MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh thức tiềm năng kinh tế đêm Hà Nội thế nào?

Đề án phát triển kinh tế ban đêm đang được Bộ KH&ĐT xin ý kiến 19 bộ ngành và các địa phương. Nhiều doanh nghiệp về du lịch kỳ vọng đề án sẽ được đẩy nhanh nghiên cứu triển khai vào cuộc sống nhằm mang lại hơi thở mới cho du lịch, thương mại và nhiều ngành nghề...

Để phố cổ "không ngủ quên"

Từ tháng 9/2016 đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng cho 3 ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận.

Đại diện Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cho biết, hoạt động đã thu hút 65 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện đăng ký tham gia, tạo thêm không gian vui chơi, thu hút du khách khi đến với Thủ đô và quận. Đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống ban đêm của du khách đặc biệt là du khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

Cụ thể, doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 30% so với thời gian trước khi có chủ trương thí điểm.

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng kinh tế, kinh doanh đêm là thời điểm dễ phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội như: say rượu, gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất cấm… Tình trạng một số cơ sở kinh doanh nhà hàng, cà phê có sử dụng âm thanh công suất lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực. Công tác vệ sinh môi trường cũng bị ảnh hưởng bởi các cơ sở kinh doanh đêm muộn.

Đại diện Phòng Kinh tế đề xuất, các cấp, các ngành cần nghiên cứu đề ra các chính sách hỗ trợ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ban đêm để thu hút các cơ sở kinh doanh tham gia; quy định các điều kiện đối với hoạt động kinh doanh về đêm để không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, do đặc thù đất chật nên Quận ủy, UBND quận xác định thúc đẩy các loại hình thương mại, dịch vụ du lịch theo Nghị quyết 06 của Thành ủy. Trong đó du lịch đêm cũng là mong muốn của quận thúc đẩy trong thời gian tới, để phố cổ không “ngủ quên”.

Nói về hoạt động thí điểm kinh doanh đến 2 giờ sáng, lãnh đạo quận cho biết, quận không đặt vấn đề thu thuế các hộ kinh doanh sau 0 giờ, bên cạnh đó cũng đặt mức khoán thuế phù hợp để khuyến khích họ.

Ông Quân cho hay: “Qua 3 năm thí điểm, hiệu quả mang lại không chỉ là kết quả kinh doanh của những nhà hàng này mà là sự cộng hưởng của chuỗi hoạt động kinh doanh tại Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ… Cùng với đó, thời gian lưu trú tại Hà Nội của du khách đã tăng mạnh”.

Vị lãnh đạo quận mong muốn có thể tìm một nhà đầu tư có tiềm lực, chiến lược để quy hoạch một số khu vực thành địa điểm hoạt động đêm. “Ban ngày khách đi du lịch theo tua, đến tối là lúc du khách tự do khám phá, tiêu tiền, lúc đó không có dịch vụ đáp ứng thì rất đáng tiếc. Bên cạnh đó, cũng cần chủ trương của nhà nước để ngành du lịch đêm phát triển theo quỹ đạo”, ông Quân nhận định.

Thiếu dịch vụ về đêm

Thông tin với Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng: “Ngay cả ở Sài Gòn ban đêm cho khách đi coi chương trình giải trí, văn hóa cũng rất nghèo nàn; mua sắm thì hầu hết là các sản phẩm rẻ tiền…”. Chúng ta cần phải thay đổi lại quan điểm mới giải quyết được câu chuyện thu hút khách vào để họ dùng sản phẩm gì của chúng ta. Nếu không khách du lịch vào rồi trượt đi luôn chứ không thẩm thấu được vào nền kinh tế, văn hóa của mình.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt chung nhận định, du khách nước ngoài thường coi thời gian ban đêm ở nước ta là khoảng thời gian tĩnh lặng, ít xe cộ ồn ào, có thể ngắm cuộc sống đêm. Mặt khác, rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam không quen múi giờ (có khi lệch đến 12 giờ) mà bắt họ phải đi ngủ sớm thì thật vô lý. Ông Huê nêu ví dụ về tua du lịch Thái Lan 5 ngày, 4 đêm giá chỉ khoảng 6 triệu đồng. “Nếu tính chi phí ăn nghỉ, tham quan thì với giá đó họ không thể thu hồi vốn. Vậy nước họ thu lãi từ đâu? Đó là từ các dịch vụ mua sắm, các hoạt động giải trí ban đêm”, ông Huê nêu.

Ở Việt Nam, các đơn vị hành chính đều áp dụng quy định sau 11 giờ đêm các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng lại. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có tâm lý lo ngại vấn đề an ninh, trật tự đối với hoạt động sau 12 giờ đêm. Tại sao các doanh nghiệp có thể kinh doanh xuyên đêm phục vụ du khách mà cơ quan quản lý không làm được? Vấn đề này cần xem xét lại, nếu muốn phát triển ngành kinh tế ban đêm. Hiện nay các hoạt động về đêm phục vụ du khách đều thiếu.

Việc tăng cường du lịch vào ban đêm sẽ khuyến khích du khách ở lại Việt Nam lâu hơn, từ đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng vào ban đêm.

Đừng sợ không kiểm soát được

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc HanoiRedtours nhận xét, không chỉ du khách mà người dân tại đô thị cũng có nhu cầu mua sắm, đi chơi rất cao vào buổi tối. Vì thế, thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm và sử dụng các dịch vụ khác vào ban đêm rõ ràng sẽ kích thích được nhu cầu tiêu dùng. Ông Hoan cho rằng, cũng cần phải tạo hành lang pháp lý rất chuẩn về kinh tế ban đêm. Theo đó, khi phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó… phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học; đồng thời tăng công tác quản lý nhà nước để tránh tệ nạn. Trên thế giới cũng có những “biến tấu” nhưng họ kiểm soát. Chúng ta đừng sợ không kiểm soát được rồi cấm hoặc không làm gì.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, chúng ta đã biết được hiệu quả kinh tế đêm, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đầu tư để có những chính sách, cơ chế riêng phát triển kinh tế về đêm. Đây chính là nút thắt lớn cần được tháo gỡ.

“Tôi cho rằng rào cản không chỉ nằm ở giới hạn thời gian mà còn là quy hoạch và quản lý”, Tổng Giám đốc Vietravel nhận định. Chính vì không quy hoạch được mới trở nên xô bồ. Nhiều tuyến phố đi bộ ở các thành phố lớn, giờ người ta gọi là phố đi nhậu. Hàng quán tràn ra lòng đường, chiếm diện tích. Những con phố rộng hơn, thích hợp làm dịch vụ, thì lại trống trơn.

Tư duy không quản lý được thì cấm khiến các thành phố bỏ quên cơ hội từ kinh tế đêm. Trong khi đó, nếu quy hoạch từng khu cụ thể, có điều kiện kinh doanh rõ ràng thì câu chuyện sẽ khác. “Chính quyền từng thành phố phải trả lời được những câu hỏi: “Muốn cái gì?”, “Khai thác thế nào” thì mới có thể đưa ra một giải pháp tổng thể”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu quan điểm.

“Kinh tế ban đêm không thể hình thành nhờ vào việc kéo dài thời gian hoạt động của vài cơ sở kinh doanh, nó luôn phải hoạt động đồng bộ từ phương tiện công cộng để đến các địa điểm giải trí ban đêm, tới nhà hàng để ăn sau khi rời sân khấu lúc 2h sáng, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 để sẵn sàng phục vụ du khách...”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ,  Tổng Giám đốc Vietravel

Đánh thức tiềm năng kinh tế đêm Hà Nội thế nào? - Ảnh 1.

Theo Hồng Vĩnh (Ảnh) - Trần Hoàng

Theo Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên