Đặt hàng nhà ở tái định cư: Hết thời “tay không bắt giặc”
Thực hiện chủ trương đặt hàng nhà tái định cư (TĐC) thay vì đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2017 - 2020, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đã xây dựng “bộ tiêu chuẩn” gồm 10 điểm để lựa chọn các nhà thầu đủ điều kiện được UBND thành phố Hà Nội đặt hàng, trong đó nguồn lực tài chính doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu.
Buộc doanh nghiệp công khai năng lực tài chính
Giữa năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã gặp mặt các nhà đầu tư có nguyện vọng đăng ký đầu tư nhà ở thương mại phục vụ TĐC trên địa bàn theo phương thức đặt hàng. Căn cứ báo cáo của sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan, UBND thành phố thống nhất đưa ra 10 tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực và tiềm lực tài chính, đủ tiêu chuẩn được thành phố đặt hàng; trong đó, phải chứng minh rõ nguồn lực tài chính.
Cụ thể, chủ đầu tư của dự án phát triển nhà ở có nguyện vọng triển khai xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư đặt hàng tại quỹ đất 20% (quỹ đất chủ đầu tư phải trả lại thành phố theo quy định trong mỗi dự án thu hồi đất) được thành phố ưu tiên lựa chọn làm nhà đầu tư. Nhà đầu tư (NĐT) phải có năng lực tài chính đảm bảo triển khai hiệu quả, đúng tiến độ thể hiện trong báo cáo tài chính 2016 đã được kiểm toán, hoặc có xác nhận của ngân hàng cam kết bố trí đủ vốn triển khai dự án. NĐT phải tự bố trí vốn triển khai dự án, từ quá trình chuẩn bị đầu tư đến khai thác và đưa vào sử dụng (trừ tiền GPMB).
NĐT cần có năng lực quản trị dự án thể hiện qua kinh nghiệm triển khai dự án có quy mô tương tự như dự án được lựa chọn đặt hàng. Kinh nghiệm quản trị, vận hành toà nhà, cam kết không có vi phạm trong quá trình triển khai dự án. NĐT vi phạm trong các dự án đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất ở những dự án tương tự sẽ là cơ sở để thành phố trừ điểm trong quá trình xét lựa chọn. Đáng chú ý, để được lựa chọn là đơn vị đặt hàng nhà TĐC, doanh nghiệp phải cam kết 3 nội dung: Không tính lãi vay trong quá trình triển khai dự án, cam kết đúng tiến độ và cam kết thực hiện việc vận hành, quản lý toà nhà sau khi đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, chủ đầu tư được phép quảng bá về dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Doanh nghiệp không dễ “bỏ” dự án
Điểm được coi là hấp dẫn thu hút nhà đầu tư tham gia nhận đặt hàng nhà TĐC của thành phố, chính là việc NĐT được hưởng 10% lợi nhuận thu được từ việc bán các căn hộ, hoặc được bán 10 - 15% trên tổng diện tích căn hộ. Đồng thời, sau 9 - 12 tháng kể từ ngày hoàn thiện và bàn giao căn hộ (trên hồ sơ), thành phố chưa bố trí TĐC, không có hộ gia đình nào đăng ký mua nhà, chủ đầu tư báo cáo UBND thành phố cho bán căn hộ trên ra thị trường và nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm bán căn hộ.
Cùng với việc “phá rào” cho doanh nghiệp thoát khỏi cảnh bị tồn đọng vốn như đã và đang xảy ra tại các dự án Nam Trung Yên, Sài Đồng, thành phố cũng đặt ra quy định ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bỏ dự án sau khi được lựa chọn. Theo đó, NĐT phải đảm bảo việc triển khai dự án thông qua việc ký quỹ 1 - 3% tổng mức đầu tư dự án, khoản tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả cho chủ đầu tư sau khi dự án “cất nóc” hoặc bị sung công quỹ khoản ký quỹ nếu NĐT không triển khai dự án. Các NĐT được lựa chọn chịu sự giám sát, kiểm tra, đánh giá của Sở Xây dựng.
Nhận định về chủ trương đặt nhà TĐC của thành phố Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, việc đặt hàng nhà TĐC thay vì đầu tư bằng tiền ngân sách sẽ lập tức giúp thành phố Hà Nội tiết kiệm được một lượng lớn ngân sách. Chính sách này sẽ thu được hiệu quả cao hơn nếu thành phố cho áp dụng cơ chế đấu giá - đấu thầu công khai để lựa chọn ra các nhà đầu tư đủ năng lực, thay vì chỉ định để rồi tiềm ẩn cơ chế “xin - cho”.
Đồng thời, thành phố cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ về chất lượng đảm bảo không có độ vênh quá lớn giữa nhà TĐC và nhà ở thương mại. “Quy định sau 9 đến 12 tháng kể từ khi đủ điều kiện bố trí TĐC, nếu thành phố chưa giới thiệu người được mua nhà thì nhà đầu tư được bán nhà ra thị trường để thu hồi vốn và nộp tiền sử dụng đất theo quy định, có thể được xem như cơ chế mở nhằm thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, Hà Nội cần có cơ chế giám sát thực hiện quy định này chặt chẽ, tránh tình trạng tận dụng kẽ hở để bán nhà TĐC như nhà thương mại…”, ông Võ nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Sở Xây dựng cho biết, chủ trương đặt hàng nhà TĐC sẽ có nhiều bước đột phá đảm bảo lợi ích thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn. Ngoài quy định 9- 12 tháng được bán ra thị trường các căn hộ không có người đăng ký mua, doanh nghiệp còn được thành phố ưu tiên giải quyết nhanh gọn những thủ tục hành chính liên quan đến triển khai dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải chứng minh rõ năng lực tài chính đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy chế trình UBND thành phố xem xét phê duyệt để có thể áp dụng từ năm 2018.