MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặt nhiều tham vọng vào lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam, đối tác chiến lược Nhật Bản mua 19,5 triệu cổ phiếu FCN với giá khoảng 27.000 đồng/cp

02-07-2019 - 15:26 PM | Bất động sản

Gần đây, nhà đầu tư Nhật Bản mạnh tay mua cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng, trong đó thương vụ nổi bật nhất thời gian qua là Raito Kogyo mua 19,5 triệu cổ phiếu FECON (FCN).

Mới đây, Công ty CP FECON công bố đã thực hiện phát hành thành công 19,5 triệu cổ phiếu, thông qua chuyển đổi trái phiếu cho cổ đông chiến lược là Raito Kogyo Co., Ltd đến từ Nhật Bản. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của FECON tăng lên 1.138,48 tỷ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán dầu khí (PSI), sau khi hoàn thiện thủ tục cho nhà đầu tư Nhật Bản, FCN đã thực hiện công bố ngay thông tin cho cổ đông và nhà đầu tư. Theo đó, tổng giá trị giao dịch của thương vụ được hé lộ ở mức gần 526 tỷ đồng (bao gồm cả hai phương thức tham gia của Raito).

Do đó, PSI tính toán giá cổ phiếu FCN mà Raito Kogyo thực hiện mua tối thiểu ở mức 27.000 đồng/cp. Và như vậy, doanh nghiệp Nhật Bản này đã nâng mức sở hữu FECON lên mức trên 19% vốn điều lệ mà không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố giá giao dịch đàm phán.

Cũng theo báo cáo của PSI, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có những tập đoàn lớn nước ngoài trong ngành xây dựng, công trình ngầm tham gia mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn của các DN xây dựng Việt Nam đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Đơn cử như Maeda Corporationm mua VC6 vào hồi tháng 3, Raito Kogyo…Cách thức đầu tư cho thấy hoạt động này không đơn thuần là hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn…

Theo phân tích của PSI, dường như giá đàm phán không phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu cho việc quyết định. Có vẻ như nhà đầu tư Nhật đang có niềm tin vào tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường này tại Việt Nam.

Còn theo đánh giá của chủ tịch Raito Kogyo thì tiềm năng của thị trường công nghiệp xây dựng và hạ tầng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á còn rất lớn, đặc biệt là tại các dự án hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt, hạ tầng liên quan đến công trình ngầm, nhiệt điện và năng lượng...

Điều này là do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam lớn, chất lượng cơ sở hạ tầng sẵn có còn kém và tốc độ phát triển kinh tế cao. Thêm nữa, cơ chế hợp tác công-tư (PPP) tạo ra nhiều cơ hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các đơn vị ngoài nhà nước như FECON.

Các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có đặc thù diện tích lớn và thời gian sử dụng lâu dài, đặc biệt các dự án đường, cầu, cảng. Vì vậy, thi công nền móng chiếm tỷ trọng cao hơn trong chi phí thi công đối với các dự án này so với dân dụng và công nghiệp. Đây cơ hội cho cả Raito Kogyo và FECON trong việc chuyển giao, tiếp nhận và triển khai hiệu quả các công nghệ xây dựng tiên tiến trên thế giới.

Ngoài ra, lĩnh vực điện mặt trời cũng đang là miếng bánh nhiều nhà đầu tư hướng tới, không chỉ những nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Theo PSI đánh giá, đây là lĩnh vực mới, nhận được nhiều sự quan tâm của các DN trong vài năm trở lại đây, trong đó có cả những doanh nghiệp xây dựng, BĐS, công trình ngầm và hạ tầng như FECON, Bim Group…

Bên cạnh việc là nhà thầu thi công 4 dự án gồm Vĩnh Hảo 6, Sunseap, Hồng Phong, Sơn Mỹ, FECON còn đầu tư vào dự án Vĩnh Hảo 6 khi hợp tác với Tập đoàn năng lượng Acwa Power (Ả rập Xê út), với tổng vốn đầu tư 1.361 tỷ đồng, trên diện tích 60 ha với công suất thiết kế 50 MWp. Dự án này được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cent/kWh cho 20 năm vận hành dự án. Doanh nghiệp này đặt tham vọng đầu tư khoảng 5-6 dự án năng lượng tái tạo trong những năm tới như Vĩnh Hảo 6 (giai đoạn 2); các dự án điện gió tại Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bến Tre; dự án điện mặt trời tại Bình Phước.

Theo PSI, FECON đặt mục tiêu đầu tư ít nhất 1 dự án mỗi năm và hoàn thành 2 dự án vào 2021, mang về lợi nhuận ước tính chiếm 20-25% tổng lợi nhuận toàn công ty. Từ năm 2023 trở đi, trong số 50% lợi nhuận đến hoạt động đầu tư, mảng năng lượng tái tạo có thể tạo ra 60% lợi nhuận.

Bình An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên