MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh mục tín dụng - tài trợ thương mại của IBEC tăng gần 10 lần trong gần 2 năm

27-11-2019 - 20:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết hoạt động của IBEC đến nay đã được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Tại Diễn đàn kinh doanh Hội đồng Ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế (IBEC) với chủ đề “Tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung - Đông Âu và Á - Âu” diễn ra sáng 27/11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động của IBEC đến nay đã được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của các nước thành viên.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 30/9/2019, danh mục tín dụng - tài trợ thương mại của IBEC đạt 219,5 triệu EUR, tăng gần 10 lần so với thời điểm cuối năm 2017 (22 triệu EUR). 

IBEC cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua khi tháng 3/2018, IBEC lần đầu tiên tham gia xếp hạng tín nhiệm và được Fitch cấp xếp hạng tín nhiệm mức BBB-, triển vọng ổn định và mức xếp hạng này tiếp tục được duy trì đến hiện nay. Tháng 10/2019, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, IBEC đã phát hành thành công đợt trái phiếu đầu tiên tại Nga với quy mô gần 99 triệu EUR, qua đó giúp IBEC tiếp cận nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn và đánh dấu bước tiến mới trong hoạt động của IBEC, góp phần củng cố hình ảnh và vị thế của IBEC trong cộng đồng tài chính quốc tế. 

Một trong những định hướng quan trọng được tất cả các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ trong Chiến lược Phục hồi và Phát triển của IBEC là việc tập trung phát triển chức năng cung cấp tài trợ thương mại cho giao dịch giữa các nước thành viên và giữa các nước thành viên với phần còn lại của thế giới. “Đây là định hướng rất phù hợp với mô hình phát triển của các nước và thế mạnh của Ngân hàng” Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Phó Thống đốc cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia định hướng xuất khẩu và thời gian qua Chính phủ đã và đang đẩy mạnh các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực với việc ký kết và triển khai một loạt các Hiệp định thương mại tự do, tạo khuôn khổ cũng như tiền đề và động lực cho thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước liên quan. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU là một trong những cơ sở nền tảng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước thành viên IBEC thuộc khu vực Trung-Đông Âu và Á-Âu.

IBEC là một tổ chức tài chính quốc tế gồm 8 nước thành viên (Bungari, Việt Nam, Mông Cổ, Ba Lan, Liên bang Nga, Rumani, Slovakia và Cộng hòa Séc) được thành lập năm 1963 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (khối SEV cũ), có trụ sở đặt tại Matxcơva, Liên bang Nga. Nhiệm vụ chính của IBEC là tài trợ thương mại, cấp tín dụng, thanh toán đa phương và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác để hỗ trợ các nước thành viên thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế. Việt Nam tham gia tổ chức tài chính quốc tế IBEC năm 1977.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên