốt lời một phần để bảo toàn vốn trước biến động của thị trường.
Theo góc nhìn từ chỉ số CDS 5 năm, các chuyên gia phân tích của Rồng Việt đánh giá, chỉ số CDS 5 năm của Việt Nam trong vòng 1 năm trở lại đây đã tăng dần sau khi giảm liên tục trong năm 2017. Đặc biệt trong tháng Ba, chỉ số tăng rất mạnh gần 20 điểm, tương ứng với khoảng thời gian thị trường điều chỉnh trước quan ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Kể từ tuần cuối tháng Ba, chỉ số giảm trở lại khoảng 5,8%.
Các chỉ số CDS các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia cũng vận động tương tự. Tuy nhiên, theo dữ liệu cập nhật đến hiện tại ngày 11/04 thì các chỉ số CDS lại có dấu hiệu tăng trở lại.
CDS (Credit Default Swap, hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ) có vai trò tương tự như một hợp đồng bảo hiểm. Giá của hợp đồng CDS cao thể hiện lo ngại về rủi ro vỡ nợ của một trái phiếu lớn. Ví dụ hợp đồng CDS 5 năm của trái phiếu Việt Nam là 250, tức là mức giá để bảo hiểm rủi ro vỡ nợ cho 1 triệu USD trái phiếu Việt Nam trong vòng 5 năm tới là 250 USD.
"Chưa có dữ liệu tại thị trường Việt Nam nhưng với vận động tương đối đồng pha này so với các thị trường khác thì nhiều khả năng chỉ số CDS của Việt Nam cũng tăng trở lại trong phiên 11/04 hôm nay." – báo cáo viết.
Tuy nhiên, Rồng Việt cũng cho rằng, do CDS liên tục biến động zig-zag nhỏ trong thời gian hơn 1 tháng vừa qua nên cần theo dõi chỉ số này trong thời gian sắp tới nhằm có cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng vận động dài hạn, xem liệu rằng đã giảm của chỉ số CDS đã thực sự kết thúc hay chưa. Thông thường, chỉ số này và chỉ số VNIndex có tương quan nghịch với nhau.
Tóm lại, ở góc nhìn chỉ số CDS và dòng vốn ngoại đang cho thấy những phản ứng nhất thời của nhà đầu tư trước thông tin bất ổn chính trị thế giới. Có lẽ, nhà đầu tư cần đưa thêm hai chỉ báo này vào hạng mục theo dõi để xem xét vận động của thị trường trong thời gian sắp tới. Hiện tại, hành động tốt nhất vẫn là bảo toàn vốn và mua/bán có chọn lọc thay vì bán tháo hàng loạt.
Nhìn lại ảnh hưởng từ căng thẳng kinh tế - chính trị thế giới đến Việt Nam thời gian gần đây, VDSC nhận thấy xu hướng tăng dài hạn của thị trường là khá vững. Giai đoạn giữa tháng Tư năm 2017, thời điểm Mỹ đánh bom Afganistan sau khi nã tên lửa vào Syria, ghi nhận VNIndex giảm điểm hơn 3% trong 4 phiên liên tiếp. Nhưng sau đó, thị trường nhanh chóng phục hồi và tiếp tục tăng mạnh trong những tháng sau đó. Hay gần đây nhất là phiên ngày 23/03, đứng trước nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, VNIndex "bốc hơi" gần như toàn bộ thành quả trong vòng một tuần, nhưng sau đó cũng nhanh chóng quay lại đường đua và chinh phục đỉnh lịch sử 1.170.