Đặt mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng, hai cường quốc châu Á chưa thể “cai nghiện” nhiên liệu bẩn nhất thế giới trong một sớm một chiều
Theo các chuyên gia, nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về than ngay cả khi hai cường quốc châu Á đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng.
- 11-01-2024Thị trường lưu ý: Báo cáo lạm phát công bố tối nay 'có thể' thay đổi lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024
- 11-01-202452 tỷ USD: Mặt tối đằng sau khoản đầu tư công nghiệp bán dẫn của Mỹ nhằm chạy đua với Trung Quốc
- 11-01-2024Trước khi xuống tiền mua cổ phiếu trong năm 2024, nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý 1 ‘lời khuyên vàng’ của huyền thoại Warren Buffett
Tiêu thụ than vẫn tăng
Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đứng thứ 1 và thứ 3 thế giới về tiêu thụ năng lượng. Cả hai nước cũng đều là những nước tiêu thụ than nhiều nhất trong quá trình phát triển kinh tế.
Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thị phần tiêu thụ điện toàn cầu của Trung Quốc (60% trong số đó được tạo ra từ than), sẽ tăng lên 1/3 vào năm 2025, so với 1/4 vào năm 2015.
Rob Thummel – giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư năng lượng Tortoise Capital cho biết nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ cũng có nghĩa là nhu cầu năng lượng của nước này, bao gồm dầu và khí đốt tự nhiên, sẽ rất lớn.
Ian Roper, chiến lược gia tại Astris Advisory Japan KK, nói với CNBC: “Nếu Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tăng trưởng kinh tế ở mức khá trong thập kỷ tới, nhu cầu than sẽ không sớm biến mất trên toàn cầu”.
IEA cho biết trong một báo cáo gần đây rằng tiêu thụ than toàn cầu vào năm 2023 đạt mức cao kỷ lục khi lần đầu tiên vượt mức 8,5 tỷ tấn do nhu cầu mạnh mẽ ở các nước mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc.
IEA dự đoán mức tiêu thụ than ở Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ tiếp tục “tăng đáng kể”.
Sản lượng than của Ấn Độ đã tăng lên 893 triệu tấn trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, tăng gần 15% so với một năm trước. Sản lượng than nguyên khai của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm ngoái cũng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngược lại, Mỹ – quốc gia tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới, lại chứng kiến mức tiêu thụ than giảm. Theo Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng, lượng than mà Mỹ tiêu thụ mỗi ngày giảm từ 2,8 triệu xuống 1,1 triệu tấn.
Bước lùi trong việc cắt giảm khí thải?
Trên toàn cầu, lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Theo ước tính mới nhất của Ngân sách Carbon toàn cầu, lượng khí thải của Ấn Độ được dự đoán tăng 8,2% vào năm 2023, trong khi của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 4%.
“Điều đáng chú ý là vì Trung Quốc và Ấn Độ hiện tiêu thụ nhiều than hơn đáng kể, nên lượng khí thải carbon từ hai quốc gia này vẫn đang tăng lên chứ không phải giảm đi”, Rob Thummel nói.
Tuy nhiên, hai nước đã và đang áp dụng cũng như đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo tích cực.
Ấn Độ đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là 50% nhu cầu điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Đến nay, năng lượng tái tạo chiếm 22% sản lượng điện của nước này.
Điều đó có nghĩa là 75% năng lượng của Ấn Độ hiện được tạo ra từ các nhà máy đốt than. Theo một nghiên cứu của Citibank, nguyên liệu than tại các nhà máy điện ở Ấn Độ trong năm 2023 đã tăng 6% so với năm trước. Nước này cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm 80 gigawatt công suất nhiệt điện than trong 8 năm tới.
Tương tự, than chiếm tới 61% sản lượng điện của Trung Quốc, mặc dù quốc gia này được công nhận là nước dẫn đầu trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo. Nước này đã bổ sung các dự án mới vào lưới điện với tốc độ gần bằng tốc độ của phần còn lại của thế giới vào năm 2022. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Nhưng sự thiếu ổn định và tin cậy của năng lượng tái tạo khiến than vẫn là một lựa chọn dự phòng quan trọng đối với hai nước này.
Roper nhận xét: “Trung Quốc đã phải chịu tình trạng thiếu điện vài năm trước. Thủy điện cũng sụt sùi trong vài năm gần đây. Vì vậy họ phải quay trở lại sử dụng than”.
Sự thiếu tin cậy tương tự có thể được mở rộng sang hệ sinh thái năng lượng tái tạo của Ấn Độ. Tháng 10 năm ngoái, tỷ trọng sản xuất điện than đã tăng lên 80% so với 73% cùng kỳ năm 2022, do lượng mưa thấp hơn bình thường đã hạn chế sản xuất thủy điện. Sản lượng than trong tháng đó tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước đó.
Điều này có nghĩa là hai nước sẽ tiếp tục dựa vào than làm nguồn sản xuất điện chính trong nhiều năm tới. “Tiêu thụ than của Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng ròng trong ít nhất một thập kỷ tới”, Roper nhận định.
Roper cho biết: “Việc tiêu thụ than của Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ tăng trưởng ròng trong ít nhất một thập kỷ tới”.
Theo CNBC
Nhịp Sống Thị Trường