Đánh "đầu rồng" Huawei, TT Trump khiến cả thành trì công nghệ của Trung Quốc chao đảo ra sao?
Chiến tranh thương mại đang là chủ đề bao phủ trung tâm thương mại số 1 của Trung Quốc - thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
Bên trong các nhà hàng, quán cà phê ở trung tâm công nghệ cao miền Nam Trung Quốc này, chủ đề được trao đổi nhiều nhất là tin đồn về các vụ IPO, sáp nhập doanh nghiệp hay đổi mới để ứng phó trước chiến tranh thương mại với Mỹ, cũng như chiến dịch của chính quyền tổng thống Donald Trump nhằm vào hãng Huawei.
Mọi câu chuyện dường như đều tập trung về Yuehai - quận phía Tây thành phố Thâm Quyến và là nơi đặt trụ sở của hãng kinh doanh mạng xã hội khổng lồ Tencent, nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE, và hãng chế tạo máy bay không người lái DJI. Các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc tại đây đông đúc đến mức người ta nói đùa rằng dường như thương chiến đang diễn ra giữa Mỹ với thành phố Thâm Quyến, hay thậm chí là quận Yuehai.
Trong 40 năm qua, Thâm Quyến đã chuyển mình từ một làng chài nhỏ gần Hồng Kông, trở thành thành phố có hơn 12 triệu dân và lĩnh vực công nghệ đem lại hơn 1/3 GDP. Vai trò của các ngành công nghệ trong cơ cấu thu nhập của Thâm Quyến khiến nhiều người lo ngại sự phát triển ở đây sẽ chịu tác động xấu từ thương chiến.
Một nhân viên công nghệ tên Lin nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), "Chiến tranh thương mại sẽ có ảnh hưởng lâu dài, bao gồm trong kinh danh và với toàn bộ thị trường".
Một nhân viên công ty mạng cho biết anh bắt đầu lo ngại về khả năng các sản phẩm và chiến lược kinh doanh của công ty mình bị ảnh hưởng.
Chính phủ Trung Quốc có những chương trình to lớn cho Thâm Quyến. Nơi này được hoạch định trở thành trung tâm sáng tạo và đổi với trong kế hoạch Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macau (GBA), hay còn gọi là Vành đai tam giác đô thị Châu Giang (Pearl River Delta) - khu vực bao gồm 9 đô thị và 2 đặc khu hành chính ở miền Nam Trung Quốc.
Kế hoạch GBA là chương trình hướng tới tạo dựng một tổ hợp thế lực kinh tế đối trọng với San Francisco hay Vịnh Tokyo.
Tuy nhiên, đứng trước các biện pháp thuế quan leo thang của Mỹ từ tháng 5/2019, cùng với chiến dịch chống lại hãng viễn thông Huawei - doanh nghiệp then chốt trong hệ thống mạng 5G của Trung Quốc, các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đang phải tính toán cho một tương lai bất ổn.
Chính quyền Trump có những biện pháp mạnh nhằm trừng phạt Huawei - doanh nghiệp "đầu rồng" trong lĩnh vực công nghệ của Thâm Quyến (Ảnh minh họa: SCMP)
Mỹ tấn công "đầu rồng" của Thâm Quyến
"Huawei chính là chìa khóa," một nhà nghiên cứu chính sách ẩn danh làm việc cho chính quyền thành phố Thâm Quyến tiết lộ với SCMP.
"Huawei là công ty quan trọng nhất ở thượng tầng chuỗi giá trị, là lãnh đạo và là trung tâm của sản nghiệp [công nghệ]. Họ là 'đầu rồng' của chúng tôi."
Báo cáo hiếm hoi được Sở thống kê Thâm Quyến công bố hồi năm 2016 cho thấy, Huawei là hãng đóng góp lớn nhất cho GDP thành phố với hơn 7%, tương đương 143 tỉ nhân dân tệ (khoảng 20.6 tỉ USD). Con số này gần tương đương với tổng thu nhập mà phần còn lại của nhóm 20 doanh nghiệp hàng đầu mang về cho Thâm Quyến - bao gồm ZTE, Tencent, nhà chế tạo chip Foxconn, và hãng xe BYD.
Không có thêm số liệu nào được công bố kể từ năm 2016 bởi mức độ nhạy cảm của nó, song nhiều người tin rằng giá trị của Huawei trong cơ cấu kinh tế thành phố đã gia tăng và hãng này có thể nắm tới hơn 10% GDP của Thâm Quyến.
Huawei cùng các đơn vị nhánh của mình cũng là nguồn công ăn việc làm số 1 tại Thâm Quyến khi thuê hơn 80.000 nhân sự tại trụ sở và 3.000 nhân viên khác ở cơ sở nghiên cứu phát triển tại thành phố Đông Hoản cách đó không xa.
Nhà nghiên cứu chính sách nêu trên cho hay, chính quyền Thâm Quyến "phải làm mọi điều có thể" để giúp các công ty công nghệ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng với việc Mỹ cấm Huawei nhập khẩu linh kiện từ các công ty Mỹ, đồng thời ngăn chặn Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại Mỹ với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, thì giới chức Thâm Quyến khó có thể can thiệp được gì nhiều. Bên cạnh đó, Mỹ còn thúc giục các đồng minh hành động theo mình và "đánh bật" Huawei.
"Mọi người biết chìa khóa [cho các vấn đề của Huawei] không phải là ở Thâm Quyến. Vấn đề nằm tại Washington. Thâm Quyến không thể dàn xếp gián đoạn trong chuỗi cung ứng của hãng này và các thị trường quốc tế."
Các công ty khác dường như cũng bắt đầu bị cuốn vào cọ xát thương mại Mỹ-Trung, trong đó có DJI - hiện cung cấp gần 80% số thiết bị bay không người lái sử dụng ở Mỹ và Trung Quốc. Dù không nêu tên DJI nhưng Bộ an ninh nội địa Mỹ (DHS) gần đây cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ về rủi ro an ninh khi sử dụng thiết bị bay không người lái của Trung Quốc.
Các thông cáo của DJI đến nay vẫn né tránh vấn đề này, cho biết doanh nghiệp đang theo dõi quá trình đàm phán giữa hai nước và chưa thể dự đoán trước tương lai. Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu hãng này sẽ tự lực nhiều hơn để đề phòng kịch bản bị cô lập khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. DJI nói họ đang tìm kiếm những nguồn linh kiện tốt nhất có thể, đồng thời sẽ phát triển công nghệ của riêng mình.
Nhưng với quy mô và tầm quan trọng của mình, Huawei vẫn là ưu tiên then chốt của chính quyền Thâm Quyến. Nguồn tin của SCMP nói, "Trong khi chúng tôi vẫn trông chừng các công ty khác, chúng tôi chắc chắn sẽ tập trung nỗ lực vào giúp đỡ Huawei".
Nguồn tin thân cận với cơ quan phụ trách khoa học công nghệ tỉnh Quảng Đông tiết lộ, chính quyền tỉnh đã lập một tổ công tác để điều phối các ban ngành liên quan ở Quảng Châu, Thâm Quyến và Đông Hoản.
Tổ công tác đã gặp trao đổi với những đơn vị công nghệ đã và có thể bị tác động bởi thương chiến, nhằm thảo luận vấn đề ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những điều cần phải làm," nguồn tin cho hay. "Thúc đẩy ngành công nghệ là một quá trình lâu dài."
Thâm Quyến hiện nay là trái tim của toàn bộ sản nghiệp công nghệ tại Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Cả một hệ sinh thái phụ trợ Huawei bị tác động
Vành đai tam giác đô thị Châu Giang vây quanh Thâm Quyến là một phần trọng yếu trong chuỗi cung ứng đối với các nhà sản xuất công nghệ cao. Điều này có nghĩa là toàn bộ cụm kinh tế này có thể bị tổn hại bởi hành động của Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc.
Các đô thị lân cận Thâm Quyến đều nằm trong hệ sinh thái trị giá 3.000 tỉ tệ hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu của Thâm Quyến - với giá trị 1.600 tỉ tệ vào năm ngoái.
Allen Zhang, nhà sáng lập hãng chế tạo tai nghe Crazybaby, mô tả chuỗi cung ứng trong Vành đai tam giác là "phần quan trọng nhất khiến Thâm Quyến trở thành kinh đô sản xuất".
"Có rất nhiều thành phố vệ tinh xung quanh Thâm Quyến như Đông Hoản, Huệ Châu, Trung Sơn. Họ có thể tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để cung cấp gần như tất cả mọi thứ, từ nguyên liệu thô cho đến linh kiện máy tính, với giá thành rất thấp," ông Zhang nói.
SCMP đưa tin, Huawei đã sẵn sàng cho kịch bản gián đoạn xuất khẩu, bằng cách xúc tiến kế hoạch dự phòng và tham vấn với các nhà cung cấp của hãng. Cụ thể, Huawei liên hệ với các nhà cung cấp bên ngoài Mỹ để kiểm tra lại xem các nguồn cung này có sử dụng linh kiện hoặc công nghệ Mỹ hay không.
Tác động từ chuỗi cung ứng đối với Huawei sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vòng 2-4 tháng tới, theo Qiu Dongmin - cố vấn cấp cao của Defangxin Certified Public Accountants tại thành phố Đông Hoản, với nhiều khách hàng là các công ty chế tạo.
"Tác động từ cấm vận mảng kinh doanh điện thoại di động của Huawei sẽ không hiện hữu ngay lập tức, bởi hầu hết đơn hàng điện thoại đã được Huawei cùng các công ty lớn khác đăng ký trong giai đoạn tháng 4 tới tháng 6," Qiu nói.
"Nhưng từ tháng 8 đến tháng 10, các nhà cung ứng thường sẽ nhận đơn hàng gia tăng của Huawei và các hãng khác để đáp ứng nhu cầu thị trường đối với các mẫu điện thoại bán chạy. Đây là giai đoạn then chốt để quan sát toàn bộ chuỗi cung ứng ở Thâm Quyến, Đông Hoản và Huệ Châu."
Qiu cho rằng những công ty lớn như Huawei gần như không thể kiểm tra thông tin với toàn bộ các nhà cung ứng cho hãng.
"Các nhà cung ứng không muốn trao cho Huawei toàn bộ thông tin chi tiết về công nghệ của họ trong bất kỳ tình huống nào. Tôi tin rằng các công ty công nghệ cần đến 1 tháng để nhận ra bức tranh rõ ràng hơn, bởi hiện vẫn còn nhiều phần thông tin mâu thuẫn," ông Qiu nói.
"Điều chắc chắn là tất cả mọi người đều lo ngại. Một số lo ngại về tương lai doanh nghiệp của mình, số khác lo lắng có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Mỹ."
Ba công ty cung ứng các sản phẩm cho dây chuyền của Huawei xác nhận đại diện của hãng viễn thông Trung Quốc mới đây đã tìm đến họ để xác nhận liệu các sản phẩm và dịch vụ từ đây có chứa những công nghệ quan trọng của Mỹ hay không.
Hồi năm ngoái, ngân sách mua sắm của Huawei là 70 tỉ USD, với hơn 13.000 đối tác trong và ngoài Trung Quốc. Trong số các nhà cung ứng này, Huawei xếp 92 đơn vị vào nhóm cốt lõi đối với hoạt động của mình, bao gồm 33 công ty Mỹ và 25 công ty Trung Quốc, 11 từ Nhật và 10 từ Đài Loan, số còn lại là các đơn vị từ Đức, Hàn Quốc, Hồng Kông,...
Trụ sở Huawei tạo khoảng 80.000 công ăn việc làm cho nhân viên tại Thâm Quyến (Ảnh: Reuters)
Xuất khẩu bị ảnh hưởng
Tác động của cấm vận Mỹ đối với Thâm Quyến hay GBA không chỉ đánh vào các hãng cung ứng mà còn cả các nhà xuất khẩu. Trong khi thành phố đề xuất cấp quota xuất khẩu cho doanh nghiệp để hỗ trợ bù đắp thiệt hại từ thương mại toàn cầu, sự sụt giảm trong thương mại của Thâm Quyến với Mỹ là không thể tránh khỏi do hệ quả từ thuế quan cao.
Số liệu Hải quan Thâm Quyến cho thấy trong Quý I năm nay, kim ngạch thương mại với Mỹ chiếm 17% quy mô thương mại địa phương, trị giá 57.4 tỉ tệ, giảm 5.9% so với quý trước đó.
Guo Wanda, phó chủ tịch điều hành của Viện phát triển Trung Quốc, nói rằng chiến tranh thương mại có tác động là điều hiển nhiên, song quy mô xuất khẩu tổng thể của Thâm Quyến thực ra đã tăng trưởng 3.3% vào tháng trước.
"Các công ty có thể phải cắt giảm nhân sự, hoặc các doanh nghiệp nhỏ thậm chí phải đóng cửa, đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra," ông Guo nói. "Nhưng từ góc nhìn tổng thể của Thâm Quyến, tác động [của thương chiến] là kiểm soát được. Nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thành phố, nhưng không có nghĩa là [tình hình kinh tế] sẽ lao dốc mạnh."
Guo chỉ ra, với những thành phố có nhiều đơn vị xuất khẩu trên địa bàn như Đông Hoản hay Phật Sơn, thuế quan của Mỹ có thể sẽ gây ra ảnh hưởng sâu sắc hơn. Bất chấp sức ép gia tăng từ Washington, những công ty ở vùng GBA đã đẩy mạnh phát triển hệ thống 5G.
"Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ bởi Vùng vịnh lớn có hai trong số những doanh nghiệp đi đầu về 5G là Huawei và ZTE," ông Guo nhận định. "Cũng có những cơ hội khác nữa. Huawei đang sử dụng đến phương án dự phòng, bao gồm các bộ phận và hệ điều hành của chính họ. Điều này sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới để dẫn dắt sự tăng trưởng của phát triển công nghệ."
Nỗ lực của Thâm Quyến
Chính quyền Thâm Quyến đang tiếp tục đầu tư mạnh tay vào khu vực công nghệ. Theo số liệu chính thức, thành phố đã chi ra khoảng 100 tỉ tệ - tương đương 4.16% GDP địa phương - cho hoạt động nghiên cứu phát triển vào năm 2018, tăng nhẹ so với mức 4.13% của năm trước đó.
Thâm Quyến có kế hoạch tăng mức đầu tư trên lên 4.25% GDP vào năm 2020, vượt qua mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ trung bình 4.20% mà các nước đi đầu về công nghệ như Đức, Hàn Quốc,... bỏ ra.
Thành phố cũng tìm cách gây dựng các sản nghiệp mới nổi mang tính chiến lược - bao gồm trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới. Các ngành này đóng góp 37% GDP thành phố trong năm ngoái, giảm so với mức 40% trong 2 năm trước đó. Tính đến cuối giai đoạn kế hoạch 5 năm hiện nay của Trung Quốc (kết thúc năm 2020), tỉ trọng mục tiêu của các lĩnh vực này tại Thâm Quyến là 42% GDP.
Thâm Quyến còn tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm thuế để khích lệ đổi mớ và thu hút nhân tài công nghệ cấp cao - một chính sách hiệu quả nhằm thúc đẩy các gói thanh toán hào phóng hơn mà không khiến nhà tuyển dụng tốn thêm chi phí.
Tại Diễn đàn tương lai 2019 tổ chức tháng trước, phó thị trưởng Thâm Quyến Wang Lixin tuyên bố chính quyền thành phố sẽ giảm thuế cho các nhân tài cả bản địa và nước ngoài. Một số cá nhân xác định sẽ không phải nộp thuế thu nhập qua 15%/năm.
"Giả sử bạn kiếm được 1 triệu tệ một năm. Vậy theo quy định mới bạn sẽ đóng 150.000 tệ thuế thu nhập, tiết kiệm được đến 300.000 tệ so với mức thuế hiện nay," ông Wang nói.
Trong khi các giải pháp chính sách khác tiếp tục được cân nhắc, nhà chức trách cũng có bước đi cụ thể để hỗ trợ xuất khẩu.
Ivan Zhai, giám đốc điều hành Phòng thương mại Hồng Kông tại Quảng Đông, cho biết các công ty, đặc biệt là những đơn vị xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, đã xin tư vấn từ Sở thương mại Thâm Quyến về chính sách mới nhất của Mỹ.
"Bên cạnh ứng phó với thuế quan gia tăng, mối quan ngại chủ chốt còn liên quan đến cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ theo Điều 337 [của Luật thương mại Mỹ 1930]," ông Zhai nói, cho biết điều tra của Mỹ liên quan tới những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ - vấn đề then chốt khiến Mỹ bất mãn với Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại, mà theo các nhà xuất khẩu Trung Quốc thì [các vụ điều tra] ngày càng diễn ra thường xuyên.
"Các công ty đã xin được đào tạo vào hè năm ngoái về cách thức để tuân thủ Điều 337, cũng như cách khiếu nại nếu họ bị xác định là vi phạm quy định."
Trí thức trẻ