Đằng sau sự ra đi của "người hùng Zimbabwe": Khi nhân dân nổi giận
Các nhà chỉ huy quân sự khẳng định đây không phải là một cuộc đảo chính mà là một nỗ lực nhằm bảo vệ an toàn cho Tổng thống Mugabe khỏi bọn tội phạm.
- 21-11-2017Zimbabwe gửi thông điệp gì đến cả thế giới khi Tổng thống 93 tuổi đồng ý từ chức?
- 20-11-2017Nền kinh tế Zimbabwe đã tiến tới bờ vực sụp đổ như thế nào?
- 20-11-2017Tổng thống Zimbabwe đồng ý từ chức
Cuộc chuyển giao "không đổ máu"
Những biến động tại Cộng hoà Zimbabwe gần đây đang thu hút sự quan tâm to lớn của dư luận châu Phi và thế giới. Ngày 14/11/2017 quân đội Zimbabwe đã đứng lên giành chính quyền và đặt Tổng thống Robert Mugabe dưới sự quản thúc tại gia. Quân đội cũng chiếm đài truyền hình, các cơ quan chính phủ và triển khai lực lượng ở khắp mọi nơi trong thủ đô Harare.
Các nhà chỉ huy quân sự khẳng định đây không phải là một cuộc đảo chính mà là một nỗ lực nhằm bảo vệ an toàn cho Tổng thống Mugabe khỏi bọn tội phạm.
Việc làm này của quân đội đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân cũng như nhiều nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền, coi đây là biện pháp duy nhất để chấm dứt sự cai trị của Tổng thống Mugabe. Ngày 21/11/2017, trước sức ép của quân đội và quần chúng nhân dân, ông Mugabe buộc phải chấp nhận từ chức.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự can thiệp của quân đội.
Ông Robert Mugabe trong những năm đầu ở vị trí Tổng thống (1982). Ảnh: Hans van Dijk / Anefo
Trước tiên phải nói đến là uy tín của Tổng thống Mugabe gần đây bị suy giảm nghiêm trọng do ông cầm quyền quá lâu. Ông Mugabe cầm quyền 37 năm kể từ khi Zimbabwe giành được độc lập từ tay thực dân Anh năm 1980 và mặc dù nay đã ở tuổi 93 ông vẫn không chịu rời bỏ ghế, bất chấp quân đội và người dân xuống đường đòi ông phải ra đi.
Tên tuổi của ông Mugabe gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bảo vệ quyền lợi của người da đen trong thời kỳ thuộc địa. Nhưng, nhà lãnh đạo đã từng đóng vai trò lịch sử ở đất nước Zimbabwe này qua nhiều năm đã trở thành nhà độc tài, dùng biện pháp đàn áp để triệt hạ các đối thủ của mình.
Về kinh tế, Zimbabwe đang tiến tới bên bờ sụp đổ. Chính phủ không thể trả được các khoản vay nợ nước ngoài do ngân khố trống rỗng. Tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy, có năm lên tới con số kỷ lục 79,6 tỷ %, đồng tiền Zimbabwe không còn giá trị gì. Thu nhập của người dân giảm 15% so với năm 1980. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 90%.
Đây là chưa kể đến nạn hạn hán liên tục hoành hành làm khoảng 2,5 triệu người dân thiếu lương thực, thực phẩm, trong khi đó nhiều nguồn tin cho biết chi phí của các chuyến đi nước ngoài của Mugabe năm 2017 ước tính khoảng 40 triệu USD, riêng bữa tiệc mừng sinh nhật lần thứ 92 của ông cũng tiêu tốn hết 1 triệu USD.
Bước ngoặt chính dẫn đến làn sóng chỉ trích ngày càng tăng nhằm vào ông Mugabe trong hai năm trở lại đây, hối thúc quân đội can thiệp để khôi phục lại trật tự là việc sa thải phó Tổng thống Joyce Majuru tháng 12/2014 và ý đồ đưa vợ mình Grace Mugabe làm người kế nhiệm.
Mới đây nhất, ngày 6/11/2017 ông đã cách chức phó Tổng thống đương nhiệm Emerson Mnangagwa, người được quân đội ủng hộ. Đây là giọt nước tràn ly.
Ông Robert Mugabe và vợ, Grace Mugabe. Ảnh: Reuters
Việc sa thải bà Joyce Majuru, người đại diện cho xu hướng ôn hoà trong đảng cầm quyền ZANU-PF (Zimbabwe African National Union-Patriotic Front) đã dẫn đến sự xuất hiện của các chính trị gia trẻ tuổi hơn theo đường lối cứng rắn hay còn được gọi là thế hệ G-40 (Generation 40), làm gia tăng làn sóng bạo lực trong nội bộ đảng trong năm 2015 và xảy ra đụng độ giữa tầng lớp thanh niên liên minh với nhóm G-40 và những người ủng hộ phó Tổng thống Emerson Mnangagwa ở Harare trong thời gian vợ của ông Mugabe giữ chức Chủ tịch Hiệp hội phụ nữ Zimbabwe thuộc đảng ZANU-PF.
Mặt khác, Hiệp hội cựu chiến binh giải phóng Zimbabwe ZLWVA (Zimbabwe National Liberation War Veterans Association) đã phản đối việc đưa Grace Mugabe lên kế nhiệm chồng, đồng thời tuyên bố không ủng hộ Mugabe nữa do ông đưa các phần tử G-40 vào nắm giữ các vị trí then chốt trong đảng và khai trừ một loạt các cựu chiến binh khỏi đảng.
Những phản ứng trái chiều
Sau khi Tổng thống Mugabe bị quản thúc tại gia, 115 nhóm thuộc các tổ chức xã hội đã kêu gọi ông từ chức. Nhiều nhà lãnh đạo đối lập, trong đó có đối thủ chính trị chủ yếu là Morgan Tsvangirai trong thời gian Mugabe cầm quyền chỉ ngồi giấu mình chờ thời, không phát biểu gì thì nay cũng cho rằng đã đến lúc Mugabe phải ra đi.
Hàng ngàn người đã đổ ra đường phố của thủ đô Harare và nhiều thành phố khác ăn mừng quân đội kiểm soát hoàn toàn đất nước. Truyền hình nhà nước tuyên bố 8 trong tổng số 10 chi nhánh của đảng ZANU-PF đã bỏ phiếu bất tín nhiệm Mugabe với tư cách là lãnh tụ của đảng và người đứng đầu đất nước.
Người dân xuống đường ăn mừng sau khi ông Mugabe từ chức. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh này, nhiều người cho rằng, sự can thiệp của quân đội lật đổ ông Mugabe là nhằm ngăn cản các tổ chức của đảng cầm quyền, từ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các tổ chức đảng ở địa phương.... ủng hộ Grace Mugabe, chấm dứt cuộc xung đột từ lâu về việc ai sẽ là người xứng đáng được giao trọng trách bảo vệ di sản ý thức hệ của đảng ZANU-PF.
Các nhà quân sự đã cực lực bác bỏ thông tin cho đây là một cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Robert Mugabe bởi vì thuật ngữ nhạy cảm này có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt trong quan hệ với các tổ chức khu vực và quốc tế.
Hành động can thiệp của quân đội ở Zimbabwe đang đặt các tổ chức khu vực vào tình trạng hết sức khó xử, đặc biệt là Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và Liên minh châu Phi (AU).
Nguyên tắc cơ bản của các tổ chức này là không chấp nhận việc thay đổi các chính phủ dân cử bằng các biện pháp vi hiến và phải trừng phạt các chính phủ được dựng lên bằng đảo chính quân sự. SADC đã tổ chức họp chỉ 1 ngày sau khi quân đội can thiệp vào chính trường Zimbabwe.
Tại cuộc họp này, SADC tuyên bố chưa sẵn sàng bày tỏ thái độ về cuộc khủng hoảng tại Zimbabwe mặc dù không tán thành sự can thiệp của quân đội nước này. Tuy nhiên, SADC cũng không sẵn sàng hỗ trợ ông Mugabe bằng cách gửi quân hay dùng sức ép kinh tế.
Năm 1998, SADC đã gửi quân đến Lesotho để dẹp cuộc đảo chính quân sự. Nhưng SADC còn thiếu kinh nghiệm về can thiệp quân sự vào một nước lớn như Zimbabwe.
Quan hệ giữa đảng ZANU-PF của Robert Mugabe với các đảng tiến bộ khác ở miền Nam châu Phi, trong đó có đảng Đại hội dân tộc ANC (Africa National Congress) ở Cộng hoà Nam Phi và đảng SWAPO (South West African People's Organisation) ở Namibia vẫn tốt.
Năm ngoái Jacob Zuma, Chủ tịch đảng ANC vẫn coi Robert Mugabe là một nhà lãnh đạo cùng thế hệ với ông tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân giành thắng lợi ở châu Phi.
Trong khi đó, Chủ tịch cao ủy Liên minh châu Phi AU Moussa Faki Mohamed đã lên án những thay đổi vi hiến, trái với nguyên tắc cơ bản của của Liên minh, đồng thời kêu gọi chính quyền Zimbabwe xử lý các vấn đề trong khuôn khổ luật pháp.
Thái độ của cộng đồng quốc tế cũng khác nhau. Một số nước lo ngại Zimbabwe sẽ rơi vào hỗn loạn hoặc đi theo chế độ quân quản. Một số nước khác thì lại hoan nghênh sự ra đi của Robert Mugabe.
Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi tất cả các bên Zimbabwe bình tĩnh và kiềm chế. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tỏ lo ngại về tình hình ở Zimbabwe và mong Zimbabwe mau chóng chuyển sang chính quyền dân sự.
Việc quân đội ra tay lật đổ Tổng thống Mugabe, mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đây là công việc nội bộ của Zimbabwe và nó phù hợp với đòi hỏi của đông đảo quần chúng nhân dân nước này khi họ muốn thoát khỏi mọi hình thức bất công và áp bức của chế độ cũ.
Quân đội Zimbabwe đã từng tham gia cuộc đấu tranh chống sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc nhất định sẽ giữ vững được các thành quả cách mạng, xây dựng một nước Zimbabwe tiến bộ và phồn vinh.
Cộng hoà Zimbabwe
Thủ đô. : Harare
Diện tích: 390.757 km2
Dân số : 16.150.362 người, 99,4% da đen, 0,2% da trắng, 0,4% da màu và Ấn Độ
Tổng thu nhập quốc nội GDP: 17,105 tỷ USD
Thu nhập bình quân đầu người: 1.149 USD
Zimbabwe nằm dưới sự đô hộ của thực dân Anh. Năm 1965, thiểu số người da trắng đơn phương tuyên bố độc lập lấy tên là Rhodesia.
Sau 15 đấu tranh, tháng 4/1980 Zimbabwe giành được độc lập và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Zimbabwe, Robert Mugabe trở thành Thủ tướng đầu tiên.
Năm 1987 đảng ZANU-PF giành thắng lợi trong bầu cử sau khi chấm dứt ách đô hộ của thiểu số người da trắng, Robert Mugabe trở thành Tổng thống từ đó đến nay.
Trí thức trẻ