Danh sách bí ẩn sai phạm rừng Sóc Sơn: Cần công khai!
Trong danh sách chủ nhân những căn biệt thự trên đất rừng Sóc Sơn nếu có tên của quan chức nhà nước thì cần làm rõ nguồn tiền đâu để xây dựng.
- 31-10-2018Cưỡng chế 27 công trình 'xẻ thịt' rừng Sóc Sơn
- 31-10-2018Chủ tịch Hà Nội: Xử nghiêm vụ 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn bất kể là ai
- 26-10-2018Biệt phủ ở Sóc Sơn: Đình chỉ công tác Chủ tịch xã Minh Phú
Tại sao chưa công khai?
Sáng ngày 1/11/2018, ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn - TP. Hà Nội) cho biết, trong danh sách những công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ trên địa bàn có trường hợp cả gia đình xây dựng nhiều căn biệt thự xung quanh hồ Đồng Đò.
"Đứng đầu xây dựng sai phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là gia đình bà Lan Hương. Trước đây bà này là nhà thiết kế thời trang, sau đó mua đất trên địa bàn để xây dựng biệt thự chuyển về sinh sống.
Một thời gian sau, con gái, con trai của bà Lan Hương cũng mua đất ở đây để xây biệt thự. Công trình Hoàng Lê Gia Garden là của gia đình bà nay" - ông Cường cho biết.
Theo Trưởng thôn Minh Tân, trong số 27 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ trên địa bàn, có nhiều chủ nhân là người dân bản địa đã đến sinh sống vùng đất này từ lâu. Đó hầu hết là những người sống qua nhiều thế hệ ở thôn Minh Tân.
Trước đây, thanh tra xây dựng xã Minh Trí có biết việc xây dựng này nhưng do nhiều yếu tố nên vẫn để cho xây dựng.
"Thời gian gần đây có chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thì phía chính quyền xã, huyện mới chuẩn bị hồ sơ báo cáo, nhận định đây là những công trình sai phạm. Hiện nhiều hộ gia đình đang làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng" - ông Cường cho biết.
Hàng loạt những căn biệt thự nguy nga, tráng lệ xây trên đất rừng ở Sóc Sơn
Ông Nhuận từ chối cung cấp bản danh sách những chủ đầu tư của 27 công trình vi phạm với lý do Thanh tra TP. Hà Nội đang vào cuộc kiểm tra. Ông Dương Văn Nhuận - Chủ tịch UBND xã Minh Trí tỏ ra dè dặt khi nói về chủ nhân của những công trình vi phạm đất rừng phòng hộ trên địa bàn mà chỉ nói chung chung "người từ nơi khác đến".
Bà Vũ Thị Tuyết Lan, Phó bí thư xã Minh Phú, cho biết trong 18 hộ vi phạm có 2 hộ người lâm trường, còn lại là người từ Hà Nội và các tỉnh mua đất xây nhà ở đây, trong đó có 2 người tên Phạm Mạnh Hà và Đào Thị Thanh Thủy.
Bà Lan chia sẻ, các hộ vi phạm là những người có địa vị xã hội, có ảnh hưởng nên trình độ hiểu biết và am tường pháp luật nên khi xử lý phải thận trọng, thẩm định các phòng ban chuyên ngành.
"Có làm nhục đâu"!
TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận, việc công khai danh sách chủ những căn biệt thự sai phạm ở huyện Sóc Sơn là điều cần thiết, giúp ích cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đang làm quyết liệt.
"Chính phủ kiên quyết trong việc xử lý đất rừng phòng hộ Sóc Sơn đến từ vấn đề vi phạm các điều luật xây dựng, bảo hộ rừng đang diễn ra phổ biến.
Hơn nữa, nếu người vi phạm là cán bộ đang làm trong các cơ quan Nhà nước thì sẽ đặt ra câu hỏi, tiền đâu để đi xây những căn biệt phủ như thế, nếu anh không tham nhũng? Nên việc xử lý các sai phạm đất rừng ở Sóc Sơn cũng là chống tham nhũng" - ông Liêm nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ: "Chống tham nhũng thì người dân lo sợ "chống từ vai, thắt lưng" trở xuống. Nên bây giờ muốn chống cho hiệu quả thì "vua con" cũng không tha. Thế thì việc gì mà phải giấu tên người vi phạm? Việc công khai người vi phạm là để răn đe, cảnh báo, ngăn chặn những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai chứ không phải là bêu nhục.
Cơ quan chức năng nên hiểu như thế để công khai nói ra chứ cần gì phải bí mật ở đây! Có những sự việc vi phạm, liên quan đến tướng ngành công an còn công khai minh bạch, kỷ luật chứ huống chi là việc này".
Vi phạm hành chính về trật tự xây dựng không như vi phạm về hoạt động mại dâm, không phải là thông tin mật ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng mà phải che giấu danh tính người vi phạm. Nếu càng che giấu danh tính người vi phạm thì càng khiến dư luận có yếu tố lợi ích nhóm trong vấn đề này.
Ông Liêm cho rằng, sai phạm tại Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra từ năm 2006, nhưng sau 12 năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí còn phình to hơn trước cho thấy việc xử lý không chỉ dừng lại ở người vi phạm mà còn cần phải xử lý những ai để cho sự vi phạm đó diễn ra.
"Chính quyền trong những năm để xảy ra vi phạm ai là người chịu trách nhiệm vấn đề này, nêu tên những người chịu trách nhiệm đó, đồng thời xem xét mức độ để kỷ luật cho dù đã về hưu hay chuyển công tác. Có như thế mới có tác dụng răn đe chứ cứ xử lý qua loa thì thiên hạ lại tiếp tục mắc sai phạm.
Ví dụ như ở Sơn Trà - Đà Nẵng chỉ nói 12 căn biệt thự vi phạm nhưng không nói rõ ai là chủ nhân các căn biệt thự đó, không nói rõ ai cho phép những căn biệt thự đó xây dựng... nên các sai phạm cứ mắc đi mắc lại, hết công trình này đến công trình khác, địa phương này đến địa phương khác" - ông Liêm cho biết.
Từng nói về vấn đề này, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An Ninh của Quốc hội cũng cho rằng, đã là rừng phòng hộ thì có lực lượng tuần tra, kiểm tra thường xuyên.
Ông Nghĩa nhận xét, các công trình vi phạm ở Sóc Sơn ở ngay bìa rừng chứ không phải ở lõi rừng.
Nếu những cán bộ được giao trách nhiệm như kiểm lâm, cán bộ chính quyền quản lý các cấp không xử lý nghiêm các chủ hộ là có dấu hiệu bao che, "bật đèn xanh".
Đất Việt