MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh sách những thành phố an toàn nhất thế giới: Sự thống trị của châu Á bị hạ bệ khi đại dịch hoành hành

21-09-2021 - 07:21 AM | Tài chính quốc tế

Danh sách những thành phố an toàn nhất thế giới: Sự thống trị của châu Á bị hạ bệ khi đại dịch hoành hành

An toàn từ lâu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với du khách khi quyết định nên ghé thăm điểm đến nào, nhất là trong thời gian đại dịch đang diễn ra trên toàn cầu. Theo đó, quan niệm về sự "an toàn" của các địa điểm đã thay đổi đáng kể.

Vị trí xếp hạng của Chỉ số các thành phố an toàn (SCI) của Economist Intelligence Unit đã có sự thay đổi trong năm nay. Đây là xếp hạng 60 điểm đến quốc tế về an ninh kỹ thuật số, an ninh y tế, cơ sở hạ tầng, an ninh cá nhân, cũng như an ninh môi trường.

Các thành phố châu Á như Tokyo, Singapore và Osaka liên tục chiếm giữ các vị trí hàng đầu năm này qua năm khác, nhưng đến năm 2021, điểm đến châu Âu giữ vị trí số một. Copenhagen, Đan Mạch lần đầu tiên được vinh danh là thành phố an toàn nhất thế giới, đạt 82,4 điểm trên 100 trong báo cáo hàng năm.

Danh sách xếp hạng những thành phố an toàn nhất thế giới

Thủ đô của Đan Mạch đã tăng từ vị trí thứ tám (năm 2019) lên đứng đầu danh sách, phần lớn là nhờ vào việc đạt điểm đặc biệt tốt về an ninh môi trường, cùng với an ninh cá nhân.

Toronto của Canada đã bỏ lỡ ngôi đầu bảng, chiếm vị trí thứ hai với số điểm chỉ kém một chút là 82,2 và Singapore đứng thứ ba với 80,7 điểm. Mặc dù đứng vị trí thứ tư, Sydney với 80,1 điểm lại đứng đầu danh mục an ninh kỹ thuật số, trong khi thành phố chiến thắng năm 2019 là Tokyo được 80,0 điểm, thành phố của Nhật Bản xếp vị trí thứ năm.

Amsterdam của Hà Lan đứng thứ sáu với 79,3 điểm. Vị trí thứ bảy thuộc về Wellington của New Zealand với 79,0 điểm, đây cũng là thành phố dẫn đầu về hạng mục an ninh môi trường.

Các thành phố ở Châu Á - Thái Bình Dương là Hong Kong và Melbourne đồng hạng tám khi nhận được 78,6 điểm. Đứng thứ 10 là Stockholm của Thụy Điển với 78,0 điểm tròn.

Sáu thành phố gồm Amsterdam, Melbourne, Tokyo, Toronto, Singapore và Sydney đều lọt vào top 10 hàng năm kể từ khi báo cáo được đưa ra vào năm 2015, trong khi đó, Copenhagen là địa điểm chỉ mới lọt top 10 kể từ năm 2019.

New York là thành phố tại Mỹ có vị trí cao nhất trong danh sách, chia sẻ vị trí thứ 11 với Barcelona của Tây Ban Nha (cả hai thành phố đều nhận được 77,8 điểm).

Washington DC xếp sau ở vị trí thứ 14, trong khi London và San Francisco đứng ở vị trí thứ 15.

Có một số bất ngờ ở cuối danh sách, với Lagos của Nigeria, Cairo của Ai Cập, Caracas của Venezuela, Karachi của Pakistan và Yangon của Myanmar chiếm năm vị trí cuối cùng.

Tuy nhiên, các thành phố có điểm tổng thể thấp nhất lại không đứng gần cuối trong tất cả các hạng mục trong những năm gần đây.

Trên thực tế, báo cáo lưu ý rằng "một số dấu hiệu tồn tại của sự thay đổi mà các nhà lãnh đạo đã thấy", với điểm của Lagos cao hơn mức trung bình về an ninh môi trường và Casablanca ở vị trí thứ 55 nhưng đứng thứ 41 về bảo mật kỹ thuật số.

Sự gắn kết xã hội

Copenhagen được đặc trưng bởi sự gắn kết xã hội tuyệt vời và khoảng cách giàu nghèo tương đối hẹp. Đây là một thành phố hòa đồng, là một nơi nhân viên dọn dẹp và CEO chào hỏi nhau tại siêu thị địa phương, con của họ còn có thể học cùng trường.

Ngoài ra, Lars Weiss, thị trưởng Copenhagen cho biết: "Một yếu tố quan trọng khiến Copenhagen trở thành một thành phố an toàn là tỷ lệ tội phạm thấp, hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua".

Sự an toàn cho cư dân

Copenhagen và Toronto rất xứng đáng với vị trí quán quân và á quân, sự thành công này phần lớn là do hiệu quả lâu dài trong việc đảm bảo an toàn cho cư dân từ những cải tiến trong hai năm qua. Bên cạnh đó, Toronto và Copenhagen đã làm tốt trách nhiệm của trụ cột an ninh môi trường hơn so với cả ba thành phố hàng đầu từ những năm trước.

Khả năng phục hồi đô thị

Không có gì ngạc nhiên khi Covid-19 liên tục được nhắc đến, đặc biệt là trong các bài đánh giá về an ninh y tế, Copenhagen được cho điểm phần này thấp hơn nhiều so với các hạng mục khác.

Theo Nima Asgari, Giám đốc Tổ chức quan sát Châu Á - Thái Bình Dương về Hệ thống và Chính sách Y tế, khả năng chống chịu của đô thị trước đây tập trung vào thảm họa và lũ lụt hơn là khủng hoảng sức khỏe, "có thể vì mọi người chưa bao giờ nghĩ rằng hệ thống y tế sẽ sụp đổ do nhu cầu liên tục từ các đợt bùng phát dịch bệnh".

Báo cáo cho thấy phần còn thiếu này có thể dẫn đến việc một số điểm đến được chuẩn bị ít kỹ lưỡng hơn, và kém thành công hơn trong việc hạn chế tác động của đại dịch.

Michele Acuto, giáo sư về chính trị đô thị toàn cầu tại Đại học Melbourne, cho biết thêm: "Covid-19 dạy chúng ta rằng điểm mù luôn tồn tại, ngay cả khi chúng ta đã hành động". Báo cáo tiếp tục nhấn mạnh rằng sự hiểu biết về an ninh y tế "cần được xem xét lại" dựa trên kết quả của đại dịch.

Bước ngoặt

Naka Kondo, biên tập viên cấp cao của The EIU và là biên tập viên của báo cáo, lưu ý rằng bảo mật kỹ thuật số đã trở thành một ưu tiên lớn hiện nay khi "nhiều công việc và quan hệ đã chuyển sang trực tuyến" và cần phải được điều chỉnh để giải quyết vấn đề này.

Kondo nói: "Những người chịu trách nhiệm về an toàn cơ sở hạ tầng phải điều chỉnh theo những thay đổi mạnh mẽ trong mô hình đi lại và nơi cư dân sử dụng các tiện ích; các cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh cá nhân cần phải giải quyết sự thay đổi trong các mô hình tội phạm".

Báo cáo cũng thừa nhận rằng đại dịch đã mang lại "một bước ngoặt tiềm năng đối với mọi trụ cột của an toàn đô thị", tạo cơ hội cho các thành phố "đánh giá lại các mối nguy hiểm lâu dài trong cách đạt được sự an toàn, bền vững, đáng sống cũng như các cơ hội".

"Sự hiểu biết mới toàn diện hơn về an toàn đô thị mang lại hy vọng cho các thành phố, không chỉ an toàn hơn theo mọi khía cạnh, mà còn bền vững và thú vị hơn".

Linh Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên